Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 28 tháng 8 năm 2023 | 10:13

Yên Thế nâng tầm giá trị sản phẩm OCOP

Yên Thế nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Bắc Giang, những năm qua, huyện đã tập trung phát triển các sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh của địa phương.

Kết quả là, huyện đã có 28 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên.

Tuy vậy, việc xây dựng sản phẩm OCOP từ du lịch vẫn là điều trăn trở. Bằng sự nỗ lực của cả cấp ủy, chính quyền, người dân, huyện đã có sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven đạt OCOP 3 sao. Đây cũng là sản phẩm đầu tiên của Bắc Giang về du lịch cộng đồng.

Nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP

Xác định Chương trình OCOP là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, hàng năm Yên Thế đều ban hành Kế hoạch triển khai, Kế hoạch tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; khuyến khích, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất thành lập mới HTX, mở rộng sản xuất kinh doanh, liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại quảng bá sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước.

Để tiện cho việc quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, HTX Thân Trường đã mở điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện.

Chương trình OCOP đã nhận được sự ủng hộ và chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự ủng hộ của Nhân dân. Công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương ngày càng chặt chẽ; sự nỗ lực, phối hợp nhiệt tình của các chủ thể. Đến nay, huyện có 28 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên. Kết quả này tạo nên động lực mới trong xây dựng NTM, phát triển kinh tế nông thôn, được hệ thống chính trị các cấp và xã hội đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia.

Sản phẩm OCOP của huyện đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm; có mẫu mã, bao bì đa dạng thân thiện với môi trường, phù hợp yêu cầu của thị trường. Sản phẩm OCOP sau khi được công nhận đã gia tăng giá trị, góp phần giúp các chủ thể tăng quy mô sản xuất và doanh thu. Một số doanh nghiệp, tập đoàn, siêu thị lớn đã đặt hàng đưa vào hệ thống phân phối.

Đặc biệt, chuỗi sản phẩm của HTX Nông nghiệp xanh Yên Thế đã được phân phối cung cấp cho chuỗi siêu thị lớn và uy tín như: Winmart, Go! Và UCA mart, cùng các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch tại địa bàn Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh... Đã hình thành được các chuỗi giá trị OCOP hoạt động hiệu quả với vai trò tích cực của HTX và doanh nghiệp, nhiều sản phẩm OCOP khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý, như: gà đồi Yên Thế, chè xanh bản Ven...

Sản phẩm OCOP đầu tiên về du lịch ở Bắc Giang

Phát huy những tiềm năng, lợi thế của mình, năm 2022 Yên Thế đăng ký  sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven của HTX Thân Trường để tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với bộ sản phẩm: “Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch”. Kết quả, sản phẩm đã đạt OCOP 3 sao.

Với quy mô rộng 10 ha, du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven là điểm trải nghiệm lý tưởng cho nhiều du khách.

Hiện, khu du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven đã hình thành cụm nhà nghỉ cộng đồng (homestay) để phục vụ nhu cầu lưu trú của du khách; xây dựng nhà sàn; trồng các vườn hoa tại các khuôn viên nhà sàn... Đến đây, du khách được trải nghiệm mô hình du lịch cộng đồng, nghỉ tại nhà sàn, thăm các trang trại chăn nuôi gà đồi, chăn nuôi dê, câu cá, leo thác, leo núi, khám phá khu rừng nguyên sinh Xuân Lung - Thác Ngà, tìm hiểu bản sắc văn hóa và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí của bà con dân tộc thiểu số vùng cao.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, du lịch nông nghiệp phát triển giúp gia tăng sức tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời là công cụ xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, bền vững, không những thế, một mô hình du lịch nông nghiệp hiệu quả có thể mang lại kiến thức cho du khách về nông nghiệp, truyền thống canh tác của vùng nông thôn, quá trình sản xuất và phân phối nông sản, nâng cao nhận thức về sử dụng thực phẩm lành mạnh và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, việc lồng ghép xây dựng các sản phẩm OCOP gắn với du lịch đã góp phần làm phong phú cho chương trình du lịch, thu hút khách tham quan, trải nghiệm. Ngược lại, du lịch giúp quảng bá, tiêu thụ, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP.

Trao đổi với phóng viên, chị Lý Thị Hợi, Giám đốc HTX Thân Trường (bản Ven, xã Xuân Lương, Yên Thế, Bắc Giang) chia sẻ, HTX thành lập năm 2013, lúc đầu tập trung sản xuất chè, năm 2019 thì mở rộng làm du lịch cộng đồng. Với sản phẩm chè, HTX đang liên kết với 20 hộ dân, diện tích khoảng 30ha, sản lượng cung cấp ra thị trường hàng năm đạt 10-12 tấn khô (tương đương 40-50 tấn tươi). Để nâng cao thương hiệu, giá trị, năm 2019 HTX triển khai và đạt OCOP, năm 2022 được chứng nhận lần 2.

Bên cạnh đó, HTX đầu tư về cơ sở hạ tầng cảnh quan, mở rộng quỹ đất để phát triển du lịch cộng đồng, năm 2019, được UBND tỉnh công nhận điểm du lịch cộng đồng bản Ven. Sau khi được công nhận, HTX tiếp tục mở rộng quy mô, nhân lực, mở rộng các dịch vụ, năm 2022, sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven đạt OCOP 3 sao.

Giá trị sản phẩm được nâng lên

Trao đổi với phóng viên về những khó khăn HTX gặp phải, chị Hợi cho biết, khó khăn lớn nhất là thay đổi tư duy sản xuất, từ sản xuất thiên về số lượng chuyển sang đầu tư về chất lượng, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp rất là khó, rất mất thời gian.

Từ việc xây dựng thương hiệu, giờ đây sản phẩm chè ở bản Ven đã nâng cao được giá trị.

Khó về nguồn nhân lực, HTX cần rất nhiều lao động nhưng lao động tại địa phưng chưa có kinh nghiệm, nghiệp vụ, để sử dụng được phải thuê các chuyên gia về tập huấn, hướng dẫn thì mới sử dụng được. Rồi khó khăn về nguồn vốn, trước đó, từ huyện đến tỉnh chưa chưa có chính sách nào đầu tư cho du lịch cộng đồng, do vậy phải huy động từ nhiều nguồn. Tháng 7/2023, HĐND tỉnh mới có Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Đây cơ hội để HTX tiếp cận vốn.

Hiện, HTX đang giải quyết việc làm thường xuyên cho 35 lao động với mức lương trung bình 7 triệu đồng/người/tháng và khoảng 20-30 lao động mùa vụ. Đến nay, giá trị đầu tư của HTX đạt khoảng 30 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm đã đón 60.000 lượt khách. Doanh thu hàng năm đạt từ 30-35 tỷ đồng, trung bình thu nhập của các thành viên khoảng 200 triệu đồng/người/năm.

Trao đổi nét nổi bật về sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven đạt OCOP 3 sao, chị Hợi tâm sự, trước đây, các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ, thiên về số lượng, giá thành thấp, từ khi HTX làm nhãn hiệu chè xanh bản Ven, các hộ dân được hưởng từ nhãn hiệu, giá bán của sản phẩm tăng 30-50%. Trước giá khoảng 100.000 đồng/kg, bây giờ dao động từ 250.000-300.000 đồng/kg. Chất lượng chè tăng lên, người dân không đi sâu vào tăng sản lượng mà sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, có khu vực sản xuất theo hướng hữu cơ.

Khi phát triển du lịch, đường giao thông thay đổi rất nhiều, cảnh quan môi trường được chỉnh trang đẹp hơn, các gia đình đều chỉnh trang nhà cửa để thu hút du khách. Phát triển du lịch, người dân có thêm khoản thu từ khách đến thăm và trực tiếp hái chè, có thêm nguồn thu khi biểu diễn văn nghệ phục vụ khách.

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Nông ngiệp và PTNT huyện Yên Thế cho biết, sản phẩm du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven là sản phẩm OCOP du lịch đầu tiên của Bắc Giang. Sản phẩm đã phát huy được giá trị dịch vụ du lịch cộng đồng, gắn với khai thác lợi thế nông nghiệp - là vùng phát triển chè trọng điểm với diện tích trên 500ha, trong khi sản phẩm chè xanh bản Ven cũng đạt OCOP. Đối với các sản phẩm được công nhận thời gian tới, huyện tiếp tục nâng cao chất lượng, đối với du lịch sinh thái - văn hóa bản Ven sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng các yêu cầu của thị trường.

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top