An toàn vệ sinh thực phẩm: 20 năm thực phẩm vẫn chưa an toàn
Kể từ ngày 4/2/1999, Thủ tướng Phan Văn Khải ký ban hành Quyết định số 14/1999/QĐ-TTg thành lập Cục Quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Y tế thực hiện quản lý nhà nước về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.
Đây là cột mốc quan trọng có ý nghĩa to lớn đối với ngành quản lý an toàn thực phẩm. Đã trải qua 20 năm trong nhưng thực phẩm vẫn chưa an toàn.
Mỗi năm có 1 tháng VSATTP, nhưng thực phẩm vẫn không an toàn
Tháng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đầu tiên được phát động ngay sau khi Thủ tướng có Quyết định thành lập Cục Quản lý chất lượng an toàn thực phẩm. Kể từ đó đến nay đã tròn 20 năm và đã có từng ấy tháng vệ sinh an toàn thực phẩm được phát động.
Mỗi tháng VSATTP đều được tổ chức rầm rộ và đều có chủ đề riêng, nhưng câu chuyện về thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm bị thiu, thối, được phù phép để trở thành những món ăn trên bàn ăn của mỗi gia đình, trên từng bàn ăn của thực khách luôn luôn là những vấn đề nhức nhối và bức xúc trong xã hội.
Thậm chí, thực phẩm bẩn còn ngang nhiên được các đơn vị cung cấp, chế biến thực phẩm tuồn vào trong các bếp ăn trường học, để rồi có rất nhiều vụ ngộ độc xảy ra đối với các em học sinh.
Điểm lại những vụ việc có liên quan đến mất VSATTP gây bức xúc cho dư luận xã hội xảy ra trên cả nước, chúng ta có thể thấy vụ lực lượng chức năng đã bắt giữ hàng chục kg hải sản đông lạnh, bốc mùi hôi thối nhưng được phù phép qua một dung dịch hóa học tại chơ Long Biên (Hà Nội) vào năm 2018.
Sáng 25/4/2016, Đội 6 thuộc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49 - Công an TP Hà Nội) phối hợp Đội quản lý thị trường số 11 (Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra cơ sở sản xuất của gia đình bà Nguyễn Thị Thủy (41 tuổi, ngụ xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội).
Tại kho đông lạnh của cơ sở này, tổ công tác liên ngành phát hiện 3,7 tấn gồm: Đuôi, chân, lưỡi, mõm bò không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có giấy kiểm dịch thú y...
Theo tổ công tác liên ngành, sau khi thu mua, các sản phẩm từ bò sẽ được ngâm trong bể nước; do ngâm quá lâu nên gần như toàn bộ đã ngả vàng, bốc mùi nặng.
Ngày 13/4/2016, đội Quản lý thị trường (QLTT) số 7 - Chi cục QLTT Hà Nội phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hà Nội kiểm tra cơ sở sản xuất, chế biến mỡ động vật của anh Đinh Văn Thắng tại thôn Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì).
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện chủ sản xuất đang thu gom sản phẩm động vật gồm 25 bao tải mỡ bò, trâu chưa qua sơ chế, mỗi bao có trọng lượng 25kg và hơn 80 bao tải mỡ trâu, bò đã qua sơ chế, mỗi bao khoảng 50kg. Tổng trọng lượng gần 5 tấn mỡ các loại.
Ngày 7/5/2017, tại chợ Cồn, xã Thạch Mỹ, huyện Can Lộc lực lượng chức năng phát hiện đối tượng Mai Thị Chương (trú tại xã Hồng Lộc) chở 200kg mỡ, nội tạng động vật đã bốc mùi hôi thối đi tiêu thụ.
Ngày 26/6/2017, bắt giữ, tiêu hủy 75kg óc động vật các loại được phát hiện vận chuyển qua địa bàn huyện Nghi Xuân, không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ và đã bốc mùi hôi thối.
Từ ngày 20 - 26/4 HTX Hà Hương (phường Văn Yên, TP Hà Tĩnh) 2 lần liên tục bị lực lượng chức năng phát hiện, cất giữ thực phẩm quá hạn sử dụng với số lượng lên đến hơn 2 tấn. Thậm chí HTX này tái phạm lần 3 vào ngày 17/11 với số lượng thực phẩm bẩn bị phát hiện cất giữ hơn 300kg gà, cá, đuôi lợn, nội tạng động vật... quá hạn sử dụng.
Rất nhiều và còn rất nhiều vụ vận chuyển, chế biến nội tạng động vật, thịt gia súc, gia cầm bốc mùi hôi thối nhưng vẫn được các cơ sở kinh doanh chế biến thực phẩm sử dụng bị các lực lượng chức năng kiểm tra và bắt giữ.
Đây mới chỉ là phần nổi tảng băng chìm của VSATTP được các cơ quan chức năng phát hiện, còn những vụ việc chưa bị phát hiện thì đã len lỏi vào từng mâm cơm của mỗi gia đình chúng ta.
Cần bữa ăn an toàn hơn cần tháng an toàn thực phẩm
Con số thống kê năm 2018 cho thấy 8.446 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm bị xử lý, xử phạt vi phạm hành chính hơn 19,5 tỉ đồng, số tang vật thu giữ có trị giá hơn 25,9 tỉ đồng. Lực lượng cảnh sát môi trường đã phát hiện 6.176 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, với 5.042 cá nhân, 809 tổ chức vi phạm...
Sau 20 năm, câu chuyện thực phẩm bẩn vẫn luôn nóng hổi và tạo được sự quan tâm của xã hội. Đầu năm 2019, một con số đáng lo ngại được đưa ra: Số vụ mất an toàn thực phẩm năm 2018 tăng 1,4 lần so với năm 2017.
Với những sự việc về mất VSATTP xảy ra liên tục, từ năm 2015, tại nghị trường Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đã nói về tình trạng thực phẩm bẩn, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi bằng câu nói nổi tiếng: “Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa rất gần”.
Vấn đề VSATTP là một vấn đề nhức nhối cho toàn xã hội, nhưng chỉ với những thông điệp như “Hãy nói không với thực phẩm bẩn” hoặc “Hãy làm người tiêu dùng thông thái” e rằng chưa giải quyết được triệt để vấn đề mất VSATTP này.
Nó rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cả xã hội và đặc biệt phải là ý thức của chính những người trồng trọt, chăn nuôi, chế biến và tiêu thụ thực phẩm này. Nói cho đúng đó là cần sự đạo đức của những người kinh doanh, của những người tạo ra thực phẩm và cần cả những con người chăm sóc ở các nhà trường, trung tâm ….
Tăng cường kiểm tra, giám sát là việc làm cần thiết nhưng gốc rễ là Nhà nước cần có thêm những chính sách, những khoản đầu tư để người sản xuất tiếp cận được công nghệ sạch và để trồng và chăn nuôi những sản phẩm sạch cho tiêu dùng của xã hội.
Để cho bữa ăn của người dân được bảo đảm một cách an toàn, trong 20 năm qua Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị - xã hội đã vào cuộc một cách quyết liệt, tuy nhiên những vụ việc đau lòng do mất VSATTP vẫn thường xuyên xảy ra.
Chúng ta cần một cuộc sống an toàn mà ở đó có những bữa ăn an toàn, chúng ta không cần mỗi năm một tháng hành động vì VSATTP nhưng người dân vẫn phải dùng thực phẩm không đảm bảo VSATTP.