Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 6 tháng 9 năm 2019 | 13:54

Ba loài sinh vật có công dụng chữa bệnh ở Tam Đảo

Xin giới thiệu cùng bạn đọc đặc điểm sinh vật của ba loài hoa tiên, hoàng tinh trắng và củ dòm,  mọc ở dưới tán rừng tại Vườn Quốc gia Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Là những loại cây có nhiều công dụng chữa bệnh. Hiện bị khai thác quá mức.

Hoa tiên

Hoa tiên có tên khoa học  Asarum glabrum, họ Aristolochiaceae.

 

image001.jpg

Hoa và rễ dùng bồi bổ, tăng cường thể lực, ngày 6 - 12g dạng thuốc sắc hoặc rượu thuốc. Lá sắc uống với liều hàng ngày 10 - 16g chữa ăn uống không tiêu, đau bụng. Hoa là thuốc bổ. Lá chữa đau bụng, ho. Rễ chữa cảm sốt, viêm họng, thấp khớp.

Kết quả điều tra cho thấy, hoa tiên thường tập trung phân bố ở đai cao, nơi có khí hậu ẩm lạnh, từ độ cao 1.015 - 1.260m (với độ cao trung bình 1.175m). Đặc điểm lập địa là đất Feralit mùn vàng nhạt trên núi cao phát triển trên đá axit Rionit, Daxít, đá biến chất như diệp thạch, phiến thạch và sa thạch; thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình. Tập trung ở các vùng như Đạo Trù, Tam Quan, Đại Đình và thị trấn Tam Đảo. Theo số liệu điều tra, hoa tiên phân bố ở loại rừng hỗn giao tre nứa, gỗ mà chưa phát hiện thấy có phân bố ở các loại trạng thái rừng khác. Lập địa vùng hoa tiên sinh sống thường có hướng dốc theo hướng dông từ Đông Nam sang Tây Bắc (hướng dốc chủ yếu là Tây - Tây Bắc). Hoa tiên phân bố ở nơi có độ dốc khá lớn (trung bình 30 độ), nơi lớn nhất lên tới 38 độ, địa hình hiểm trở. Hoa tiên thường sống ở nơi có độ tàn che khá cao, từ 0,6-0,7. Chỉ số này cho thấy sinh thái học của loài hoa tiên là loài chịu bóng, thường mọc ở dưới tán rừng.

 

image003.jpg

Hoa tiên là cây thân thảo sống nhiều năm, thân khí sinh cao 3,5-20,0cm.

Thân rễ tròn có đốt, mang nhiều rễ phụ dài, có thể phân nhánh dài nhất 23cm.

Gốc lá tạo thành 2 thuỳ, gần nhọn, cách xa nhau; mặt trên lá nhẵn bóng, mặt dưới có lông thưa trắng mịn ở gân và toàn bộ mặt sau; mép nguyên.

Hoa thường chỉ có 1 chiếc, mọc ở kẽ lá; cuống hoa ngắn màu tím nâu, thường mọc rủ xuống, nhưng hoa lại hướng cong lên.

Lá bắc 3, hình tam giác nhọn, tồn tại cùng với quả. Bao hoa màu nâu xám, hình phễu hơi cong; đầu chia thành 3 thuỳ tam giác hay hình mác; họng màu tím nâu có vân trắng.

Nhị 12, chỉ nhị ngắn, màu đỏ tím; trung đới tròn đầu, vượt lên trên bao phấn.

Quả phát triển trong bao hoa tồn tại, màu nâu xám nhạt. Hạt nhỏ, màu đen.

Tái sinh chủ yếu bằng thân ngầm, từ mắt thân ngầm mọc lên những nhánh non như gốc tre. Chính vì thế mà chúng thường tái sinh cụm, tạo nên những khóm tạo thành quần thể loài. Tái sinh hạt rất kém, trong quá trình điều tra hiếm gặp tái sinh hoa tiên bằng hạt.

Hoàng tinh hoa trắng

Hoàng tinh hoa trắng (Disporopsis longifolia) là loài cây thân thảo, sống nhiều năm, cao 0,8 - 2,0m.

Thân rễ nạc, từ 1 đến 15 cục gắn với nhau thành chuỗi, phân nhánh, nằm ngang bò trên mặt đất dài từ 2,0 -50cm; đường kính 0,8-2,2 cm. Trung bình mỗi cụm nghiên cứu có 2,4 thân, thấp nhất là 1 thân và cao nhất là 5 thân.

Hoa màu trắng ở nách lá, rủ xuống, cuống hoa 1cm; bao hoa gồm 6 phiến dài 9mm, ống đài 3- 4 mm; nhị 6, chỉ nhị dẹp; bản tròn. Mùa ra hoa tháng 3- 4. Quả mọng hình cầu hơi có 3 cạnh khi chín màu tím đen, mùa đậu quả tháng 6 - 8, mùa quả chín tháng 9- 10.

Khả năng tái sinh của loài này ở mức thấp, chúng có thể tái sinh bằng hạt và bằng thân rễ. Từ thân rễ mọc lên các chồi non và cứ mỗi năm khóm cây lại sinh thêm một thân mới (cũng là một cục mới); thân khí sinh thường vàng lá và rụng thân để lại cục ở thân rễ.

 

image005.jpg

Hoàng tinh hoa trắng có tác dụng bổ trung, ích khí, nhuận phế. Chữa tỷ vị hư nhược, suy kiệt, mệt mỏi, miệng khô biếng ăn, tinh huyết bất túc, nội nhiệt, tiêu khát; chữa âm hư, tỉnh tủy bất túc, suy lão sóm ở người cao tuổi; chữa lao phổi, ho ra máu.

Hoàng tinh hoa trắng thường tập trung phân bố ở tầm trung bình và thấp, nơi có khí hậu nhiệt đới, từ độ cao 125 - 255m (độ cao trung bình 179m). Lập địa là loại đất Feralit màu đỏ vàng phát triển trên đá phiến thạch sét, phiến thạch mica, sa thạch; thành phần cơ giới nhẹ. Tập trung chủ yếu ở các xã Trung Mỹ và Minh Quang. Hoàng tinh phân bố khá rộng ở các loại rừng hỗn giao tre nứa, gỗ và rừng thường xanh phục hồi; thường xanh nghèo; hỗn giao. Lập địa vùng hoàng tinh sinh sống thường là các vùng núi thấp có hướng dốc theo hướng dông với hướng dốc chủ yếu là Đông Nam – Tây Nam. Hoàng tinh  phân bố ở nơi có lập địa tương đối dốc từ 20-25 độ (trung bình 24 độ), nơi lớn nhất lên tới 25 độ. Hoàng tinh  thường sống ở nơi có độ tàn che từ 0,5-0,6. Chỉ số này cho thấy  hoàng tinh là loài mọc dưới tán rừng và tương đối chịu bóng.

Củ dòm

Củ dòm (Stephania dielsiana) là dạng dây leo thân thảo, sống nhiều năm, có rễ phình to thành củ thuôn dài, có dạng cầu hay trái xoan tròn thuôn dài, kích thước thay đổi nhiều, dao động từ 6,0-13cm x 0,9-10cm.

 

image011.jpg

Thân nhỏ, mọc leo, dài khoảng 6,5-15,5m. Ngọn non, cuống lá non chứa dịch màu tím hồng.  

Hoa nhỏ, đơn tính khác gốc, hoa đực tụ hợp thành tán giả, có 6 lá đài màu tím xếp thành hai vòng, 3 cánh hoa màu vàng cam, nhị đính trên môi trụ ngắn, hoa cái thành dạng đầu, có 1 lá đài màu tím, 2 cánh hoa màu vàng cam có vân tím, đầu nhụy chia thùy.

Quả hình trứng dẹt, dài 0,8 - 0,9 cm, hạt có 4 hàng gai cong nhọn và có lỗ ở giữa. Mùa hoa tháng 4 - 5; mùa quả tháng 6 - 7.

Đây là loài lúc nhỏ ưa bóng nhẹ, khi trưởng thành thì củ dòm thường mọc chùm lên ngọn các cây xung quanh đi kèm với nó. Khả năng tái sinh của loài này là không cao, tái sinh chủ yếu bằng hạt, tuy nhiên do bị khai thác cạn kiệt, mất phần lớn những cây trưởng thành, chỉ còn lại một số cây con non và một số ít cây trưởng thành.

 

image009.jpg

Củ dòm thường tập trung phân bố ở vùng núi trung bình, nơi có khí hậu nhiệt đới, từ độ cao 375-1.000m. Đặc điểm lập địa là đất Feralit mùn vàng nhạt trên núi cao phát triển trên đá axit Rionit, Daxít, đá biến chất như diệp thạch, phiến thạch và sa thạch; thành phần cơ giới nhẹ hoặc trung bình. Tập trung chủ yếu ở các xã Trung Mỹ và Minh Quang.

Theo số liệu điều tra thì củ dòm phân bố ở loại rừng hỗn giao, tre nứa gỗ và ở loại rừng thường xanh trung bình; thường xanh nghèo. Củ dòm thường  phân bố ở nơi có độ dốc trung bình từ 25-35 độ (trung bình 30 độ). Củ dòm  thường sống ở nơi có độ tàn che từ 0,6-0,75, chỉ số này cũng phù hợp với sinh thái học của loài củ dòm là loài mọc dưới tán rừng nhưng thường dùng tua cuốn để leo lên vươn ra những nơi có ánh sáng.

Củ dòm có vị đắng, chát, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, tán ứ, chỉ thống, an thần, gây ngủ, hạ sốt, giảm đau, giải co thắt cơ trơn.

Bộ phận dùng là củ, rửa sạch, thái nhỏ, phơi khô. Có thể sắc với nước, uống hoặc ngâm rượu uống.

 

ThS. Nguyễn Đức Hậu
Ý kiến bạn đọc
Top