Từ bã mía tưởng chừng vứt đi, học sinh đã biến nó thành giấy và sáng tạo nên những sản phẩm handmade dễ thương được nhiều người đón nhận.
Hai năm trước, từ một bài tập trong tiết học STEM môn Hóa về tái chế rác thải, em Lương Tâm Như (lớp 12A6, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân, TP. Hồ Chí Minh) quan sát thấy sau khi ép lấy nước, bã mía được xử lý đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường nên nghĩ đến việc tái chế bã mía.
Tìm hiểu, nghiên cứu, Tâm Như nhận thấy bã mía có thể là nguyên liệu “phi gỗ” để làm ra giấy. Từ giấy này có thể sáng tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích, phục vụ đời sống.
Ý tưởng trên được cô Nguyễn Trần Quỳnh Phương, giáo viên môn Hóa của trường đánh giá cao bởi ý nghĩa và khả năng hiện thực hóa thành sản phẩm phục vụ đời sống. Cô Phương góp ý, hướng dẫn Tâm Như tiếp tục nghiên cứu phát triển ý tưởng. Đồng thời, cô cũng tập hợp thêm nhiều học sinh có khả năng phù hợp và yêu thích lĩnh vực này để cùng tham gia phát triển ý tưởng và cho ra đời nhiều sản phẩm độc đáo, hữu ích.
“Sau thời gian tìm hiểu, bàn bạc, nhóm bắt tay vào thực hiện dự án ‘Sản xuất giấy và làm đồ dùng handmade từ bã mía”. Với tên gọi SugarPop, nhóm gồm bảy thành viên chính phụ trách từng khâu từ nghiên cứu, sản xuất giấy thô, trang trí tới truyền thông về sản phẩm của dự án. Ban đầu việc làm giấy chưa thành công, giấy làm ra chưa đạt chất lượng. Sau nhiều lần thử nghiệm, thay đổi tỷ lệ pha trộn hỗn hợp, tẩy trắng, sản phẩm làm ra đạt được chất lượng theo yêu cầu”, Lương Tâm Như chia sẻ.
Bã mía sau khi xử lý làm sạch sẽ được xay nhuyễn và rây thành bột. Trộn bột này với bột giấy được làm từ giấy cũ tạo ra hỗn hợp giấy mía, tiếp đó sẽ tẩy trắng hỗn hợp này bằng oxi già. Pha trộn hỗn hợp giấy mía với keo hữu cơ (polyvinyle ancol - PVA) theo tỷ lệ nhất định và lọc qua khung để tạo hình giấy; phơi khô để thu được sản phẩm giấy thô.
Từ giấy này, các em đã sáng tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, hữu ích. Ban đầu là thiệp, bookmark, sổ tay, lịch, quai xách ly nước… Tiếp tục khảo sát nhu cầu thị trường, gần đây, nhóm phát triển thêm sản phẩm tranh treo tường do chính các thành viên trong nhóm tự vẽ. Các sản phẩm chủ yếu được giới thiệu qua trang mạng xã hội, trang thương mại điện tử hoặc bán trực tiếp tại các chương trình triển lãm, hội chợ của trường. Khi nhiều người biết đến, các sản phẩm được đưa vào các cửa hàng quà lưu niệm, văn phòng phẩm… kinh doanh.
Các sản phẩm được thiết kế đẹp mắt, sáng tạo đã hút được lượng khách hàng nhất định, nhất là đối tượng học sinh, sinh viên. Riêng tranh treo tường, đối tượng khách hàng khá đa dạng, ở mọi lứa tuổi. Ngoài mua mẫu có sẵn, nhiều khách còn đặt vẽ theo yêu cầu.
Em Trần Xuân Khánh Thi, học sinh lớp 12A6, Trưởng nhóm SugarPop, chia sẻ nguyên liệu làm giấy “phi gỗ” này có thể tận dụng từ nguồn sẵn có hoặc trồng canh tác ngắn ngày. Bã mía cũng là nguồn nguyên liệu tiềm năng trong tương lai, ngoài việc sản xuất giấy, còn thể sử dụng trong sản xuất túi, ly, hộp…, góp phần giảm thiểu sử dụng đồ nhựa một lần. Các sản phẩm của nhóm đã từng bước khẳng định được thương hiệu “xanh” trên thị trường. Mục tiêu quan trọng và lâu dài mà dự án hướng tới đó là truyền thông, lan tỏa mạnh mẽ về lối sống “xanh,” nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong cộng đồng.
Đồng hành cùng nhóm từ những ngày đầu, cô giáo Nguyễn Trần Quỳnh Phương đánh giá, năng lực sáng tạo của các em học sinh là rất tốt. Việc đổi mới phương pháp dạy học là rất quan trọng góp phần khơi dậy được sự chủ động, sáng tạo trong học sinh. Từ ý tưởng trở thành sản phẩm là cả quá trình, tuy nhiên khi say mê thì các em có thể làm được. Tham gia thực hiện dự án, không chỉ giúp học sinh ứng dụng tốt kiến thức vào thực tiễn, mà còn giúp các em hoàn thiện nhiều kỹ năng như nghiên cứu, làm việc nhóm… Các em còn có điều kiện trải nghiệm công việc của một người làm kinh doanh, quản lý…
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.