Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 5 năm 2021 | 14:27

Biến động giá TACN làm khó mục tiêu XK thủy sản

Ngành thủy sản gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid - 19; thêm vào đó, sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm thủy sản cũng bị tác động bởi biến động của thị trường thức ăn chăn nuôi (TACN).

Song, ngành Nông nghiệp vẫn kỳ vọng, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu lĩnh vực trọng điểm này đạt 8,5 tỷ USD vào cuối năm nay.

 

t12.jpg

Đồng Tháp là địa phương dẫn đầu cả nước về nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh: Vũ Sinh

 

 Ảnh hưởng từ giá thức ăn

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất khẩu (XK), nhập khẩu (NK) bị gián đoạn, những quốc gia nhập khẩu chính đóng cửa, vận tải biển bị ngưng trệ, một số đơn hàng bị hủy hoặc lùi thời gian giao hàng. Hạn mặn khốc liệt ở ĐBSCL, thời tiết diễn biến cực đoan… khiến người nuôi và doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, nguồn cung nguyên liệu thức ăn thủy sản bị ảnh hưởng nặng nề, giá nguyên liệu thức ăn tăng liên tục làm giá thành sản xuất tăng, giảm sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm. Nhu cầu tiêu thụ sản phẩm thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá nước lạnh, tôm hùm, ốc hương, cá song … cũng giảm, do các đối tượng này chủ yếu phục vụ nhu cầu XK và tiêu thụ trong các nhà hàng.

Theo Tổng cục Thủy sản, hiện nay, trên cả nước có tổng số 121 cơ sở sản xuất thức ăn thuỷ sản đã được cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất. Trong đó, có 58 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài (gồm 28 cơ sở chỉ sản xuất thức ăn cho cá, ếch; 12 cơ sở chỉ sản xuất thức ăn cho tôm; 18 cơ sở sản xuất thức ăn cho tôm, cho cá, ếch). Công suất tối đa đạt khoảng 5,2 triệu tấn/năm, trong đó thức ăn cho cá, ếch đạt khoảng 3,5 triệu tấn, thức ăn tôm  khoảng 1,7 triệu tấn. Có 63 cơ sở sản xuất có vốn đầu tư trong nước sản xuất thức ăn cho cá, ếch và 01 cơ sở sản xuất thức ăn cho tôm. Công suất tối đa ước đạt 4,7 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, cả nước còn có 63 cơ sở (20 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài và 43 cơ sở trong nước) sản xuất nguyên liệu (bột cá, cám gạo, tấm, dầu gạo, bột mỳ, hỗn hợp khoáng, vitamin…).

Từ giữa năm 2020, giá nguyên liệu làm thức ăn thuỷ sản, TACN có dấu hiệu đi lên và càng đến gần cuối năm 2020 đầu năm 2021 giá càng tăng mạnh. Các doanh nghiệp thức ăn thuỷ sản, TACN được coi là đối tượng ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết đều trong tình trạng thiếu hụt nguồn cung, vừa sản xuất, vừa chờ nguyên liệu dẫn đến hoạt động sản xuất đình trệ.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất thức ăn thuỷ sản không thể mua nguyên liệu theo quý, theo năm như trước mà chỉ mua theo từng tháng. Năm 2020, kim ngạch xuất khẩu TACN của Việt Nam đạt hơn 800 triệu USD, tăng 16,98% so với năm 2019. Trong khi, kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu và TACN đạt 3,84 tỷ USD (tăng 3,75% so với năm 2019).

Trước tình hình đó, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết trong sản xuất để tiếp cận nguồn cung ứng vật tư đầu vào có chất lượng tốt, giá cả phù hợp (giảm các đại lý trung gian), đẩy mạnh ứng dụng khoa học, tăng năng suất, giảm chi phí, giảm hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR), bảo vệ môi trường trong nuôi trồng thủy sản.

Đồng thời, cần tham mưu Bộ Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các bộ, ngành liên quan phương án, giải pháp đàm phán với các nước cung cấp nguyên liệu chính cho ngành sản xuất thức ăn thuỷ sản, TACN để có nguồn nguyên liệu ổn định, phù hợp, đề xuất cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn để ổn định sản xuất.

Tổng cục Thủy sản cũng đề nghị Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường và các viện nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp khẩn trương nghiên cứu, tìm giải pháp công nghệ, tìm nguồn nguyên liệu thay thế các nguyên liệu đang khan hiếm và có giá thành cao để chủ động sản xuất.

Đồng thời, các địa phương cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát điều kiện cơ sở sản xuất, lưu thông giống, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, trục lợi, ép giá, tung tin thất thiệt. Các doanh nghiệp tích cực đồng hành, chia sẻ khó khăn với người nuôi trồng thủy sản: không tăng giá thức ăn thủy sản trong bối cảnh hiện nay.

Quyết liệt hoàn thành mục tiêu

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, cần có giải pháp kịp thời, quyết liệt để thực hiện hoàn thành các mục tiêu của ngành thủy sản năm 2021. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu phải đạt  8,5 tỷ USD.

Trong năm 2021 phải giữ ổn định 1.300 nghìn hecta nuôi trồng thủy sản , trong đó  nuôi nước ngọt 450 nghìn hecta (cá tra 5,7 nghìn hecta),  nuôi mặn, lợ 850 nghìn hecta (nuôi tôm nước lợ 740 nghìn hecta, trong đó 630 nghìn hecta nuôi tôm sú và 110 nghìn hecta nuôi tôm thẻ chân trắng).

Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 4,75 triệu tấn (bằng 104,2% năm 2020), trong đó, sản lượng cá tra 1,55 triệu tấn; sản lượng tôm các loại 980 nghìn tấn (tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 633 nghìn tấn, còn lại là tôm khác)...

“Tổng cục Thủy sản phải quản lý chặt chẽ chất lượng giống, vật tư thủy sản. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản; xử lý nghiêm các vi phạm. Triển khai các giải pháp đồng bộ kiểm soát chất lượng và giá thức ăn thủy sản giúp cho người nuôi ổn định sản xuất. Tránh lợi dụng để tăng giá bất hợp lý”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để năng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật; giữ vững thị trường truyền thống; phát triển thị trường mới cho tiêu thụ sản phẩm thủy sản. Tổ chức nắm bắt, phân tích, dự báo tốt thị trường để kịp thời điều tiết sản xuất trong nước.

 

Theo báo cáo của Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản Việt Nam (VASEP),  XK thủy sản tháng 3/2021 ước đạt khoảng 640 triệu USD, đưa kim ngạch XK thủy sản 3 tháng đầu năm đạt 1,64 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2020.

Dự báo kim ngạch XK thủy sản chưa thể phục hồi mạnh trong tháng 4, chỉ tăng ở mức 10%, đạt 680 triệu USD.

 

 

Đăng quang
Ý kiến bạn đọc
Top