Ngày 5-4, đoàn công tác của Bộ Y tế do Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến làm trưởng đoàn đã đến làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh về công tác phòng chống dịch do vi rút Zika tại địa phương này.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Liêm cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành và các đơn vị trực thuộc Sở Y tế tiếp và làm việc với đoàn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại buổi làm việc với UBND TP.Hồ Chí Minh
Ngay sau khi xác định một bệnh nhân ở TP. Hồ Chí Minh bị nhiễm vi rút Zika, sáng 5-4, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp thị sát, kiểm tra đột xuất nơi bệnh nhân này sống và làm việc. Theo PGS.TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, bệnh nhân nữ, 33 tuổi, cư trú phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP. Hồ Chí Minh, khởi phát ngày 29-3-2016 với triệu chứng phát ban, viêm kết mạc, mệt mỏi. Bệnh nhân này đã đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Quận 2 cùng ngày do lo ngại bị bệnh rubella nhưng qua xét nghiệm ngày 31-3 và 1-4-2016 tại Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh lại cho kết quả dương tính với vi rút Zika. Ngay khi có kết quả, đại diện Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh đã đến để kiểm tra nơi ở và làm việc của bệnh nhân này nhưng không phát hiện loăng quăng. Tuy vậy, cơ quan chức năng vẫn thực hiện các biện pháp khử trùng, diệt khuẩn, diệt loăng quăng tại tất cả các khu vực trong tòa nhà. Kết quả giám sát các trường hợp người nhà và các hộ gia đình xung quanh chưa phát hiện trường hợp nào khác nhiễm vi rút Zika. Như vậy, đây là trường hợp thứ hai nhiễm vi rút Zika ghi nhận tại cộng đồng ở nước ta, hiện sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định. Nhằm tránh sự hoang mang lo sợ cho bệnh nhân, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu Sở Y tế, các đơn vị liên quan chú ý chăm sóc, theo dõi sát tình hình sức khỏe cho mẹ con thai phụ đến ngày bệnh nhân được “mẹ tròn con vuông”.
Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh phát biểu
Tại buổi thị sát ở quận 2, Chủ tịch UBND quận cho biết, từ tháng 2, địa phương đã ban hành kế hoạch phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika đến tất cả các phường; đồng thời có kế hoạch và phân công cụ thể cho tất cả phòng ban. Khi được thông tin, quận đã triển khai công tác tuyên truyền đến các hộ dân, lên kế hoạch ngay trong chiều nay để phun hóa chất diệt muỗi và lăng quăng. Trung tâm Y tế quận 2 cũng đã ban hành kế hoạch truyền thông phòng chống. Năm 2015, số ca mắc sốt xuất huyết ở quận 2 tăng gấp 3 lần năm 2014, địa bàn quận 2 có 10 điểm nguy cơ cao. Do đó, ngành Y tế địa phương đã phối hợp với Quận đoàn tổ chức tư vấn sức khỏe, phát tờ rơi, tại các cơ sở sản xuất. Đối các vùng có nguy cơ, cơ quan chức năng tổ chức phun hóa chất, tổng vệ sinh môi trường, giám sát ca bệnh, lấy mẫu gửi kiểm nghiệm.
Trong buổi chiều làm việc với UBND TP. Hồ Chí Minh, PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Từ đầu năm 2016, địa phương đã triển khai các hoạt động chống dịch theo Kế hoạch hành động phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika; đồng thời đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm vi rút Zika tại các quận, huyện, các bệnh viện để phát hiện sớm các trường hợp bị nhiễm, triển khai tất cả các biện pháp phòng chống bệnh bao gồm cả diệt lăng quăng (bọ gậy), phòng chống muỗi đốt, huy động người dân và cộng đồng tham gia; tổ chức giám sát véc tơ và tổ chức phun hóa chất diệt muỗi tránh lây lan rộng ra cộng đồng…
Theo ThS Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em, trong quá trình chăm sóc, khám sản khoa công và tư, các cơ sở y tế cần phải thực hiện khám sàng lọc, hướng dẫn chăm sóc mang thai trong bối cảnh dịch bệnh. Vụ trưởng kiến nghị thành phố cần ban hành kế hoạch phòng chống dịch, huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc, cấp cơ sở chính quyền có nguy cơ sốt xuất huyết cao. Các bệnh viện sản nhi cần có kế hoạch giám sát. Truyền thông cần chính xác, không gây hoang mang cho cộng đồng, tránh kỳ thị tại nơi sinh sống, tại trường học, lo ngại sự kỳ thị…
PGS.TS Nguyễn Tấn Bỉnh , Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh báo cáo
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của lãnh đạo thành phố, sự phối hợp các sở ban ngành, quận, huyện. Để chủ động phòng chống dịch do vi rút Zika nhằm hạn chế sự lây lan tại cộng đồng, ổn định an sinh xã hội của người dân, Bộ trưởng đề nghị TP. Hồ Chí Minh cần tập trung triển khai mạnh mẽ công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chiến dịch “Người dân tự diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) phòng chống bệnh do vi rút Zika và bệnh sốt xuất huyết”. Đây là biện pháp hiệu quả nhất hiện nay trong việc phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika. Các cơ quan chức năng cũng cần khuyến cáo người dân không hoang mang lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, cũng như không ảnh hưởng tới các hoạt động du lịch. Người sống trong vùng nguy cơ dịch cần đến cơ sở khám chữa bệnh để sớm được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Cửa khẩu Tân Sơn Nhất tiếp tục lấy thông tin từ cửa khẩu để biết được thông tin lưu trú của người bệnh, giám sát dịch sẽ dễ dàng hơn. Thành phố cần tăng cường giám sát thêm ở các bệnh viện phụ sản, các bệnh viện khác tập trung giám sát thai phụ chủ yếu trong 3 tháng đầu. Bộ cũng đề nghị kiểm soát trong phòng thí nghiệm để xác định rõ từng ca bệnh; diệt véc tơ, phun đường phố và các người dân quanh khu vực, sở thú phun toàn diện. Quận 2 phát động người dân đổ hết ổ chứa lăng quăng, phối hợp quận 2, quận Cần Giờ triển khai chiến dịch theo cam kết. Viện Pastuer giám sát các yếu tố dự báo dịch để các địa phương tập trung phòng chống dịch nhằm chăm sóc tốt sức khỏe cho người dân và vì sự phát triển phồn vinh của thành phố.
Bộ trưởng cùng đoàn công tác kiểm tra tại nhà dân Quận 2
Phát biểu kết thúc buổi làm việc, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cảm ơn sự quan tâm của Bộ trưởng đã kịp thời đến kiểm tra, làm việc và có ý kiến chỉ đạo sâu sát cho ngành Y tế của thành phố trong công tác phòng chống dịch bệnh nói chung và bệnh do vi rút Zika nói riêng. Ông Liêm hứa sẽ tiếp thu đầy đủ và huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia các cấp chính quyền đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, người dân trong việc phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika sắp tới./.
Trường Sơn - Công Hoàng