Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 1 tháng 12 năm 2016 | 9:42

Bộ Y tế kiểm tra việc thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh tại tỉnh KonTum

Những năm qua, công tác khám, chữa bệnh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã đạt được một số kết quả đáng kích lệ. Cơ sở vật chất và trang thiết bị của bệnh viện được đầu tư, phát triển hơn. Nhiều kỹ thuật mới, tiên tiến được áp dụng thành công trong khám, chữa bệnh đã giúp người dân cải thiện được khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế ngày một tốt hơn. Bệnh viện đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao năng lực thông qua việc tiếp nhận hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật mới theo Đề án 1816 và Bệnh viện vệ tinh do Bệnh viện Trung ương Huế chuyển giao.

Đó là khẳng định của BS CKII Võ Thành Đông, Phó Chánh Văn phòng Bộ phụ trách phía Nam (hàm Vụ trưởng), Thành viên Ban Chỉ đạo Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn (2013-2020) tại buổi làm việc với Bệnh viện Đa khoa tỉnh KonTum vừa qua.

BS CKI. Đoàn Thị Tuần, Phó Giám đốc Bệnh viện tỉnh Kon Tum báo cáo 

Theo báo cáo của Bệnh viện Đa khoa tỉnh KonTum, nhờ sự hỗ trợ của các Bệnh viện Trương ương Huế, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh và Bệnh viện C Đà Nẵng thông qua Đề án 1816, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum đã cải thiện được chất lượng chuyên môn; tình trạng chuyển bệnh lên tuyến trên giảm đáng kể. Trong đó, Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 1 với 2 chuyên khoa Ung Bướu và Ngoại chấn thương do Bệnh viện Trung ương Huế chuyển giao đã giúp các y bác sĩ tại địa phương thực hiện thành công các kỹ thuật: Phẫu thuật ung thư vú, phẫu thuật cắt đại tràng, đào tạo sàng lọc ung thư cổ tử cung, phẫu thuật thoát vị địa đệm cột sống thắt lưng, phẫu thuật cột sống và hướng dẫn thực hiện hoter điện tim.

BS CKII .Trần Ái, Phó Giám đốc Sở Y tế Kon Tum phát biểu

Tuy nhiên, hiện tại bệnh viện còn gặp một khó khăn như vốn đối ứng để triển khai đề án chưa được cấp đầy đủ; nguồn nhân lực cử đi đào tạo, tiếp nhận kỹ thuật cao tại tuyến trên còn thiếu; sự phối hơp, kết nối giữa bệnh viện vệ tinh và bệnh viện hạt nhân chưa thật thường xuyên cho nên hiệu quả mang lại chưa như mong muốn...

TS. Mai Đình Điểu, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, phát biểu

Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Mai Đình Điểu, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đánh giá cao sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo, sự nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ các khoa vệ tinh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Để tháo gỡ một số khó khăn trong công tác triển khai Đề án bổ sung Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2 (2016-2020) đã được Bộ Y tế phê duyệt, đoàn công tác đã chia sẻ kinh nghiệm, các giải pháp triển khai thực hiện đề án của các khoa bệnh viện hạt nhân với sự thống nhất cao của lãnh đạo 2 bệnh viện. Cụ thể là điều phối nguồn nhân lực giữa các khoa, giữ bệnh nhân lại bằng nâng cao chất lượng điều trị, thực sự tạo niềm tin cho bệnh nhân yên tâm ở lại bệnh viện tỉnh, lựa chọn phương pháp chuyển giao các gói kỹ thuật thuộc lĩnh vực tim mạch, ung bướu, ngoại chấn thương thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị theo lộ trình nhằm nâng cao năng lực chuyên môn, tăng cường chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại khoa, viện vệ tinh một cách bền vững, rút ngắn khoảng cách chất lượng dịch vụ y tế giữa trung ương với địa phương, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên và góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trên.

BS CKII Võ Thành Đông, Phó Chánh Văn phòng Bộ phụ trách phía Nam (hàm Vụ trưởng) phát biểu chỉ đạo

Phát biểu tại buổi giám sát, BS.CKII Võ Thành Đông đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum, sự hỗ trợ tích cực của lãnh đạo, đội ngũ y, bác sĩ các khoa Bệnh viện Trung ương Huế trong công tác chuẩn bị khảo sát, xây dựng các gói kỹ thuật đào tạo và chuyển giao các kỹ thuật mới cho các khoa vệ tinh trong thời gian qua. Đồng chí Võ Thành Đông đề nghị Sở Y tế tỉnh Kon Tum thực sự quan tâm phối hợp với các sở ngành tham mưu cho UBND tỉnh cấp đủ vốn đối ứng cho Đề án Bệnh viện vệ tinh giai đoạn 1 và sớm phê duyệt Đề án bổ sung giai đoạn 2. Bệnh viện Trung ương Huế chủ động, chủ trì phối hợp giữ 2 bệnh viện xây dựng các gói kỹ thuật phù hợp theo lộ trình đề án có thể triển khai đạt hiệu quả cao nhất, thẩm định và công nhận các kỹ thuật đã chuyển giao thành công, miễn học phí cho học viên tỉnh Kon Tum tham gia các lớp đào tạo của đề án, sau các khóa đào tạo phải có lượng giá và cấp chứng chỉ cho học viên. Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum phải tích cực tăng cường trang thiết bị, sắp xếp nhân lực để tiếp nhận đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo tiến độ thực hiện của đề án. Bệnh viện sớm kiện toàn lại Ban chỉ đạo, chủ động lập Đề án thu hút nguồn nhân lực trình độ cao trình UBND tỉnh phê duyệt, cử cán bộ theo ê kíp, đầu tàu đủ khả năng tiếp nhận chuyên môn kỹ thuật cao tại bệnh viện tuyến trên; tăng cường công tác truyền thông thương hiệu, uy tín, chất lượng của khoa vệ tinh, qua đó giúp cho người dân biết đến những kỹ thuật cao đã được triển khai tốt tại bệnh viện để người bệnh đến khám, điều trị, tạo niềm tin cho đồng bào các dân tộc tỉnh nhà./.

Minh Tuấn - Công Hoàng

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top