Sáng 4-3, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Y tế tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ) Việt Nam giai đoạn 2016-2020.
Đến dự có Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ - GS Akdag Recep, cùng đại diện các bộ, ban ngành liên quan. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì hội nghị.
Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Trưởng nhóm thực hiện dự án, TS. Trần Quý Tường phát biểu tại Hội nghị
Theo TS. Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế, sau hai năm thí điểm, 240 phòng khám BSGĐ đã được thành lập và hoạt động hiệu quả tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế và Tiền Giang. Trong năm 2016, Bộ Y tế sẽ triển khai thêm nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới phòng khám BSGĐ trên toàn quốc. Trong đó, vấn đề cấp bách nhất là xây dựng nguồn nhân lực y học gia đình. Dự kiến ngành Y tế sẽ đào tạo và phát triển đội ngũ hành nghề BSGĐ lên 9.000 người. Bộ cũng sẽ tổ chức các khóa tập huấn 3 tháng để đào tạo, định hướng, cấp chứng chỉ hành nghề BSGĐ cho các cán bộ, nhân viên y tế. Bên cạnh đó, Bộ tiếp tục kiện toàn, nhân rộng mô hình phòng khám BSGĐ trên toàn quốc, phấn đấu đến năm 2020 có 80% tỉnh, thành phố trên cả nước có phòng khám BSGĐ nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản, toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần tăng cường chất lượng chăm sóc sức khoẻ ban đầu và giảm quá tải bệnh viện.
GS. Akdag Recep, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Thổ Nhĩ Kỳ - chuyên gia quốc tế PB chia sẽ kinh nghiệm
Tại hội nghị, GS. Akdag Recep chia sẻ về những việc cần làm để phát triển mô hình BSG. Các đại biểu cũng thảo luận về kế hoạch đào tạo, mô hình phòng khám và lồng ghép BSGĐ vào chức năng nhiệm vụ tại trạm y tế; đồng thời ra nêu ra những khó khăn trong quá trình thực hiện như: nguồn nhân lực có chuyên môn còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu hiện tại, người dân chưa tin tưởng chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại trạm y tế nên không đến khám, chữa bệnh tại phòng khám...
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng phát biểu
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng đánh giá cao kết quả và những nỗ lực của Bộ Y tế trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Để kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ đạt hiệu quả cao, đồng chí Đinh La Thăng đề nghị: Bộ Y tế cần đưa ra các mục tiêu cụ thể, chi tiết hơn, đặc biệt đối với TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội cần xác định được đến năm 2020 có nhiêu % người dân đến khám tại các phòng khám BSGĐ. Đồng chí cam kết sẽ chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tại TP. Hồ Chí Minh sẽ kết hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để triển khai thành công mô hình phòng khám BSGĐ trong thời gian sớm nhất. Bí thư Thành ủy cũng mong muốn Bộ Y tế giúp thành phố có biện pháp trước mắt và lâu dài trong việc giảm quá tải bệnh viện, có biện pháp quyết liệt nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, nâng cao chất lượng quản lý thuốc, vật tư y tế trên địa bàn thành phố…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu kết luận Hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, mô hình phòng khám BSGĐ là hệ thống y tế cơ sở gần dân nhất, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh. BSGĐ là người biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng. Mô hình phòng khám BSGĐ tại nước ta hiện nay là mô hình mới, chưa được quan tâm, đầu tư chưa tương xứng, còn nhiều hạn chế, bất cập và hiệu quả chưa cao. Do đó, Bộ Y tế mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đồng hành của các bộ ngành, chính quyền địa phương để mô hình phòng khám BSGĐ thực sự đi vào cuộc sống, được nhân rộng ra trên cả nước, từng bước góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân ngay từ tuyến cơ sở.
Công Hoàng - Thu Phương