Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 8 tháng 3 năm 2017 | 10:7

Các biểu hiện của người mắc bệnh ho gà như thế nào?

Theo thông tin từ Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2017 đã ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc ho gà tại một số tỉnh, thành phố so với cùng kỳ năm 2016, tập trung chủ yếu tại một tỉnh khu vực phía Bắc.


Chăm sóc, điều trị cho trẻ mắc bệnh ho gà tại khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Trước thực trạng trên, có không ít bậc phụ huynh lo lắng làm sao để nhận biết và phát hiện trẻ mắc bệnh ho gà để điều trị kịp thời.

Gia tăng các trường hợp mắc bệnh ho gà

Thời gian gần đây, tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận nhiều trường hợp trẻ bị biến chứng nặng do ho gà vào nhập viện. Các trẻ mắc đều chưa tiêm vắcxin hoặc tiêm chưa đủ liều.

Điển hình như, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong hai tháng đầu năm đã ghi nhận khoảng hơn 50 trường hợp mắc ho gà nhập viện, tăng gấp 2-3 lần so với cùng kỳ các năm trước, trong đó đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong. Trong khi, số lượng ca mắc ho gà cùng kỳ của năm 2016 có 12 ca; cùng kỳ 2015 có 10 ca. Đặc biệt, năm nay số trẻ mắc ho gà chủ yếu ở độ tuổi dưới 3 tháng tuổi.

Theo chỉ định trong tiêm chủng, trẻ tiêm vắcxin ho gà mũi 1 lúc đủ hai tháng tuổi. Trong số trẻ đang điều trị về ho gà, có một số trẻ rất nặng phải thở máy, nguy cơ tử vong rất cao.

Theo phó giáo sư Trần Minh Điển - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, ba tháng gần đây, số mắc ho gà có xu hướng tăng, nhiều trẻ rất nhỏ. Thống kê trong 2015 cho thấy có 56% trẻ mắc ho gà dưới ba tháng tuổi. Trong khi đó đây là nhóm trẻ có nguy cơ biến chứng nặng rất cao.

Tiến sỹ Điển lưu ý, thời tiết miền Bắc hiện là thời điểm có xu hướng tăng các ca mắc ho gà, do đó các bậc phụ huynh cần đưa trẻ đi khám khi thấy trẻ bị ho để được chẩn đoán đúng.


Tiêm vắcxin cho trẻ là cách phòng bệnh tốt nhất. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Bệnh ho gà có tính lây truyền rất cao

Bệnh ho gà là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh qua đường hô hấp, diễn biến bệnh có thể dẫn đến tử vong. Bệnh đã có vắcxin phòng bệnh.

Trước thực trạng trên vừa qua, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn gửi giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường rà soát việc tiêm phòng vắcxin ho gà đối với trẻ nhỏ.

Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh ho gà thường xảy ra ở trẻ nhỏ. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi.

Bệnh ho gà có tính lây truyền rất cao nhất là đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…

Các bác sỹ khuyến cáo, bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo để phòng chống bệnh ho gà, người dân cần đưa trẻ đi tiêm vắcxin phòng bệnh ho gà (vắcxin phối hợp phòng bệnh Bạch hầu, ho gà, uốn ván - DTP hoặc vắcxin phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đầy đủ, đúng lịch./.

Những người mắc bệnh ho gà ban đầu người bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít. Cuối cơn ho, bệnh nhân thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó là nôn.

Lịch tiêm chủng vắcxin DTP hoặc Quinvaxem cho trẻ: mũi thứ 1 tiêm khi trẻ 2 tháng tuổi; mũi thứ 2 sau mũi thứ nhất 1 tháng; mũi thứ 3 sau mũi thứ hai 1 tháng và mũi thứ 4 khi trẻ 18 tháng tuổi..

Theo THÙY GIANG (VIETNAM+)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top