Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 4 năm 2021 | 13:51

Cách Nga trở thành nước dẫn đầu thế giới về nông sản

Lệnh cấm vận đối với các mặt hàng nông sản của các nước phương Tây và chính sách chủ động của Điện Kremlin đã tạo động lực cho ngành nông nghiệp Nga phát triển nhanh chóng.

nga.jpg
Sản lượng thu hoạch lúa mì của Nga đạt kỷ lục trong năm 2020. Ảnh: terre-net.fr

 

Đó là nhận định của tác giả Léo Vidal-Giraud trong bài viết “Cách Nga trở thành nước dẫn đầu thế giới về nông sản” đăng trên tạp chí L’Express của Pháp số ra tháng 4/2021.

Mùa hè năm 2019, một đoàn nông dân Pháp đã đến Moscow theo lời mời của một công ty tư vấn để khám phá nền nông nghiệp Nga. “Chúng tôi đến để xem sẽ được ăn loại nước sốt nào”, một người trong số họ châm biếm ngay trước khi đoàn lên đường đến miền Nam nước Nga, nơi được xem là vựa lúa mì của nước Nga.

Vài ngày sau chuyến thăm, giọng điệu của người nông dân này đã thay đổi. Ông thốt lên: “Chúng tôi sẽ phải đổi mới chính mình. Chúng tôi không thể cạnh tranh với họ”.

Người đàn ông Pháp này sau đó kể rằng, ông hoàn toàn bất ngờ khi biết về nền nông nghiệp mới của Nga. Nó đã thay đổi rất nhiều trong những năm gần đây, đến nỗi Nga-vốn là nhà nhập khẩu ròng trong nhiều thập kỷ-đã trở thành nhà xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới trong năm 2017, vượt qua cả nước láng giềng và cũng là đối thủ - Ukraine. Lúa mì, ngô, lúa mạch, kiều mạch cũng như thịt lợn, gia cầm và các sản phẩm từ sữa..., chế biến thực phẩm của Nga đang trong thời kỳ hoàng kim thực sự.

Để đối phó với các lệnh trừng phạt tài chính và chính trị mà Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ áp đặt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra lệnh cấm vận nghiêm ngặt đối với các mặt hàng nông sản từ châu Âu. Trái cây, rau, củ, các sản phẩm từ sữa, thịt, ngũ cốc... có nguồn gốc từ châu Âu chỉ trong một đêm đã biến mất khỏi các cửa hàng của Nga. Biện pháp này không chỉ gây thiệt hại cho nông dân châu Âu khi mất đi một thị trường quan trọng mà còn tạo động lực quyết định đối với các nhà sản xuất Nga.

Ông Mikhail Makarov, Đại diện thương mại của Nga tại Pháp, cho biết: “Ngay từ đầu, các biện pháp trừng phạt đáp trả này được coi là công cụ đấu tranh địa chính trị và cũng là cơ hội cho các nhà sản xuất Nga. Người Nga phải lấy lại vị trí trên thương trường, và đó là những gì đã xảy ra”. Một năm sau lệnh cấm vận của EU và Mỹ, nước Nga đã tự túc được 87% thịt, sản lượng thịt lợn của Nga đã tăng 30% trong 5 năm.

Bên cạnh việc loại trừ hầu hết sự cạnh tranh từ nước ngoài, Chính phủ Nga cũng đầu tư nguồn lực lớn vào phát triển và hiện đại hóa nền nông nghiệp. Trong năm 2021, Nga có kế hoạch đầu tư hơn 77 tỷ rúp (857 triệu euro) vào chương trình phát triển nông nghiệp quốc gia, dưới hình thức các khoản vay ưu đãi, tín dụng, thuế và trợ cấp. Nga cũng hỗ trợ xuất khẩu, với các khoản trợ cấp đặc biệt hướng đến logistics.

Hiệu quả của khoản viện trợ này được nhân lên nhờ cấu trúc của thị trường nông sản Nga, do các công ty nông sản khổng lồ thực hiện. Bà Olga Golovkina, chuyên gia về thị trường nông sản Nga cho biết, hơn 50% diện tích đất nông nghiệp của Nga được khai thác bởi những công ty này. Mỗi công ty khai thác hoạt động từ 100.000 đến 600.000ha. Các công ty sản xuất sữa có đàn gia súc lên đến 50.000 con. Cấu trúc cơ bản này khác nhiều so với Pháp, vốn được tạo thành từ các trang trại nhỏ liên kết trong hợp tác xã.

Các công ty nông sản của Nga đã đầu tư vốn vào máy móc, hạt giống có chất lượng và hiện đang chuyển sang công nghệ mới. Máy thu hoạch tự động, giám sát đồng ruộng và đàn gia súc bằng máy bay không người lái và vệ tinh, tăng cường sử dụng các cảm biến được kết nối... là những công nghệ mới mà các công ty nông sản của Nga đang áp dụng. Và ở đây, Nhà nước cũng đóng vai trò động lực. Năm 2019, thông qua Chương trình “Nông nghiệp kỹ thuật số”, Chính phủ Nga đã hỗ trợ hiện đại hóa ngành nông nghiệp trong nước và tài trợ tới 50% chi phí cho các công nghệ mới này.

“90% máy móc mới đều là công nghệ nước ngoài, của châu Âu hoặc Mỹ”, bà Olga Golovkina cho biết thêm. Tuy nhiên, đổi mới công nghệ trên thực tế không bị ảnh hưởng bởi các lệnh cấm vận, do đó đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Pháp. “Kinh nghiệm của các chuyên gia nông nghiệp châu Âu luôn được chào đón ở Nga. Thông qua việc mở cửa các công ty sản xuất tại chỗ, chuyển giao công nghệ và đào tạo các chuyên gia Nga, một số công ty Pháp có thể tận dụng lợi thế của thị trường tăng trưởng rất mạnh này”, Irina Parisot, Chủ tịch Câu lạc bộ doanh nghiệp Pháp-Nga New Horizons nhấn mạnh.

 

 

Vũ Phương Linh (biên dịch)
Ý kiến bạn đọc
Top