Phụ nữ có thai cần làm gì để phòng bệnh do virus Zika? Làm thế nào để xác định thai nhi có bị chứng đầu nhỏ hay không?
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 36 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó 1 phụ nữ mang thai ở Đắc Lắc nhiễm virus Zika đã sinh ra một trẻ bị dị tật đầu nhỏ (hay còn gọi là chứng teo não). Vậy, phụ nữ có thai cần làm gì để phòng bệnh do virus Zika? Làm thế nào để xác định thai nhi có bị chứng đầu nhỏ hay không?
|
Siêu âm để phát hiện xem trẻ có mắc chứng đầu nhỏ hay không. |
Sau khi cháu bé 4 tháng tuổi ở huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk được các chuyên gia của Việt Nam và Nhật Bản khẳng định bị dị tật đầu nhỏ do virus Zika, nhiều gia đình có phụ nữ dự định mang thai hoặc đang mang thai tìm mọi cách để phòng tránh muỗi đốt, truyền bệnh. Nhiều gia đình mua hóa chất diệt muỗi về phun và loại bỏ các vật dụng chứa nước quanh nhà để loại trừ bọ gậy hoặc thoa kem chống muỗi, mắc màn khi đi ngủ, thậm chí có gia đình còn tính đến việc thuê nhà tầng cao ở chung cư để tránh muỗi…
Các biện pháp này là cần thiết, vì theo Tiến sỹ Masaya, Trưởng nhóm bệnh truyền nhiễm của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam thì biện pháp phòng bệnh do virus Zika hiệu quả nhất là diệt muỗi, bọ gậy và không để muỗi đốt.
“Zika được truyền bởi muỗi Ades, đây cũng là loài muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết và bệnh sốt vàng. Việt Nam đang lưu hành dịch bệnh sốt xuất huyết và mật độ phân bố muỗi khá rộng lớn trên khắp các vùng miền của đất nước. Triệu chứng của người nhiễm virus Zika rất nhẹ, thường tự khỏi và có tới 80% không có biểu hiện triệu chứng. Mối lo lắng ở đây là mối quan hệ nhân quả giữa việc nhiễm virus Zika ở phụ nữ mang thai và chứng đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh. Chính vì vậy, cần tuyên truyền đối với những phụ nữ đang có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai, nhất là đang mang thai trong vòng 3 tháng đầu thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân đề phòng muỗi đốt”.
Phòng bệnh do virus Zika còn phải đảm bảo an toàn truyền máu và thực hiện sinh hoạt tình dục an toàn. Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy chứng đầu nhỏ được ghi nhận với tỷ lệ từ 1% đến 10% trẻ được sinh ra từ các bà mẹ bị nhiễm virus Zika trong 3 tháng đầu thời kỳ thai nghén. Trong trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm virus Zika, các bác sĩ sẽ tiến hành giám sát đến khi nào khẳng định thai nhi mắc hội chứng đầu nhỏ thì mới có kế hoạch đình chỉ thai nghén. Nếu phát hiện trước 22 tuần thai thì việc quyết định ngừng thai nghén rất dễ, nhưng nếu muộn hơn 22 tuần thì đó là một việc khó khăn. Do vậy, Phó Giáo sư Trần Danh Cường, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương khuyến cáo phụ nữ nên siêu âm 3 lần tại các thời điểm thai nhi 12 tuần, 22 tuần và 32 tuần để phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ.
|
Cơ quan chức năng bắt nhiều cá thể muỗi ở Hà Nội để xét nghiệm virus Zika. |
Phó Giáo sư Trần Danh Cường cho biết: “Chẩn đoán trước sinh, chúng tôi tiến hành siêu âm, đây là biện pháp khá phổ thông, từ cơ sở tuyến xã, huyện đã được trang bị máy siêu âm… Đối với một bà mẹ có thai, đặc biệt mang thai 3 tháng đầu được khẳng định nhiễm virus Zika, chúng ta có kế hoạch theo dõi thai nhi bằng cách siêu âm để đo kích thước đầu của thai nhi, cụ thể là đo chu vi đầu của thai. Từ khi thai phụ được khẳng định nhiễm sẽ siêu âm 2 tuần một lần ở các cơ sở y tế, nếu nghi ngờ thai nhi bị đầu nhỏ sẽ chuyển thai phụ lên tuyến cao hơn, đó là các trung tâm chẩn đoán trước sinh ở các vùng để khẳng định”.
Cũng liên quan đến dịch bệnh do virus Zika, mới đây, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp với Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức bắt nhiều cá thể muỗi Ades (hay còn gọi là muỗi vằn) để xét nghiệm xem có nhiễm virus Zika hay không. Địa điểm bắt muỗi là phường Láng Hạ quận Đống Đa, phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai và xã Đại Thành, huyện Quốc Oai, Hà Nội.
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động giám sát dịch bệnh do virus Zika được tăng cường nên đã phát hiện 29 trường hợp nhiễm virus Zika, trong đó có 4 phụ nữ đang mang thai. Thực tế cho thấy hầu hết số người nhiễm virus Zika đều có triệu chứng rất nhẹ nên thường không đến bệnh viện khám./.
KTNT