Khi làm Sổ đỏ thì người dân có thể bị hàng xóm hoặc những người trong họ hàng cản trở, trường hợp không may mà bị cản trở thì người dân cũng sẽ yên tâm hơn nếu biết cách xử lý khi hàng xóm cản trở làm Sổ đỏ dưới đây.
* Sổ đỏ, Sổ hồng là cách gọi phổ biến của người dân; tùy vào từng thời kỳ mà Sổ đỏ, Sổ hồng có tên gọi pháp lý khác nhau. Từ ngày 10/12/2009 đến nay, khi đủ điều kiện thì người sử dụng đất sẽ được cấp Giấy chứng nhận theo mẫu chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường với tên gọi pháp lý là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là Giấy chứng nhận).
Hàng xóm cản trở việc cấp Giấy chứng nhận bằng một số hành vi phổ biến như không ký giáp ranh, tranh chấp về ranh giới với người đang sử dụng đất.
Mặc dù trên thực tế có nhiều hành vi cản trở, gây khó khăn khác nhau nhưng pháp luật đất đai và pháp luật dân sự đều có quy định bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất.
Khoản 1, Điều 166, Luật Đất đai 2013 quy định quyền chung của người sử dụng đất là được cấp Giấy chứng nhận nếu đủ điều kiện được cấp. Khi làm hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận nếu bị hàng xóm cản trở thì người dân có một số cách xử lý như sau:
Điều trước tiên phải khẳng định rằng: Hàng xóm không có quyền cản trở quyền được cấp Giấy chứng nhận. Nội dung này được quy định rõ trong các trường hợp từ chối tiếp nhận hồ sơ.
Khoản 11, Điều 7, Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định cơ quan tiếp nhận sẽ từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận khi có một trong các căn cứ sau:
- Không thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ.
- Hồ sơ không có đủ thành phần để thực hiện thủ tục.
- Nội dung kê khai của hồ sơ không đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất và hợp lệ.
- Thông tin trong hồ sơ không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký hoặc có giấy tờ giả mạo.
- Khi nhận được văn bản của cơ quan thi hành án dân sự hoặc Văn phòng Thừa phát lại yêu cầu tạm dừng hoặc dừng việc cấp Giấy chứng nhận đối với tài sản là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là đối tượng phải thi hành án theo quy định của pháp luật thi hành án dân sự hoặc văn bản thông báo về việc kê biên tài sản thi hành án.
- Khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất.
- Không đủ điều kiện thực hiện quyền theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan.
Theo đó, nếu hàng xóm phát sinh tranh chấp đất đai với mình thì chỉ bị từ chối tiếp nhận hồ sơ khi người đó gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Hay nói cách khác, dù trên thực tế có tranh chấp hay cố ý không ký giáp ranh nhưng không gửi đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai thì cơ quan nhà nước vẫn tiếp nhận hồ sơ bình thường.
Mặt khác, trong quá trình thẩm định điều kiện cấp Giấy chứng nhận mà hàng xóm không ký giáp ranh thì UBND cấp xã có nhiều cách để xác định đất có tranh chấp hay không như thông báo trên loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn, niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã nơi có đất.
Điều 169, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản như sau:
“Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chủ thể có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm”.
Về mặt pháp lý thì mặc dù người đề nghị cấp Giấy chứng nhận chưa phải là người sử dụng đất (vì chưa được cấp Giấy chứng nhận) nhưng là người sử dụng đất thực tế thông qua các hình thức như nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho, nhận thừa kế, được Nhà nước giao, cho thuê nên vẫn có quyền khởi kiện người có hành vi cản trở quyền đề nghị cấp Giấy chứng nhận.
Ngoài những cách trên, khi bị hàng xóm cản trở làm Sổ đỏ, người dân có thể nhờ sự can thiệp của UBND cấp xã, công an cấp xã nơi có đất.