Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 19 tháng 1 năm 2020 | 19:57

Cận Tết, rác thải sinh hoạt ngổn ngang, công nhân căng mình thu dọn

Cận Tết Nguyên đán, nhiều cơ quan, hộ gia đình thu dọn vệ sinh, trang hoàng nhà cửa chuẩn bị đón năm mới. Vì vậy, lượng rác thải tăng đột biến so với ngày thường.

Rác thải chất đống, ngổn ngang

Đến hẹn lại lên, lượng rác thải sinh hoạt đổ ra môi trường tăng đột biến thời điểm trước và sau Tết. Theo ghi nhận của phóng viên ngày 19.1, nhiều tuyến phố Đông Tác, Phạm Ngọc Thạch, Phương Mai, Thái Hà (Hà Nội)… dù đã được lực lượng vệ sinh môi trường thu gom rác thải, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, rác sinh hoạt lại tiếp tục ùn ứ, chất đầy lên những xe chứa được cấp phát.

Bên cạnh đó, nhiều điểm rác thải tự phát tập kết với số lượng lớn tràn xuống lòng đường, vỉa hè. Nước thải từ các xe rác rò rỉ, bốc mùi hôi tanh khó chịu.

Cụ thể, tại khu vực phố Chùa Láng (Đống Đa, Hà Nội) tình trạng rác thải xây dựng, gạch, đá xi măng, rác thải sinh hoạt và đồ dùng phế thải bị chất đống, rơi vãi trên đường.

Trao đổi với phóng viên, chị L.T.H - Xí Nghiệp Môi trường Đô thị 4 (Công ty TNHH Nhà nước MTV Môi trường Đô thị Hà Nội) cho biết, dù đã gắn bó nhiều năm với công việc vệ sinh môi trường, nhưng anh em công nhân vẫn lo ngại nhất là dịp trước và sau kỳ nghỉ Tết.

Theo chị H, công việc này vốn đã vất vả, thì vào thời điểm này, nỗi nhọc nhằn ấy của họ dường như tăng lên gấp 3 – 4 lần bởi số lượng rác thải trên các cung đường, tuyến phố, khu dân cư đổ ra khủng khiếp.

“Những ngày này, việc thu gom rác thải từ các hộ dân, hàng quán là nhiệm vụ mà người công nhân môi trường phải rất nỗ lực để xử lý, vì cứ đi một vòng quay về lượng rác lại chất đống. Có trường hợp đi xe máy vứt rác không đúng điểm, người sau nhìn theo người trước, khiến rác bị đổ tràn lan ra đường phố khiến việc thu gom rất khó khăn”, chị H chia sẻ.

 

rac-thai-can-tet-2.jpg
Lượng rác thải dịp Tết tăng đột biến. Ảnh Laodong.vn

 

Cũng theo chị H, việc vất vả nhất là xử lý các loại cây hoa, chăn chiếu, mùng màn, tủ kệ gỗ phế thải. Công việc sẽ kéo dài đến hết đêm 30, sau đó công việc sẽ nhẹ nhàng hơn trong 3 ngày nghỉ lễ (mồng 1 – 3).

Tiếp đó, guồng quay lại bắt đầu sau hôm mồng 3 và kéo dài đến tháng giêng vì đào quất, rác thải sinh hoạt lại tiếp tụp phải thu gom trong những ngày sau Tết.

Công nhân môi trường “căng mình” 

Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO) Nguyễn Hữu Tiến nhận định, lượng rác thải sinh hoạt dịp cuối năm rất lớn, cao hơn những ngày thường rất nhiều. Hầu hết các gia đình đều dọn nhà, có thể bỏ những vật dụng như sofa, bàn… cồng kềnh. Trung bình ngày áp Tết tăng ít nhất 10%, có ngày tăng 100% khối lượng rác thải sinh hoạt phải xử lý.

“Do đó, thời điểm này công nhân không được nghỉ bù, nghỉ phép mà nhiều khi phải tăng ca để thu gom rác thải, không để tồn đọng trong nội đô. Các phương tiện phải tăng tuyến, thêm 1 chuyến/ngày để đảm bảo vận chuyển toàn bộ rác thải về bãi rác xử lý”, ông Tiến nói

Nhiều khu xử lý rác thải cũng phải căng mình tiếp nhận, xử lý rác, trong đó có Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn). 

Ông Triệu Tuấn Đức – Giám đốc Chi nhánh Nam Sơn (URENCO8) đánh giá, năm nào cũng vậy, dịp trước và sau Tết Nguyên đán trên địa bàn thành phố đều xảy ra tình trạng lượng rác thải tăng đột biến. Thực trạng này diễn ra từ 23 tháng Chạp trở đi. Nếu như trung bình mỗi ngày thường Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn tiếp nhận 4.900-5.000 tấn rác, thì tính ngày 23 tháng Chạp bãi rác đã tiếp nhận 5.600 tấn rác/ngày. Đêm 30 Tết khối tượng rác dự kiến phải tiếp nhận lên đến hơn 7.000 -7.500 tấn rác/ngày.

 

rac-thai-can-tet-11.jpg
Nhiều gia đình dọn nhà đã bỏ đồ thờ cúng, bàn ghế ra môi trường.

 

Lường trước được “kịch bản” khối lượng rác “khổng lồ” thải ra môi trường, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn đã có kế hoạch triển khai công tác phục vụ công tác vận hành từ xe cộ, máy móc, vật tư… từ nhiều tháng trước.

“Riêng về công nhân môi trường vẫn đảm bảo trực đầy đủ trong dịp Tết, ngay cả mùng 1 Tết vẫn làm bình thường. Những ngày này là lượng rác thải ra nhiều nhất, buộc chúng tôi phải bố trí lực lượng làm việc đầy đủ, phục vụ nhân nhân”, ông Đức nói.

Sáng kiến dùng hộp bã mía giảm rác thải nhựa

Giảm rác thải nhựa không phải là chiến dịch hay cuộc vận động "hoành tráng", mà chỉ cần thay đổi những thói quen nhỏ trong cuộc sống hằng ngày.

Với suy nghĩ đó, nhóm học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) đã phát động chương trình mua hộp, ly bằng bã mía để hạn chế sử dụng hộp xốp, túi nilông trong hội chợ ẩm thực dịp Tết của trường.

"Hội chợ ẩm thực với rất nhiều gian hàng bán đồ ăn uống. Ai cũng thấy là những hội chợ này thải ra lượng rác nhựa khổng lồ như thế nào khi tất cả các quầy hàng đều bán mang đi với hộp xốp, ly nhựa, muỗng nhựa, túi nilông... Nhóm đã thực hiện khảo sát trong một ngày hội chợ ở các gian hàng và thấy rằng sau khi kết thúc, một lượng rác thải khổng lồ các loại từ nhựa như ống hút, muỗng, hộp... thải ra" - Trần Đình Lê Hoàng, học sinh lớp 11CA Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, chia sẻ lý do ra đời nhóm Weco.

 

mua-hop-ba-mia-1-157941015664117953133.jpg
Các bạn trẻ nhóm Weco bán hộp bã mía để giảm hộp xốp sử dụng trong hội chợ ẩm thực của trường - Ảnh: NGÂN HÀ

 

Nhóm có 8 cô cậu học trò từ lớp 10 đến lớp 12 nghĩ ngay đến việc kêu gọi học sinh trong trường ý thức về việc sử dụng các loại ly nhựa, hộp xốp trong các lễ hội ẩm thực. 

"Đi hội chợ mà phải dùng nhiều rác thải nhựa quá, các bạn có thấy quạu hông? Đi hội chợ mà làm cho môi trường bị ảnh hưởng, các bạn có vui nổi hông? Chỉ một ngày duy nhất nữa thôi, hội chợ dân gian 20 đã diễn ra rồi đó các bạn ơi! Không khí chợ xuân tràn về và các bạn sẽ bàng hoàng hơn về lượng rác thải nhựa sắp tới! Hãy ghé gian hàng Weco đầu tiên nhé. Chúng mình chờ bạn!".

Đó là một "content" (nội dung quảng bá) đáng yêu trên fanpage lễ hội của Weco mời gọi các bạn học sinh giảm nhựa bằng cách ghé qua quầy hàng "rẻ nhất" hội chợ của họ: quầy hàng bán hộp, ly bã mía với combo tô, ly giá 5.000 đồng, hộp có nắp 7.000 đồng.

Nhưng không chỉ chăm chăm quảng cáo để bán được ly, hộp bã mía mà trước hết Weco khuyến khích các bạn học sinh có thể mang theo những đồ đựng thức ăn, nước uống cá nhân hoặc tái sử dụng ly, hộp nhiều lần để hạn chế rác thải nhựa, kêu gọi các gian hàng sử dụng túi phân hủy sinh học thay cho túi nilông bằng cách phát túi đựng rác tự hủy. 

Trong ngày hội chợ ẩm thực cuối năm ở trường, họ đã chuẩn bị 450 hộp bã mía các loại và bán được khoảng 400 hộp. Điều này có nghĩa là khoảng 400 học sinh đến hội chợ sẽ không dùng hộp, ly nhựa.

"Vừa bước sang một thập kỷ mới, đã đến lúc chúng ta - những công dân sinh sống trên trái đất phải biết suy nghĩ đến tác động hằng ngày của mình làm ảnh hưởng đến mẹ thiên nhiên như thế nào. 

Chỉ cần một học sinh đi qua khoảng năm quầy hàng thì với bộ ly, hộp bã mía họ đã giảm được năm món đồ nhựa sử dụng một lần. Mong muốn của nhóm là có thể thay đổi thói quen sử dụng túi nilông, các loại nhựa một lần của các bạn trong trường, nhất là trong những hội chợ ẩm thực" - Hoàng chia sẻ.

 

 

 

PV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

Top