Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trọng điểm của nhiều loại rau, quả, lúa gạo nhưng đang có mức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ cao hơn so với mức trung bình toàn quốc.
Thông tin trên được ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ vật (Bộ NN-PTNT) cảnh báo. Theo ông Hoàng Trung, khảo sát trong các khu vực trên toàn quốc thì ĐBSCL sử dụng nhiều phân bón nhất, với khối lượng hơn 1 tấn/ha, nhiều hơn 42% so với mặt bằng chung cả nước.
ĐBSCL đang là khu vực sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ nhiều nhất toàn quốc. ẢNH THANH NIÊN
Cụ thể, phân bón vô cơ được sử dụng trên cả nước sử dụng trung bình 560 kg/ha nhưng tại ĐBSCL, khảo sát cho thấy, nông dân sử dụng đến 754 kg/ha, cao hơn 35% so với mặt bằng chung cả nước. Trong khi lượng phân hữu cơ sử dụng chỉ bằng 27,3% so với trung bình toàn quốc.
Ông Hoàng Trung cũng nhấn mạnh, đáng lưu ý nhất ở ĐBSCL là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học. Theo khảo sát, lượng sử dụng tại khu vực này đang cao hơn mức trung bình toàn quốc gần 72%. Đặc biệt, tại các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp đang có mức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học gần gấp 3 lần so với trung bình toàn quốc.
“Nếu không giải quyết được tình trạng này sẽ dẫn tới hệ lụy rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đối với môi trường, sức khỏe con người mà còn dẫn tới tình trạng kháng thuốc của sinh vật gây hại, làm suy giảm đa dạng sinh học của các loài thiên địch”, ông Trung cảnh báo.
Cũng theo ông Hoàng Trung, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không được kiểm soát chặt chẽ sẽ tác động trực tiếp đến thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Thống kê trong năm 2020, Trung Quốc đã yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói do phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật.
Trong số này, Tiền Giang là tỉnh có số vi phạm lớn nhất với 15 mã số vùng trồng và nhà đóng gói; tiếp đó là An Giang (7 mã) và thấp nhất là Vĩnh Long (2 mã).
Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, cũng cho rằng, bên cạnh nhiều mặt tích cực thì sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL còn nhiều vấn đề phải quyết tâm cao về nhận thức và hành động từ mỗi người để xây dựng nông nghiệp theo hướng minh bạch, trách nhiệm, bền vững.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp nhấn mạnh, trong hệ thống lương thực thực phẩm toàn cầu Việt Nam đang tham gia thì thông tin minh bạch là tôn chỉ hàng đầu. Theo đó, mọi thông tin hoạt động sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón đều phải công khai để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo thanhnien.vn