Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 11 tháng 7 năm 2017 | 11:6

Chất lượng dân số Việt Nam chưa cao

Năm 2016, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết, Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng cho biết chất lượng dân số cũng đang là một hạn chế của công tác DS-KHHGĐ. Để tìm hiểu thêm về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Mai Xuân Phương –Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông-Giáo dục (Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế):

+ Thưa ông, trong dự thảo đề án “Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển dân số bền vững”, Bộ Y tế đánh giá “chất lượng dân số cải thiện chưa vững chắc". Ộng có thể cho biết cụ thể về tình trạng này?

Ông Mai Xuân Phương: Mặc dù chất lượng dân số những năm qua có nhiều thay đổi, nhưng chiều cao, cân nặng, tầm vóc, sức bền thể lực của người dân Việt Nam chưa đạt yêu cầu. Đội tuyển bóng đá Việt Nam là một thí dụ điển hình: kỹ thuật tốt nhưng tham gia đấu trường khu luôn rất chật vật vì sức bền, thể lực. 

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này: việc tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân gần như chưa có, dẫn đến có những đứa trẻ ra đời bị hôi chứng down, viêm gan B, C, HIV, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ vv….Việc sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh rất quan trọng nhưng nhiều nơi chưa làm tốt, khiến cho bệnh tan máu bẩm sinh hiện như “quả bom” trong lòng người Việt với hơn 10 triệu người mắc-như GS. Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết.

Tình trạng mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn ở tuổi vị thành niên cũng dẫn đến chất lượng dân số kém, do việc truyền thông chuyên biệt và dịch vụ chuyên biệt cho trẻ vị thành niên/thanh niên chưa được quan tâm đúng mức và đánh giá đầy đủ. Những người bị HIV, viêm gan B, C, mại dâm bị phân biệt đối xử nên dễ có hành vi nguy cơ và sinh ra những đứa trẻ nhiễm HIV, viên gan B, C, khuyết tật. Ở các tỉnh miền núi phía Bắc và miền Trung Tây Nguyên còn diễn ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng là những yếu tố dẫn đến những đứa trẻ không khỏe mạnh.

Ông Mai Xuân Phương

Một vấn đề nữa ảnh hưởng đến chất lượng dân số là việc chăm sóc người cao tuổi. Chúng ta đã có hệ thống an sinh xã hội cho trẻ, nhưng lại không có cho người già. Hiện mới có BV Lão khoa Trung ương là nơi chăm sóc cho người cao tuổi; Đại học Y Hà Nội mới có chuyên khoa Lão khoa, rất ít BV có Khoa lão khoa vv…

Thực tế cho thấy tại Việt Nam, phụ nữ sống thọ hơn nam giới, trong khi tuổi nghỉ hưu ở mức 55 là lãng phí nguồn nhân lực, nhất là phụ nữ trí thức. Bởi nam giới nghỉ hưu sau nữ giới 5 năm nhưng lại chết trước 5 năm.

+ Hiện, ở phía Bắc vẫn còn nhiều nơi sinh con thứ ba trong khi tỷ lệ sinh ở đồng bằng sông Cửu Long và TP. Hồ Chí Minh đang rất thấp, khiến Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đề nghị áp dụng các biện pháp để tăng tỷ suất sinh của TP HCM. Xác định nguyên nhân rất quan trọng vì tác động đến việc hoạch định chính sách. Ông có thể chia sẻ điều này? 

Ông Mai Xuân Phương: TP HCM là một trong những địa phương đi đầu cả nước về tỷ số cân bằng giới tính khi sinh song lại có mức sinh thấp nhất cả nước, bình quân một phụ nữ sinh 1,456, chưa đạt mức sinh thay thế. Tỷ lệ sinh này nếu kéo dài sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lao động.

Dù đã có nhiều hội nghị được tổ chức nhưng Tổng cục DS-KHHGĐ chưa có được câu trả lời thích đáng, chưa tìm ra lời giải về sự khác biệt mức sinh giữa Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong khi điều kiện kinh tế, văn hóa khá tương đồng. Trong khi Hà Nội vẫn có tình trạng đẻ con thứ ba với tâm lý phải có con trai, cùng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) khá cao, thì ở TP. Hồ Chí Minh phụ nữ chỉ sinh một, dù là con gái. Tổng cục DS-KHHGĐ chưa tiến hành điều tra đầy đủ, nên chỉ có thể đưa ra giả thiết phải chăng có nguyên nhân từ văn hóa vùng miền, quan niệm  cuộc sống, bởi có nhiều người Hà Nội vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống, cũng chỉ sinh một con, dù trai hay gái.

+ Tổng cục DS-KHHGĐ có quan tâm đến mức sinh thấp ở TP. Hồ Chí Minh và Tây Nam bộ cũng như có giải pháp gì để khắc phục?

Ông Mai Xuân Phương: Mức sinh thay thế thấp là vấn đề rất đáng quan tâm, vì sẽ phá vỡ cấu trúc gia đình, làm già hóa dân số. không đủ sản sinh ra những đoàn hệ thay thế cha mẹ trong một thời gian dài đã tác động trực tiếp đến tỷ lệ gia tăng dân số tự nhiên và làm cho quy mô dân số của một loạt nước đang ngày càng bị thu hẹp. Mức sinh thấp trong thời gian dài cũng sẽ có những tác động sâu sắc đến cơ cấu dân số. Đó là số người cao tuổi (65+) ngày càng tiếp tục tăng lên trong khi số người được sinh ra ngày càng ít đi.

Nhiều địa phươpng có chính sách hỗ trợ các gia đình sinh con một bề là gái 

Vì thế, giải pháp khắc phục tình trạng này của Tổng cục DS-KHHGĐ chủ yếu động viên các gia đình đẻ đủ 2 con và tới đây sẽ có điều tra về nguyên nhân để góp phần xây dựng chính sách phù hợp.

+ Tình trạng MCBGTKS ở các tỉnh phía Bắc vẫn cao, sẽ gây nên nhiều hệ lụy. Hướng giải quyết của Tổng cục DS-KHHGĐ cho vấn đề này là gì, thưa ông?

Ông Mai Xuân Phương: MCBGTKS sẽ dẫn đến tình trạng “thừa nam, thiếu nữ” trong tương lai, làm biến đổi chỉ số nhân khẩu học, tác động đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và toàn xã hội. 10 tỉnh có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất là Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Hòa Bình, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Quảng Ngãi.

Nhằm từng bước khống chế tốc độ gia tăng tỉ số giới tính khi sinh, vấn đề tăng cường truyền thông rất quan trọng. Bên cạnh đó, một số địa phương đề xuất xây dựng chính sách hỗ trợ để nâng cao vai trò của trẻ em gái trong gia đình và xã hội; tăng cường công tác thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm qui định lựa chọn giới tính thai nhi.

+ Cám ơn ông đã trao đổi!

Thanh Hằng (thực hiện)/cand.com.vn
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top