(Ảnh minh họa, nguồn: Đỗ Thoa)

Theo đó, giá dịch vụ khám chữa bệnh bao gồm: giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ ngày giường điều trị, giá dịch vụ kỹ thuật. Trong đó, giá dịch vụ khám chữa bệnh hiện bao gồm 4 yếu tố: Chi phí trực tiếp (thuốc dịch truyền, hóa chất, vật tư tiêu hao, vật tư thay thế, chi phí điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải, vệ sinh môi trường); Chi phí duy tu, bảo dưỡng thiết bị, mua thay thế công cụ, dụng cụ; Chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật; Chi phí tiền lương. Tuy nhiên hiện nay mới tính 3 yếu tố (chưa tính phụ cấp và tiền lương).

Theo ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, với các bệnh viện còn lại (chủ yếu là bệnh viện hạng 3-4, một số bệnh viện tuyến tỉnh và bệnh viện trung ương đang đặt trụ sở tại các địa phương ngoài Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh) thì từ ngày 1/3 áp dụng viện phí mới nhưng chưa đưa lương vào giá dịch vụ, từ 1/7/2016 sẽ áp dụng viện phí bao gồm cả lương cán bộ y tế, tương đương với tất cả các bệnh viện còn lại.

Theo đó, từ ngày 1/3, giá dịch vụ khám bệnh ở bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I là 20.000 đồng, hạng II là 15.000 đồng, hạng III là 10.000 đồng, hạng IV là 7.000 đồng và khám chuyên gia là 200.000 đồng.

Từ ngày 1/7 khi tính đủ 4 yếu tố, tiền khám bệnh tương đương giữa các hạng bệnh viện là 39.000 đồng- 35.000 đồng- 31.000 đồng- 29.000 đồng. Ngoài ra, giá dịch vụ ngày giường bệnh áp dụng từ 1/3 từ 31.000 đến 354.000 đồng tùy hạng bệnh viện và từ ngày 1/7 giá dịch vụ từ 108.000 – 677.000 đồng.

Như vây, theo Thông tư liên tịch này, ngoài tiền lương, đối với các phẫu thuật, thủ thuật theo quy định của Thủ tướng được hưởng phụ cấp thì có tính chi phí chi trả phụ cấp vào giá nên mức tăng của các dịch vụ rất khác nhau.

Tính bình quân của tất cả các dịch vụ, mức giá thực hiện từ 1/3/2016 gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù sẽ tăng bình quân khoảng 30% so với hiện nay. Tiếp đến, từ ngày 1/7/2016, khi tính tiền lương vào thì giá sẽ tăng khoảng 50% so với hiện nay.

Ông Nguyễn Nam Liên – Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ Y tế cho biết, Thông tư này trước mắt chỉ áp dụng đối với thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) nên đối với người không có thẻ BHYT (khoảng 25% dân số) vẫn áp dụng mức giá hiện nay đang thực hiện nên không bị ảnh hưởng.

Đối với người có thẻ BHYT, mức độ tác động đến các nhóm có khác nhau. Trong đó, khoảng 23,7 triệu người là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội có thẻ BHYT không bị ảnh hưởng. Mức độ ảnh hưởng không nhiều là đối tượng người cận nghèo đã được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT. Khi đi khám, chữa bệnh, đối tượng này được BHYT thanh toán 95% chi phí, chỉ phải đồng chi trả 5% (trước đây chỉ được hưởng 80%, phải đồng chi trả 20%).

Riêng với đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí khám chữa bệnh BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều vì trước đây, khi chưa tính đủ giá, người bệnh thường phải trả thêm, nay được tính đủ thì sẽ không phải trả thêm tiền.

Liên quan đến việc điều chỉnh tăng giá viện phí mới, ông Phạm Lương Sơn - Trưởng ban thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam khẳng định, khi điều chỉnh giá mới thì sẽ có tác động tích cực đối với người dân. Đặc biệt, người bệnh sẽ không phải bỏ tiền túi của mình để đóng góp cho các khoản chi phí mà trong thực tế đã được kết cấu vào giá dịch vụ y tế. Toàn bộ chi phí thuốc, vật tư y tế, đặc biệt là những chi phí trực tiếp như khấu hao, duy tu bảo dưỡng… đã được kết cấu vào giá dịch vụ y tế và sẽ do Quỹ BHYT chi trả. BHXH Việt Nam cũng như các cơ sở khám, chữa bệnh sẽ quyết tâm không thu thêm của người bệnh những khoản đã được tính vào giá dịch vụ y tế./.