Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 6 tháng 10 năm 2016 | 3:45

Chương trình Sữa học đường Nghệ An: Cho con vui đến trường

Từ chỗ phân vân khi nghe thông tin về Chương trình Sữa học đường, tới nay, nhiều bà mẹ chuyển sang mong mỏi “tiếp tục cho các cháu uống sữa” khi hiểu về lợi ích của Chương trình đối với con em mình.

Nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An triển khai Chương trình sữa học đường.

“Bố bớt lon bia đi”

Chị Vi Thị Hòe (xóm Phú Thọ, xã Nghĩa Hội, huyện Nghĩa Đàn) thuộc diện hộ cận nghèo. Chị có 2 con nhỏ, trong đó có bé Ngọc Tú đang học lớp 2 Trường Tiểu học Nghĩa Hội. “Gia đình khó khăn nên các cháu không có sữa uống, thỉnh thoảng tui mới mua cho cháu 1-2 hộp sữa hoặc cái bánh ăn cho đỡ thèm”, chị chia sẻ

“1-2 hộp sữa” mà chị Hòe nói tới, tính ra chị cũng phải chi khoảng 50.000-60.000 đồng/tháng cho một bé, nhưng vì mỗi lúc mua chỉ hết 10.000-20.000 đồng nên chị không để ý. Khi giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Hội vận động chị tham gia Chương trình Sữa học đường, cho con uống sữa TH school milk mỗi ngày, chị thấy lo vì “tiền mô mà cho cháu uống”.

Thế nhưng, khi được giải thích kỹ hơn, chị gật đầu cái rụp và điền đơn đăng ký tự nguyện tham gia Chương trình Sữa học đường năm học 2015-2016. Con chị thuộc diện hộ nghèo, được miễn 50% chi phí uống sữa. Nghĩa là bé được uống sữa 1 hộp 180ml/ngày, uống cả 5 ngày trong tuần mà mẹ chỉ phải đóng 60.000 đồng/tháng. Cùng với đó, chị được tìm hiểu thêm về kiến thức dinh dưỡng học đường. Chị nhận xét: “Qua chương trình, tui được biết cháu phải có đủ chất dinh dưỡng thì mới học tập tốt, cao lớn bằng bạn bằng bè được. Mà tui thấy vui hơn là cháu rất mong tới trường, ngày nào về cũng khoe được uống sữa với bạn”.

Chị Vi Thị Hòe và con gái Ngọc Tú trong ngày khai giảng năm học mới 2016-2017 với mong muốn tiếp tục được uống sữa học đường theo Chương trình của tỉnh Nghệ An.

Đó cũng là niềm vui của cô Nguyễn Thị Minh Hiền, Hiệu trường Trường Tiểu học Nghĩa Hội. Cô khẳng định, phụ huynh đánh giá chương trình rất hiệu quả: “Khu vực xã Nghĩa Hội chúng tôi có nhiều gia đình công giáo, có 4-5 con đi học. Chương trình hỗ trợ các cháu uống sữa tại trường với chi phí hợp lý nên phụ huynh rất yên tâm, con đi học không nghỉ ngày nào”.

Với Chương trình này, những người như cô Hiền cũng chính là người truyền tải ý nghĩa của dinh dưỡng học đường: “Có nhiều phụ huynh cũng hỏi chúng tôi là uống sữa 5 ngày/tuần có nhiều không? Tôi trả lời trẻ em lứa tuổi tiểu học đang ở giai đoạn tăng trưởng chiều cao mạnh nhất nên uống sữa hàng ngày là hoàn toàn phù hợp. Nếu đợi các cháu lớn mới cho uống sữa là quá muộn. Mà chi phí đóng góp cũng không quá lớn, bố chỉ cần bớt lon bia đi là con có sữa uống”, cô Hiền nói vui.

Học sinh uống sữa học đường trong bữa ăn xế.

Phòng y tế… bớt việc

Ông Phạm Huy Sơn, Phó trưởng phòng Giáo dục huyện Nghĩa Đàn, cho biết,  sau khi UBND tỉnh Nghệ An ban hành Đề án Sữa học đường, dù không có trong danh sách được tỉnh hỗ trợ nhưng huyện Nghĩa Đàn vẫn triển khai kế hoạch tới các nhà trường và tuyên truyền tới tận các phụ huynh về Đề án và những lợi ích mang lại cho học sinh. Vì thế, nhiều gia đình tự nguyên tham gia.

“Các trường mầm non, tiểu học trên toàn huyện vận động được trên 70% học sinh mầm non và tiểu học tham gia Chương trình. Qua 5 tháng thực hiện, tỷ lệ học sinh suy dinh dưỡng giảm mạnh, học sinh chuyên cần tăng lên. Vì thế, nhiều trường đã sẵn sàng triển khai Chương trình trong năm học mới”.

Cô Hoàng  Thị Lan, cán bộ y tế học đường Trường Tiểu học thị trấn Nghĩa Đàn, chia sẻ: “Sau khi triển khai Chương trình, sức khỏe học sinh tăng lên rõ rệt. Kết thúc năm học 2015-2016 này, tỷ lệ suy dinh dưỡng của học sinh trong trường là 33%, giảm xuống còn 21%. Trước đó, nhiều em hay bị hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi hay đến phòng y tế, nhưng khi được uống sữa đều đặn tại trường thì tỷ lệ này giảm hẳn”.

Cô Lan nêu một trường hợp cụ thể như bé Hoàng Thị Ánh Nhi, học sinh lớp 3. “Hoàn cảnh của em rất tội, bố không có, mẹ bị tâm thần, em ở với ông bà ngoại cũng khó khăn. Vì thế, em không được chăm sóc dinh dưỡng chu đáo, học lớp 2 mà chỉ nặng 17kg. Sau 1 năm uống sữa học đường đều đặn đã tăng được 22kg, không còn thuộc diện suy dinh dưỡng nữa”, cô Hoàng Thị Lan cho biết.

Thực tế này cũng thể hiện khá đầy đủ trên toàn tỉnh sau năm học 2015-2016. Tổng hợp kết quả cân, đo thể lực học sinh năm học 2015-2016 của 15 huyện, thị cho thấy: Suy dinh dưỡng thể cân nặng/tuổi ở các trường mầm non đã triển khai Chương trình giảm trung bình là 2,45%, cao hơn mức giảm trung bình hàng năm từ 2010 đến nay (0,7%/năm) và cao hơn mức giảm trung bình ở các trường mầm non chưa triển khai chương trình (1,44%). Suy dinh dưỡng chiều cao/tuổi ở các trường tiểu học đã triển khai chương trình giảm trung bình là 1,43%, cao hơn mức giảm trung bình ở các trường tiểu học chưa triển khai chương trình (0,79%).

Với hiệu quả rõ rệt này, nhiều phụ huynh bày tỏ mong muốn UBND tiếp tục triển khai Chương trình vì thể lực, tầm vóc của trẻ em lứa tuổi vàng toàn tỉnh.

Khôi Nguyên

 

Trong năm học 2015-2016, toàn tỉnh Nghệ An có 215.851 học sinh tại các trường mầm non, tiểu học đăng ký tham gia Đề án Sữa học đường, đạt 50% số học sinh toàn tỉnh. Đó là kết quả rất đáng khích lệ của Đề án “Thí điểm Chương trình sữa học đường trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm học 2015-2016”.

Đồng hành với UBND tỉnh Nghệ An triển khai Chương trình là Tập đoàn TH. Sản phẩm  sử dụng trong Chương trình là sữa tươi TH shool MILK- sản phẩm đầu tiên được Bộ Y tế xác nhận hểu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em thông qua nghiên cứu lâm sàng tại Nghĩa Đàn. Cùng với cung cấp sữa đạt chuẩn, Tập đoàn cũng ủng hộ cơ chế hỗ trợ tài chính được ban hành trong Đề án thí điểm của tỉnh và ứng trước phần chi phí hỗ trợ sản phẩm sữa cho học sinh thuộc cả 3 diện.

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top