Chiến tranh đã qua đi hàng chục năm, nhưng vì nhiều lý do nên không ít chiến sĩ cách mạng đã hy sinh, hoặc trở về với nhiều thương tích, nhưng chưa được đền đáp kịp thời.
Phóng viên Kinh tế nông thôn ghi lại chuyện của một liệt sĩ mà phải sau 56 năm gia đình mới được nhận Bằng Tổ quốc ghi công.
Đó là liệt sỹ Trịnh Quang Thiện. Ông bị Thực dân Pháp và chính quyền tay sai xử bắn cùng một số người khác vào ngày 12/7/1946 vì tham gia vụ phá hủy kho đạn tại Sài Gòn. Nhưng phải 56 năm sau, gia đình ông mới được nhận Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Trịnh Quang Thiện.
Ra đi đầy bí ẩn
Như chạm vào tận cùng của nỗi nhớ về người cha thân yêu, bà Trịnh Thị Thức kể lại cho tôi nghe về cha mình. Ông sinh ra ở làng công giáo Sa Châu, xã Giao Châu (Giao Thủy - Nam Định), nơi có nhà thờ thuộc diện lớn nhất trong vùng. Cha bà lớn lên trong gia đình công giáo toàn tòng ở đây, khi đủ tuổi ông được các ông trùm trong giáo họ cho đi học để trở thành cha xứ. Ông thi đỗ và có chức sắc trong nhà thờ, nhưng vì là con “độc đinh” nên các cụ trong giáo họ bắt quay trở về để lấy vợ.
Bà Thức cho biết, cha bà được các cha cho lên Hà Nội học nghề in, sau đó đi làm tại một tòa báo. Tại đây, nhờ vào sự mai mối, ông đã kết hôn với mẹ bà, một cô gái Hà Nội gốc. Gia đình ông ngoại bà là nhà buôn bán lớn trên phố Hàng Dầu, chuyên buôn bán các loại dầu, rất giàu có.
Sau này, nghe mẹ bà kể lại, vào năm 1940, khi đó bà Thức chỉ khoảng 8 tháng tuổi, đột nhiên một ngày cha bà cùng người em vợ là ông Nguyễn Bá Đức không thấy trở về nhà, mặc dù đã hết giờ làm việc tại nhiệm sở. Mẹ bà và mọi người trong gia đình đều vô cùng lo lắng, đi tìm khắp nơi, nhưng không có ai biết hai người đi đâu.
“Lớn lên, nghe mẹ tôi kể lại những ngày cha tôi bỏ nhà đi không về, mẹ tôi buồn lắm, trong lòng không thể nào nguôi ngoai nỗi nhớ chồng. Bà nghe ngóng khắp nơi, chỉ cần có tí manh mối là lại lao đến hỏi han, nhưng vẫn bặt tăm”, bà Thức ngậm ngùi.
Bị tử hình vì tham gia đốt kho đạn
Đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trí nhớ của bà Thức vẫn còn rất minh mẫn, nhất là khi kể lại quá trình mẹ con bà tìm chồng, tìm cha.
“Sau nhiều năm không tìm được tung tích của chồng và em, một ngày nọ, đột nhiên có người lạ đến gặp mẹ tôi và nói mẹ con bà thu xếp vào ngay Sài Gòn gặp ông Thiện. Mẹ tôi đã gọi bán toàn bộ tài sản và sau đó dắt tôi lên đường vào Nam tìm cha theo lời chỉ dẫn, năm đó tôi 3 tuổi”, bà Thức nhớ lại.
Ngày mẹ con bà lên tàu vào Sài Gòn, cha bà ra tận ga để đón. Ông phải chạy dọc đoàn tàu, từ toa đầu đến toa cuối, đến mỗi toa ông đều gọi to: “Mẹ cái Thức có vào đây không?”. Khi đến toa cuối cùng, ông cũng gặp và đón được vợ con đưa về nhà ở cầu Ông Lãnh. Niềm vui nhân đôi, vì mẹ tôi gặp lại người em ruột của mình.
Thời gian ở với bố mình, bà Thức luôn thấy nhà mình có nhiều người ra vào, hành tung rất bí mật, có cả cậu Nguyễn Bá Đức và ông Trương Văn Dư là em rể của cha bà.
Một ngày, cả thành phố rung chuyển bởi kho đạn Sài Gòn nổ tung, cháy và khói đen âm ỉ nhiều ngày liền. Mọi người xôn xao khắp đường trên ngõ dưới về việc kho đạn của Thực dân Pháp bị đốt, mật thám và lính Pháp thì truy lùng, khám xét ráo riết toàn thành phố, bắt bớ rất nhiều người. Cứ hễ người nào đeo bao bố trùm kín đầu chỉ hở hai con mắt mà gật đầu trước một ai đó, lập tức người đó bị lính Pháp bắt ngay.
Vài ngày sau, rất đông lính Pháp ập đến nhà bà, chúng bắt hết tất cả mọi người, trong đó có cha bà. Một tên lính Pháp hỏi: “Thằng nào là thằng Thiện?”, sau khi trả lời tên lính Pháp, cha bà bị chúng đánh đập, lôi lên xe và đưa đến bốt Catinat giam cầm. Mẹ bà đã bỏ cả tiền ra thuê luật sư để bảo vệ ông trong các phiên tòa. Nhưng sau đó 1 năm, cha bà và những người khác bị xử bắn vào ngày 12/7/1947.
Tìm lại sự thật từ mẩu tin trên báo
Bà Thức bồi hồi nhớ lại: Mẹ tôi không tin là cha tôi bị bắn, nên đến bốt Catinat để hỏi và được biết ông Thiện bị đưa ra pháp trường xử bắn. Mẹ tôi đau đớn trở về nhà ôm tôi khóc nức.
Một thời gian rất ngắn sau đó, có người đến nhà bà khuyên mẹ con bà dời ngay khỏi Sài Gòn để tránh liên lụy. Năm 1948, mẹ con tôi quay trở ra Hà Nội, sống tá túc nhờ vào anh chị em ruột trong gia đình. Mọi giấy tờ liên quan đến cha tôi trong đó đều được mẹ tôi đốt hết.
Sau này, bà thường xuyên được nghe mẹ của mình kể lại về cái chết của ông. Cha bà cùng người cậu ruột Nguyễn Bá Đức và một số người khác đã đào hầm xuyên qua các chốt kiểm soát dày đặc của Pháp để đột nhập vào kho đạn của địch, vụ việc thành công. Nhưng, do có sự chỉ điểm mà ông và toàn bộ những người tham gia đều bị bắt và xử bắn.
Nhưng, sự ra đi của cha bà cứ dần rơi vào quên lãng, mẹ con bà, thậm chí còn không biết ông được chôn cất ở đâu. Mãi đến năm 1978, bà Thức mới dò hỏi về cha, nhưng bà chỉ có chút thông tin của mẹ thường kể lại: “Cha con bị bắn có đăng tin ngày 20/7/1947 trên tờ Ánh Sáng”.
Bà đã vào Thư viện TP. Hồ Chí Minh tìm lại được mẩu tin được đăng tải trên Báo Ánh Sáng với nội dung: “Thủ tướng Chính phủ Nam Kỳ bác việc ân xá cho Lê Văn Hoa, Trịnh Quang Thiện, Nguyễn Văn Ba – tức Ba nhỏ và Võ Văn Khem bị Tòa án thường trực Quân sự Sài Gòn kêu án tử hình… Lê Văn Hoa và Trình Quang Thiện có tham dự vào vụ hủy phá kho đạn Sài Gòn hôm 8/8/1946”.
Có được tư liệu quý trong tay, bà về Hà Nội và làm đơn gửi các cơ quan ban ngành, đề nghị xem xét và công nhận cho cha bà là người có công trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Kể đến đây, bà Thức lau nước mắt và thở dài: “Tất cả đơn từ tôi gửi các cơ quan, ban ngành đều không có hồi âm. Tôi đành phải bỏ dở cuộc tìm kiếm về sự thật của cha mình”.
Đến năm 2000, thêm sự tiếp sức của con rể, bà liên tục làm đơn và đến tận nhà riêng nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, Nông Đức Mạnh, nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương gửi đơn kèm theo mẩu tin trên báo Ánh Sáng.
Vào một ngày mùa Thu năm 2003, tại UBND phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm – Hà Nội), lãnh đạo và chính quyền địa phương đã long trọng tổ chức Lễ truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Trịnh Quang Thiện.
Đến tận bây giờ, kể lại lại mọi việc, ôm tấm Bằng Tổ quốc ghi công của cha, bà Thức vẫn nghẹn ngào trong nước mắt: “Tôi tự hào vì cha tôi đã hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cho nước nhà được độc lập, tự do, mặc dù phải mất 56 năm sau cha tôi mới được Nhà nước công nhận là liệt sỹ”.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.