Ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 khiến du lịch Sapa (Lào Cai) gần như “đóng băng”, tác động rất mạnh đến thị trường nói chung và mặt hàng cá hồi nói riêng, khiến giá mặt hàng này liên tục giảm, người nuôi lỗ nặng.
1 năm 2 đợt giảm giá
Trước đây, giá cá hồi dao động 200.000-250.000 đồng/kg (trọng lượng 1,5-2,7kg); cá hồi cắt khúc (không đầu, đuôi) 280.000 đồng/kg; cá hồi phi lê 350.000 đồng/kg.
Thị xã Sapa hiện có gần 300 cơ sở nuôi cá nước lạnh với diện tích mặt nước khoảng 2ha ở các xã: Tả Van, Lao Chải, San Xả Hồ, Ô Quý Hồ, Thác Bạc…; tổng sản lượng đạt gần 800 tấn/năm. Sapa trở thành vùng nuôi cá hồi lớn nhất nước bởi có đủ điều kiện về khí hậu, nguồn nước sạch, mát lạnh, nhiều khoáng chất. Nuôi cá hồi phải tuân thủ kỹ thuật chăm sóc khắt khe, thức ăn phải nhập từ nước ngoài… nên cá hồi Sapa ngon nổi tiếng, trở thành món ăn ưa thích của khách du lịch, và cũng là hướng làm giàu cho nhiều hộ gia đình.
Đầu năm 2020, giá cá hồi giảm xuống còn 140.000-150.000 đồng/kg. Đến giữa năm, sức tiêu thụ tăng, tưởng như giá cả đã ổn định trở lại. Nhưng đến cuối năm, bước sang đầu năm 2021, giá cá hồi lại giảm liên tục. Trong khi sức tiêu thụ chậm, người nuôi vẫn phải duy trì chi phí thức ăn, chăm sóc. Đặc tính của cá hồi đến kỳ sinh sản xong sẽ chết..., nhiều hộ lâm vào cảnh nợ nần, bỏ ao, không dám nuôi mới.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu thủy sản nước lạnh Sapa, cho biết: “ Hàng năm, chúng tôi cung cấp ra thị trường khoảng 30 tấn cá, gồm cá hồi và cá tầm, giá bán trung bình 250.000/kg; tiêu thụ tại địa phương và nhiều tỉnh, thành Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên... Nhưng hiện nay, do ngành du lịch “đóng băng”, hệ thống nhà hàng, dịch vụ ăn uống trong và ngoài tỉnh không có khách, khiến giá giảm sâu đến 60%, chỉ còn 120.000 - 140.000 đồng/kg. Khó khăn hơn nữa là vẫn phải chăm sóc một lượng lớn cá chưa tiêu thụ được, nhiều chi phí phát sinh dẫn đến khó khăn cho việc duy trì và tái sản xuất. Việc chi trả lãi vay ngân hàng gặp khó. Tính sơ sơ năm 2020, chúng tôi thiệt hại hơn 3 tỷ đồng”.
Công ty Song Nhi Sapa và HTX chế biến thuỷ sản nước lạnh là một trong những cơ sở cung ứng nguồn cá thương phẩm lớn nhất khu vực, mỗi năm sản xuất gần 1 triệu con giống, nuôi gần 10 tấn cá thương phẩm, cung cấp cho thị trường khoảng 30 tấn cá mỗi năm cũng sụt giảm doanh thu 70- 80%.
Ông Trần Chung Hưng, Giám đốc Công ty Song Nhi Sapa và HTX chế biến thủy sản nước lạnh Sapa, chia sẻ: “Dự tính năm nay chúng tôi chỉ tiêu thụ khoảng 100 nghìn con. Doanh thu, lợi nhuận sụt giảm nên doanh nghiệp phải vay ngân hàng để trả lương cho nhân viên. Các nhà hàng và trang trại gần như tê liệt nên tạm thời chúng tôi vẫn phải tiếp tục vay vốn ngân hàng, sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất, trang trại, nhà xưởng, chờ thị trường trở lại ổn định để tăng cường sản xuất, bù đắp thiệt hại do dịch Covid 19 gây ra”.
Đa dạng hoá sản phẩm để tiêu thụ
Giá cá hồi giảm sâu cũng khiến nhiều hộ nuôi cá nhỏ lẻ điêu đứng, bà con tìm mọi cách rao bán trên mạng, bán lẻ từng con, thu hồi được đồng nào hay đồng đấy. Tuy nhiên, việc bán lẻ cũng gặp rất nhiều khó khăn do không có điểm tập kết tại các tỉnh, thành khác nên chi phí vận chuyển cao, cá tươi không để được lâu, việc đưa cá vào bán tại hệ thống siêu thị, cửa hàng lớn không phải dễ bởi cá phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, cân nặng…, chưa kể còn cạnh tranh với các mặt hàng cá hồi nhập khẩu khác.
Hiện cá hồi được nhập khẩu từ Nauy, Úc là chính; từ Trung Quốc ít vì chất lượng không bằng cá hồi Việt Nam dù giá rẻ hơn.
Để ứng phó với biến động thị trường, nhiều cơ sở sản xuất tập trung vào khâu chế biến thành nhiều loại sản phẩm như: cá hun khói, ruốc, pate cá hồi, dầu cá hồi, trứng cá hồi hoặc cá hồi cắt khúc..., vừa giúp cắt giảm chi phí thức ăn chăn nuôi cá quá lứa, vừa khiến sản phẩm cá hồi bảo quản được lâu, đến được với người tiêu dùng nhiều hơn.
Công ty Song Nhi Sapa có 2 nhà hàng chuyên về cá hồi: Nhà hàng Song Nhi Sa Pa số I chuyên phục vụ các món ăn từ cá hồi và cá tầm đặt tại khu du lịch Thác Bạc; Nhà hàng Song Nhi Sa Pa số II tại Ô Quý Hồ phục vụ khách những món trứng cá hồi muối, lẩu cá hồi, thăn cá hồi nướng sốt mù tạt, cá hồi gỏi…, mỗi năm cũng tiêu thụ gần 10 tấn cá hồi. Tuy nhiên, hiện nay đang vắng bóng khách du lịch nên công ty tập trung vào chế biến cá hồi hun khói, ruốc cá hồi, trứng cá hồi muối, lẩu đóng gói…
Ông Trần Chung Hưng cho biết: “Vì quy mô sản xuất lớn, bao tiêu cả sản phẩm của nhiều hộ nuôi cá tại địa phương nên từ lâu chúng tôi đã chú trọng đầu tư hệ thống chế biến các sản phẩm từ cá hồi. Nhiều sản phẩm mang thương hiệu Song Nhi như ruốc cá hồi, trứng cá hồi, cá hồi hun khói... đã có mặt ở các siêu thị lớn và được người tiêu dùng biết đến. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, chúng tôi rất mong nhận được sự hỗ trợ từ các cấp, các ngành, tích cực xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, ưu đãi vay vốn để các sản phẩm từ cá hồi đến được với người tiêu dùng khắp mọi miền, người nuôi cá không phải treo ao, tiếp tục duy trì chờ thời cơ khôi phục phát triển sản xuất”.
Chị Nguyễn Thị Hoài (35 tuổi, chủ trang trại nuôi cá hồi tại Sapa) cho biết, chỉ có cá hồi Trung Quốc mới có size to tầm 1,8- trên 2kg/con chứ cá Sapa hiện nay không có size đó. Cá hồi Sapa được nuôi bằng cám nhập khẩu châu Âu nên thịt dai, giòn, màu sắc đỏ tươi và đều màu, còn cá Trung Quốc màu rất nhạt.
Theo chị Hoài, để phân biệt được 2 loại cá hồi này, chỉ cần nhìn màu sắc và sờ đầu ngón tay vào miếng thịt cá. Cá hồi Trung Quốc ít có độ đàn hồi, ướt, khi rút xương cá sẽ bị bở.
Bên cạnh đó, vị của cá hồi Trung Quốc nhạt, không dẻo và có mùi tanh. Cá hồi Trung Quốc rất yếu, nếu vận chuyển xa thì cá không còn sống khỏe như cá Sapa.
Cũng theo chị Hoài, ở Lào Cai cũng có huyện Bát Xát nuôi cá hồi, tuy nhiên, màu sắc của cá hồi Bát Xát cũng không đỏ, vị cũng nhạt hơn cá hồi Sapa.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.