Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 10 năm 2019 | 14:6

Để giảm nhẹ sạt lở ở ĐBSCL: Cần hành động ngay

Tình trạng sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang diễn biến phức tạp, mỗi năm mất khoảng 300 - 500ha, hàng chục ngàn hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm. Nhiều tỉnh đã công bố tình trạng khẩn cấp về sạt lở.

tr8t.jpg
Quốc lộ 91 thuộc ấp Bình Tân, xã Bình Mỹ (Châu Phú - An Giang) nhiều lần bị sạt lở. Tỉnh An Giang đã tạm ứng 24 tỷ đồng xử lý khẩn cấp. (ảnh: ĐĐK).

 

Mất 300 - 500ha/năm

Theo ông Hà Công Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT, ĐBSCL có vai trò quan trọng đến an ninh lương thực, hàng năm cung cấp khoảng 90% lúa và 60% thủy sản phục vụ xuất khẩu. Ngoài ra, rừng ngập mặn trong vùng cũng có vai trò rất lớn về sinh thái, môi trường.

Tuy nhiên, vùng có địa hình trũng, thấp, đất đai phần lớn là phù sa mềm yếu, rất dễ tổn thương vì sạt lở và biến đổi khí hậu. Hiện, khu vực ĐBSCL có 562 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài gần 800 km, trong đó, có 57 khu sạt lở đặc biệt nguy hiểm với chiều dài 164km. Do sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất ngày càng nghiêm trọng nên mỗi năm mất từ 300 đến 500ha, khiến hàng chục nghìn hộ dân phải di dời khỏi vùng nguy hiểm.

An Giang là tỉnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng do sạt lở. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 điểm sạt lở, sụt lún  bờ sông, kênh rạch với chiều dài hơn 1km, ảnh hưởng tới 81 căn nhà, gây thiệt hại hơn 3,3 tỷ đồng.

Còn theo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Cà Mau, khoảng 10 năm trở lại đây, tỉnh mất khoảng 8.870ha rừng ven biển dẫn đến nguy cơ vỡ đê biển phía Tây. Mới đây, bờ biển phía Tây bị xói lở với chiều dài khoảng 57.000m, nhiều đoạn xói lở gây nguy cơ vỡ đê. Tại bờ biển phía Đông, chiều dài xói lở khoảng 48.000m, trong đó sạt lở rất nguy hiểm với tổng chiều dài 24.500m.

Gần đây, nhiều tỉnh ở ĐBSCL đã phải công bố tình trạng sạt lở khẩn cấp.

Thiếu phù sa, nguyên nhân gây sạt lở

Theo PGS.TS. Đinh Công Sản, Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống thiên tai (Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam), nguyên nhân sạt lở ở ĐBSCL là do phù sa từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về giảm mạnh, làm mất cân bằng hệ thống ven sông và ven biển.

Khai thác cát diễn ra ở nhiều nơi, hành lang sông chưa được quản lý một cách chặt chẽ, các công trình trên bờ sông và lưu lượng tàu thuyền có trọng tải lớn qua lại đã làm cho tình trạng sạt lở trở nên trầm trọng.

Các chuyên gia dự báo, đến năm 2020, lượng phù sa về ĐBSCL sẽ giảm từ 60 đến 65% so với năm 2017. Nếu theo tốc độ xây dựng hồ đập từ các nước thượng nguồn sông Mê Kông, thì đến năm 2040, lượng phù sa ở đây chỉ còn từ 3 đến 5%.

Trước đây, lượng phù sa từ sông Mê Kông đổ về ĐCSCL khoảng 73 triệu m3/năm, năm 2012 chỉ còn 42 triệu m3. Dự báo, khi 19 dự án hồ chứa (thượng nguồn sông Mê Kông) hoàn thành, lượng phù sa về ĐBSCL chỉ còn khoảng 10-15 triệu m3. Trước thực trạng trên, theo dự báo, đến cuối thế kỷ 21, khi nước biển dâng 1m, ĐBSCL sẽ có nguy cơ bị ngập 39%.

Triển khai nhiều giải pháp

Bàn về giải pháp, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng, chúng ta cần có công nghệ thiết thực để kiến nghị Trung ương, không bàn đến sạt đâu làm đó nữa mà làm đồng bộ suốt tuyến biển.

Còn theo ông Trần An Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, người dân cần thay đổi tập quán sinh sống ven sông, kênh rạch, hạn chế tải trọng đường bờ, tránh nguy cơ sạt lở. Quy hoạch lại dân cư, sắp xếp di dời dân vùng cảnh báo sạt lở vào các khu dân cư mới ở những vị trí có nền đất ổn định; quản lý chặt các hoạt động xây dựng của người dân sống ven sông, kênh rạch, các hoạt động giao thông thủy bộ...

Theo các chuyên gia, cần thiết phải nâng cấp và hiện đại hóa mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn và tài nguyên nước; giám sát biến động bùn, cát trên sông Mê Kông; kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, phòng, chống sạt lở bờ sông, nhất là việc khai thác cát, sỏi trên sông; khoanh vùng khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, hạn chế khai thác quá mức.

Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia sinh thái ĐBSCL, cho biết, quản lý, quy hoạch khai thác cát theo tinh thần liên tỉnh, liên kết vùng, vì khai thác cát ở một nơi sẽ ảnh hưởng toàn bộ dòng sông ở phía dưới và toàn bộ bờ biển. Các biện pháp mềm, biện pháp xanh cần cân nhắc. Biện pháp mềm phù hợp với tinh thần “thuận thiên” của Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu và chi phí thấp.

Các bộ, ngành hợp tác chặt chẽ với các nước thượng nguồn sông Mê Kông, để phát triển bền vững toàn lưu vực sông Mê Kông, nhất là việc xây dựng, vận hành điều tiết của các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn trong việc bảo đảm nguồn nước, hạn chế xâm nhập mặn, hạn chế suy giảm phù sa, nguồn lợi cho ĐBSCL…

Cùng với đó, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, thông tin, truyền thông và đào tạo kỹ năng phòng, chống thiên tai; kiểm soát an toàn trước thiên tai; lập và rà soát kế hoạch, quy hoạch đảm bảo yêu cầu về phòng, chống thiên tai; ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế trong quan trắc theo dõi, giám sát, chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai; nâng cao năng lực ứng phó tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trong thiên tai.

 

Ngày 27/9/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thị sát tuyến đê biển sạt lở tại Tiền Giang. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ giải quyết hoặc kiến nghị với Quốc hội giải quyết đủ vốn cho vấn đề sạt lở bờ biển, bờ sông với số vốn hơn 3.000 tỷ đồng trong 2 năm (năm 2019 - 2020) để cùng với số vốn đã giải quyết nhưng chưa giải ngân xong để hỗ trợ ĐBSCL.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Thanh Hóa: Hỗ trợ gạo cho đồng bào dân tộc, miền núi để bảo vệ, chăm sóc rừng

    Mới đây, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã quyết định xuất hơn 1.266,829 tấn gạo để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi Thanh Hóa đã có thành tích tốt trong công tác chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng.

  • Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Quảng Ngãi: Trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk cho các cháu học sinh

    Thường trực Tỉnh Hội, Đội Tình nguyện viên Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ngãi vừa trao tặng 1.050 hộp sữa Vinamilk 180ml cho 35 cháu học sinh điểm trường thôn Tà Vay thuộc trường mầm non Đăk Ra Pân, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây.

Top