Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 4 tháng 6 năm 2022 | 10:40

Để Hạc Giấy chắp cánh những ước mơ

Đến nay, nhóm thiện nguyện Hạc Giấy do chị Nhung thành lập đã giúp đỡ hơn 600 trẻ em mồ côi, khuyết tật, hoàn cảnh neo đơn... ở khắp các địa phương.

Nghị lực phi thường, ý chí nỗ lực vượt qua khiếm khuyết bản thân, người khuyết tật đã thắp lên những ánh sáng diệu kỳ của cuộc sống. Tài năng và bản lĩnh của họ khiến nhiều người lành lặn cũng phải thán phục, học hỏi.

Từ những ngày đầu...

Trong ánh nắng của buổi cuối chiều, chúng tôi tìm gặp người phụ nữ ngồi xe lăn Nguyễn Thị Nhung (sinh năm 1982) ở thôn Áng Thượng (xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, TP. Hà Nội) để nghe chị chia sẻ về nghị lực vươn lên chiến thắng số phận cũng như hoạt động của nhóm thiện nguyện Hạc Giấy do chị thành lập.

 

z3464867546967_16c478c9aec38933e7437c679e35a4fa.jpg
Đến nay, nhóm thiện nguyện Hạc Giấy do chị Nhung thành lập đã giúp đỡ hơn 600 trẻ em mồ côi, khuyết tật, hoàn cảnh neo đơn... ở khắp các địa phương.

 

Ngược dòng thời gian, chị Nhung cho biết, chị được sinh ra trong một gia đình thuần nông. Do ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố nên đến 3 tuổi, Nhung  vẫn không thể tự bò, tập đi được. Phát hoảng, gia đình đã cố gắng chạy vạy vay mượn đưa Nhung đến các bệnh viện lớn nhỏ thăm khám. Sau hàng loạt xét nghiệm, các bác sỹ chẩn đoán, Nhung bị mắc bệnh tạo xương bất hoàn (dân gian thường gọi là bệnh xương thủy tinh), tức là chị không có khả năng đi lại được suốt đời. Số phận nghiệt ngã với chị khi bắt chị phải gắn chặt cuộc đời mình với chiếc xe lăn.

Nói về “cơ duyên” của mình khi thành lập nhóm thiện nguyện Hạc Giấy, Nhung chia sẻ: Năm 2009, tôi được người bạn đưa đến thăm Trung tâm mái ấm Thanh Tâm Xuy Xá (huyện Mỹ Đức) – nơi nuôi dưỡng những trẻ em mồ côi, khuyết tật nặng. Trở về nhà, tôi suy nghĩ và trăn trở, thấy mình tuy ngồi xe lăn nhưng vẫn còn may mắn hơn rất nhiều người, vậy tại sao mình không làm một việc gì đó để giúp đỡ họ. Thế rồi, trong một lần tình cờ lướt mạng xã hội Facebook, tôi đã kết bạn và làm quen với anh Nguyễn Ngọc Quân, giáo viên Trường Trung học cơ sở Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) cũng bị khuyết tật ở 2 chân. Cuộc hạnh ngộ đặc biệt giữa hai người là cầu nối giúp cho hàng trăm số phận bất hạnh tìm được điểm tựa, tìm được hi vọng.

“Trong một lần tình cờ được làm việc với chị Nhung, tôi thấy cả hai chị em rất hợp nhau. Xuất phát từ hoàn cảnh cũng như thấu hiểu những vất vả mà người khuyết tật phải gánh chịu, tôi và chị Nhung bàn bạc và quyết định đứng ra thành lập nhóm Hạc Giấy. Với mong muốn đem lại may mắn, san sẻ những điều khó khăn cho những mảnh đời kém may mắn”, anh Nguyễn Ngọc Quân chia sẻ.

Năm 2015, chị Nhung là người đầu tàu khởi xướng thành lập nhóm thiện nguyện Hạc Giấy với phương châm: “Kết nối trái tim – Chia sẻ yêu thương”. Những ngày đầu, nhóm Hạc Giấy chỉ có 2 thành viên và 15 tình nguyện viên. Đến nay, sau 8 năm hoạt động, nhóm có 20 thành viên chính thức và 100 tình nguyện viên, cộng tác viên thường là các sinh viên, giáo viên và công nhân viên chức. Mỗi người một hoàn cảnh, một công việc khác nhau và ở những độ tuổi khác nhau nhưng tất cả đều chung một tấm lòng nhân ái, yêu thương, luôn nhiệt tình trách nhiệm, hết lòng sẻ chia, đem lại niềm vui và hạnh phúc đến cho các gia đình nghèo, những bệnh nhân, người già cô đơn, trẻ em khuyết tật, mồ côi và những người yếu thế trong cộng đồng.

Để duy trì, phát triển nhóm thiện nguyện Hạc Giấy từ con số 0 cho đến bây giờ là điều không hề dễ dàng. Chị Nhung và anh Quân phải làm việc với nhau rất nhiều lần để đưa ra được phương án làm sao duy trì được những hoạt động của nhóm được lâu dài, đều đặn nhất. Thời gian đầu, chị Nhung còn tham gia vào các tổ chức thiện nguyện khác để học hỏi cách thức vận hành, kêu gọi và tổ chức chương trình. Sau này, các đầu việc được thống nhất và chỉnh chu hơn.

Lan tỏa yêu thương

Trong quá trình lên đường thực hiện những chuyến thiện nguyện, nhóm Hạc Giấy đều gặp những khó khăn nhất định như thời tiết, phương tiện đi lại... Song không vì thế mà bỏ cuộc, chị Nhung cho biết, cứ nghĩ đến cảnh những người khó khăn cần được giúp đỡ là tôi quên hết mệt mỏi. “Có hôm đi về, tôi ốm ngay nhưng chúng tôi vẫn đi, đi nhiều thành ra nghiện”, Nhung kể.

 

z3464867643297_72a4c2248841ff1c0ce3e04085d5737a.jpg
Do phụ thuộc vào chiếc xe lăn từ nhỏ nên mỗi lần di chuyển đi trao quà cho các hoàn cảnh làm chị Nhung gặp rất nhiều khó khăn.

 

Mỗi người trong nhóm đều có công việc riêng, đồng lương cũng có hạn nên mỗi chuyến đi đều phải được chuẩn bị từ trước. Tùy thuộc vào mục đích của từng chuyến đi, nhóm sẽ có kế hoạch để quyên góp, thực hiện các chương trình bán bút bi, sách vở, bao lì xì vào dịp Tết, truyện tranh... để xung quỹ thực hiện chương trình.

Nhóm Hạc Giấy có trang fanpage, mọi thông tin về đối tượng cần giúp đỡ đều được chia sẻ. Việc quyên góp, ủng hộ, trao quà đều được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng, địa chỉ. “Trường hợp nhận được sự giúp đỡ đều được xác minh rõ ràng, minh bạch”, chị Nhung nói.

Ngoài việc giúp đỡ những gia đình khó khăn hàng tháng, đột xuất, nhóm Hạc Giấy thường xuyên tổ chức 2 chương trình lớn: tặng học bổng vào dịp năm học mới và tặng quà vào dịp Tết nguyên đán. Từ năm 2015 đến nay, nhóm đã vận động được gần 8.000 lượt ủng hộ của các nhà hảo tâm với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng để giúp hơn 600 trẻ em trên địa bàn huyện Mỹ Đức có tiền điều trị bệnh hiểm nghèo, tặng xe đạp mới và nhiều em học sinh được học bổng Hạc Giấy từ 3 – 40 triệu đồng. Ngày 17/10/2021, nhóm tổ chức chương trình “Vui cùng em đến trường 2021”, mua tặng 4 em: Bùi Ngọc Trinh,Vũ Thị Hà, Hoàng Gia Bảo, Cao Thị Hậu Giang mỗi em 1 chiếc điện thoại Samsung trị giá 3.290.000 đồng/chiếc. Ngày 22/10/2021, nhóm đến thăm nhà và tặng học bổng cho em Đỗ Thùy Linh, học sinh lớp 11A1, Trường Trung học phổ thông Mỹ Đức B trị giá 3 triệu đồng; tháng 7/2021, nhóm tổ chức đến trao tặng anh Nguyễn Văn Tân bị bệnh bại não do ảnh hưởng chất độc da cam ở xã Hồng Sơn quyển sổ tiết kiệm trị giá 12 triệu đồng. Trong số đó, tiêu biểu có 3 học sinh tại huyện Mỹ Đức có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn được nhóm Hạc Giấy bảo trợ số tiền 500.000 đồng/tháng: bé Nguyễn Thị Quỳnh Trang (sinh năm 2018) ở xã Tuy Lai, cháu Đinh Quang Ngọc (sinh năm 2009) ở xã Lê Thanh và cháu Nguyễn Mạnh Quang (sinh năm 2012) ở xã Hợp Tiến.

Là thành viên hoạt động tích cực trong nhóm Hạc Giấy, cô Tăng Thị Hương chia sẻ: “Mỗi một dự án thiện nguyện được thực hiện, tôi và các thành viên của nhóm ai cũng lo lắng, hồi hộp nhưng nhanh chóng vỡ òa vui mừng khi chuyến đi kết thúc trọn vẹn lan tỏa được yêu thương, kêu gọi được tinh thần tương thân tương ái”. 

Là thủ lĩnh của nhóm thiện nguyện Hạc Giấy, chị Nhung luôn truyền ngọn lửa nhiệt huyết đến các thành viên. Bên cạnh đó, nhóm luôn trân trọng sự ủng hộ số tiền dù ít hay nhiều từ những người bán vé số, chạy xe ôm đến những nhà hảo tâm lớn. Làm việc thiện xuất phát từ cái Tâm trong sáng, luôn vì người khó khăn yếu thế, không toan tính vụ lợi, dần dần nhóm Hạc Giấy khẳng định được chỗ đứng, niềm tin yêu của người dân gần xa, các tình nguyện viên và để các nhà hảo tâm gửi gắm tình cảm, sự sẻ chia đến ngày càng nhiều mảnh đời kém may mắn.

“Nhóm Hạc Giấy mong muốn góp một phần nhỏ bé đúng với tên gọi của nó là đem lại những điều tốt đẹp, may mắn và bình an đến với những người yếu thế trong cộng đồng. Nhóm có nhiều cách để vận động, quyên góp giúp đỡ các hoàn cảnh. Từ những cách thức đó, tôi thấy trong mỗi người đều luôn muốn được làm việc thiện và quan trọng nhất là nhóm Hạc Giấy phải tạo được uy tín, lòng tin để được mọi người ủng hộ. Từ những việc làm của nhóm, tôi thấy tinh thần làm từ thiện đã có sức lan tỏa, đặc biệt là đối với các bạn trẻ. Không chỉ chờ giàu có mới làm từ thiện, mỗi chúng ta có thể đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho xã hội”, chị  Nhung bộc bạch.

Với những đóng góp của bản thân và nhóm thiện nguyện Hạc Giấy, năm 2019, chị Nhung vinh dự được UBND TP. Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt - việc tốt”; Bằng khen của Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam về gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được vinh danh trong chương trình Tỏa sáng - Nghị lực Việt năm 2020.

 

 

Trần Toản
Ý kiến bạn đọc
Top