Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 28 tháng 7 năm 2022 | 11:48

Để mùa bánh Trung thu 2022 thật sự an toàn

Phải còn 1,5 tháng nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng nhiều DN sản xuất bánh Trung thu có tiếng đã dựng các kiốt để bán sản pẩm. Thời điểm này cũng là lúc các loại bánh Trung thu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo VSATTP được tung ra thị trường.

Do đó, các lực lượng chức năng cần vào cuộc để kiểm tra và xử lý các loại bánh Trung thu lậu, bánh không rõ nguồn gốc, bánh không đảm bảo ATTP. Và người tiêu dùng cũng cần thận trọng khi lựa chọn mua sản phẩm, tránh "tiền mất, tật mang".
 
Bánh lậu bắt đầu xuất hiện
 
Vừa qua, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã kiểm tra một cửa hàng kinh doanh tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, qua đó phát hiện và tạm giữ hơn 5.000 bánh trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. 
 
87d97a566718b8038fae1d33c8e195ef.jpg
Bánh trung thu không rõ nguồn gốc tại cửa hàng kinh doanh ở xã La Phù, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội bị lực lượng chức năng thu giữ ngày 6/7 vừa qua.
 
Kiểm tra cửa hàng kinh doanh của hộ kinh doanh Phan Thị Nhàn, tại xóm Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện 5.100 chiếc bánh trung thu do nước ngoài sản xuất, nhãn chữ bằng tiếng nước ngoài. Bà Phan Thị Nhàn - chủ cơ sở kinh doanh không xuất trình được hóa đơn theo quy định.
 
Theo ghi nhận ban đầu, số hàng hóa này bà Nhàn mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời. Hàng hóa không có hóa đơn chứng từ. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiếp tục xác minh, làm rõ.
 
Những năm trước vào thời điểm này bánh trung thu không rõ nguồn gốc xuất sứ, bánh nhập lậu, liên tục bị các lực lượng chức năng kiểm tra và thu giữ vpis số lượng tương đối.
 
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên giảng viên Viện công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, theo nguyên tắc, các sản phẩm nhập khẩu bắt buộc phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Do đó, với các sản phẩm không nhãn phụ, không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc giá rẻ thì người tiêu dùng cần cân nhắc khi mua.
 
Cũng theo chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh: "Khi mua bất kể loại hàng hóa nào, đặc biệt là thực phẩm ăn trực tiếp như bánh trung thu, cần quan tâm đến nhãn mác và thành phần sản phẩm. Nếu nhà sản xuất không đưa các thông tin đó lên bao bì sản phẩm thì tuyệt đối không mua, bởi có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe".
 
Ngoài ra, nếu nhân bánh không đảm bảo còn có thể gây ngộ độc cấp tính như đau bụng, buồn nôn, nguy hiểm hơn nó còn tích tụ dần vào cơ thể gây ảnh hưởng cho sức khỏe sau này, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
 
 
trungthu1.jpg
Bánh Trung thu trên phố Thụy Khuê

 

Tại Hà Nội, các làng nghề sản xuất bánh trung thu Xuân Tảo, Xuân Đỉnh (quận Bắc từ Liêm), phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ), các cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống cũng bắt đầu bày bán bánh phục vụ người tiêu dùng, bánh trung thu truyền thống được sản xuất cũng bắt đầu xuống phố.
 
Thị trường bánh trung thu làng nghề đang rục rịch vào mùa thì các hãng bánh trung thu cũng bắt đầu xuống phố. Tại các tuyến phố Cầu Giấy, Ngọc Khánh, Dương Đình Nghệ… các thương hiệu bánh trung thu, đặc biệt là bánh Kinh Đô đã xuất hiện gian trưng bày, bán sản phẩm.
 
Thời điểm này các cơ quan quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm, cần phải ra quân để kiểm tra việc sản xuất bánh tại các cơ sở, các doanh nghiệp để bảo đảm một mùa trung thu an toàn.
 
Để có một mùa Trung thu an toàn
 
UBND phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm)  vừa ban hành kế hoạch về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2022 trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 29/7 đến ngày 21/9, UBND phường sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm bánh trung thu; tăng cường tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm và biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.
 
 
kiem-tra-an-toan-thuc-pham-1.jpg
Các lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở sản xuất bánh trung thu.

 

Tương tự, quận Nam Từ Liêm cũng thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguyên liệu làm bánh trung thu tại các cơ sở sản xuất. UBND quận cũng phối hợp với các đoàn thanh tra an toàn thực phẩm thành phố kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bảo đảm các loại bánh tới tay người tiêu dùng phải an toàn.
 
Việc bảo đảm chất lượng thực phẩm cũng được UBND quận Tây Hồ triển khai nghiêm túc. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Hương, quận Tây Hồ đã lên kế hoạch và sẽ kiểm tra an toàn thực phẩm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu từ tháng 8/2022. Trước mùa trung thu, quận tổ chức tập huấn, cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở, yêu cầu chuẩn bị trang phục cho người sản xuất bánh gọn gàng, sạch sẽ, nguồn gốc thực phẩm, nhập nguyên liệu phải được chứng minh qua hóa đơn, phiếu thu từ các địa chỉ rõ ràng, uy tín... các công đoạn sản xuất đều có khu vực riêng và thông thoáng. Quận cũng tổ chức khám sức khỏe cho người lao động tại các cơ sở sản xuất này.
 
Được biết, trước khi các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh trung thu bước vào vụ chính, các cơ quan chức năng đã có kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, yêu cầu thực hiện đúng quy trình làm bánh trung thu an toàn. Dự kiến, trong tháng 8/2022, các đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện, thị xã, thành phố sẽ đồng loạt kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất bánh trung thu tại Hà Nội để giám sát chất lượng sản phẩm, nhanh chóng phát hiện và loại bỏ những sản phẩm không an toàn cho người tiêu dùng, vì một Tết Trung thu an toàn.
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top