Bộ Giáo dục và Đào tạo đang dự thảo Thông tư ban hành Chương trình làm quen với tiếng Anh dành cho trẻ em mẫu giáo (Chương trình). Chương trình chỉ áp dụng thực hiện tại các cơ sở giáo dục mầm non đáp ứng các yêu cầu quy định và sự tự nguyện của gia đình
Chương trình này giúp trẻ được trải nghiệm, hứng thú với tiếng Anh; hướng tới hình thành và phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh; chuẩn bị tốt cho việc học tiếng Anh ở bậc tiểu học; tạo cơ hội cho trẻ tiếp xúc các nền văn hóa khác.
Chương trình được xây dựng theo quan điểm giáo dục “lấy trẻ làm trung tâm”. Các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tạo điều kiện cho trẻ được trải nghiệm, tìm tòi, khám phá môi trường xung quanh dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu, hứng thú của trẻ theo phương châm giáo dục “chơi mà học, học bằng chơi”, được lồng ghép tích hợp thông qua các hoạt động giáo dục và giao tiếp trong các ngữ cảnh và hoạt động gần gũi, có ý nghĩa.
Mục tiêu đặt ra là khi hoàn thành Chương trình, trẻ có thể: Nghe hiểu được một số từ, cụm từ và câu quen thuộc; nghe hiểu và có phản hồi phi ngôn ngữ hoặc trả lời ngắn gọn trong các tình huống giao tiếp đơn giản, quen thuộc với lứa tuổi; tô màu được một số biểu tượng, kí hiệu, chữ cái theo hướng dẫn bằng tiếng Anh; mạnh dạn và tự tin trong giao tiếp.
Giáo viên người Việt Nam đủ điều kiện tham gia tổ chức hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen tiếng Anh khi đáp ứng được một trong các tiêu chuẩn sau: Có bằng cao đẳng trở lên các ngành Sư phạm Tiếng Anh, Ngôn ngữ Anh, Tiếng Anh; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về Nghiệp vụ sư phạm Giáo dục mầm non hoặc Phương pháp cho trẻ làm quen tiếng Anh do các trường cao đẳng, đại học có đào tạo giáo viên mầm non tổ chức…
Về giáo viên người nước ngoài, đối với giáo viên người bản ngữ: Cần có bằng cao đẳng trở lên, có chứng chỉ giảng dạy tiếng Anh được công nhận; đã hoàn thành chương trình bồi dưỡng chuyên môn về Nghiệp vụ sư phạm Giáo dục mầm non...
Xu hướng cho trẻ em làm quen với tiếng Anh sớm, ở độ tuổi mầm non (từ 3 đến 6, 7 tuổi), ngày càng trở nên phổ biến ở các nước Châu Á, đặc biệt ở các nước Đông Nam Á.
Ở Việt Nam, nhu cầu của phụ huynh trong việc cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh có xu hướng tăng nhanh. Theo số liệu khảo sát trực tuyến do Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia thực hiện, tính đến tháng 4 năm 2018, cả nước có hơn 75% các trường mầm non công lập và hơn 20% các trường ngoài công lập đang tổ chức các hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh tại trường, tăng 20,3% so với năm 2017, 26,4% so với năm 2016 và 30,5% so với trước năm 2015.
Riêng ở thành phố Hà Nội, có trên 49.980 trẻ mẫu giáo tại 396 trường mầm non thuộc địa bàn 12 quận, huyện trong thành phố đang thí điểm tổ chức các hoạt động cho trẻ mẫu giáo làm quen với tiếng Anh.
Nhìn chung, theo đánh giá của nhà trường và phụ huynh, hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh đang được thực hiện tốt, có sự đầu tư về cơ sở vật chất, nội dung, phương pháp và đội ngũ giáo viên. Trẻ tham gia các hoạt động làm quen với tiếng Anh một cách thích thú, nhẹ nhàng, qua đó góp phần phát triển nhận thức, kĩ năng và sự tự tin trong giao tiếp.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.