Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 4 tháng 8 năm 2022 | 19:6

Đề xuất nhiều giải pháp để hàng hoá giảm giá theo xăng

Các chuyên gia cho rằng, phải sử dụng sức mạnh của hệ thống chính trị, ngoài biện pháp hành chính, còn huy động hiệp hội bán lẻ, Mặt trận Tổ quốc, hiệp hội, các chợ, khu phố, làm sao người buôn bán tự giác giảm một phần theo tiến độ giảm giá xăng dầu.

Tại tọa đàm “Xăng dầu giảm giá, hàng hoá không giảm - Thực trạng và giải pháp” diễn ra vào chiều 4/8, liên quan tới câu chuyện neo giá theo giá xăng và không chịu giảm khi giá xăng xuống dường như là câu chuyện không hề mới mẻ. Ngoài những đề xuất của cơ quan chức năng. Giải pháp để có thể ngăn chặn từ xa tình trạng này?

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho biết, tôi nhất trí giải pháp các bộ ngành thực hiện Công điện 679 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay giảm giá xăng dầu mạnh, nhưng mặt bằng giá thị trường đứng yên hoặc chỉ giảm chút ít. Vấn đề giá có phạm vi rộng, ngoài kinh tế và kỹ thuật, theo tôi nên có thêm các giải pháp khác.

Trước tiên là vấn đề cung cầu hàng hoá, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, nhất là giảm các khâu trung gian. Ví dụ, 1 kg thịt lợn trang trại bán lẻ tăng giá lên tới 170% do các khâu trung gian. Đó là yếu tố tồn tại lâu rồi, phải khắc phục để giải quyết bài toán giá.

 Chuyên gia Vũ Vinh Phú.

 

Phải sử dụng sức mạnh của hệ thống chính trị, ngoài biện pháp hành chính, còn huy động hiệp hội bán lẻ, hiệp hội (DNVVN), Mặt trận Tổ quốc, các chợ, khu phố, làm sao những người buôn bán tự giác giảm một phần theo tiến độ giảm giá xăng dầu, chia sẻ khó khăn chung với xã hội.

Nếu làm giải pháp đồng bộ, thì các chỉ đạo của Chính phủ sẽ được triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống, bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát khoảng 4%. Công tác tổ chức thực hiện là quan trọng.

Theo chuyên gia Cấn Văn Lực, cần tính cả 2 nhóm giải pháp, bao gồm trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính bền vững chính sách.

Thứ nhất, tôi đồng tình với ông Phú, phải có giải pháp đồng bộ, đặc biệt không nên phản ứng thái quá câu chuyện về giá cả. Hai là, làm rõ nguyên nhân cụ thể, tăng cấu phần giá, giáo dục, công nghệ thông tin (CNTT), viễn thông giảm… Có 3 nhóm mặt hàng khiến chỉ số CPI tăng nhanh mạnh vừa qua, chiếm đến 80%.

Trong đó, thứ nhất là nhóm hàng giao thông vận tải, chiếm tới 55%, về cơ bản do giá xăng dầu tăng. Thứ hai là lương thực thực phẩm tăng 13% tổng mức tăng CPI. Thứ ba là nhà ở vật liệu xây dựng…

Công điện 679 của Thủ tướng về cơ bản đã xử lý trúng các nhóm này (chiếm 80% tác động vào việc tăng chỉ số CPI) chứ không xử lý dàn trải.

Về câu chuyện thanh tra kiểm tra giám sát, sẽ phải làm mạnh hơn nhưng không thể làm hết, không thể làm triệt để nếu ý thức của người dân và DN chưa vào cuộc. Cần tăng cường thêm ý thức cả DN và người dân, ngoài truyền thông, phải tạo văn hoá kinh doanh, đạo đức kinh doanh của Việt Nam cả trước mắt và lâu dài.

Người dân hoàn toàn có quyền phản ánh về việc giá cả gia tăng. Tuy nhiên, bối cảnh này, Nhà nước, doanh nghiệp, người dân thực hành tiết kiệm, tiết kiệm tốt cũng là một biện pháp phòng chống lạm phát tốt. Ta hy vọng thời gian tới với việc giá cả xăng dầu thế giới, lương thực thực phẩm đi theo chiều hướng dịu hơn. Chúng ta không nên lo lắng thái quá với lạm phát mà không dám làm gì.

 Chuyên gia Cấn Văn Lực đưa ra 2 nhóm giải pháp để giảm hoá hàng hoá theo xăng.

 

Nếu siết chặt có thể khiến kinh tế đình trệ, thiếu nguồn cung về lâu dài lại khiến giá tăng. Ở Việt Nam, tâm lý lạm phát quan trọng. Do đó, việc truyền thông rất quan trọng, giúp giảm bớt tâm lý lạm phát, té nước theo mưa.

Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT, tôi đồng ý cao với các chuyên gia. Thực hiện quản lý giá cơ bản theo đinh hướng thị trường XHCN, bảo đảm yếu tố cân đối vĩ mô có sự tăng trưởng, bảo đảm đời sống người dân, hài hòa lợi ích của DN, đôi bên cùng có lợi.

Tôi đồng tình với ý kiến các chuyên gia về việc cần bảo đảm nguồn cung, cốt lõi là làm sao đáp ứng đủ nguồn cung cho thị trường.Ví dụ trong vận tải, cung phương tiện ít, nhu cầu vận tải lớn, dù kêu gọi áp dụng mệnh lệnh hành chính thì chỉ tác dụng nhất định. Quan trọng là làm sao đáp ứng cung đủ cầu, lúc đó tự thị trường điều tiết.

Thứ hai, yếu tố quan trọng là không chỉ cơ quan hành chính mà các DN cần phải vào cuộc, bảo vệ người tiêu dùng thì hiệp hội người tiêu dùng lên tiếng, hiệp hội vận tải lên tiếng. Không chỉ vì quyền lợi của DN vận tải mà đôi khi tuyên truyền các DN vận tải nhận thức về trách nhiệm chung. Vừa rồi các cơ quan báo đài tuyên truyền tích cực và đã có tác dụng tích cực tới thị trường.

Bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), tôi đồng tình với các ý kiến, các giải pháp đưa ra phù hợp diễn biến thị trường hiện nay.

Trả lời câu hỏi, trước tình trạng giá cả hàng hoá neo cao, Bộ Tài chính đã và đang có những đề xuất gì để có thể giải quyết luôn được tình trạng này?

Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Đinh Thị Nương cho biết, trước việc giá xăng dầu giảm trong thời gian vừa qua và giá nhiều mặt hàng có xu hướng neo cao, Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý điều hành giá và đã trình Chính phủ ban hành công điện chỉ đạo các bộ ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả dịch vụ khi giá xăng dầu giảm trong các kỳ điều hành vừa qua.

Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đã và đang trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ không pha chì nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng và đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.

 Bà Đinh Thị Nương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính).

 

Thứ hai là tăng cường việc tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu, trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu các đơn vị thực hiện kê khai giá kịp thời để giảm giá.

Thứ ba, đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu chịu ảnh hưởng gián tiếp từ xăng dầu và có tác động đến cái chỉ số CPI cũng như ảnh hưởng đến đời sống của người dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục theo dõi diễn biến giá cả thị trường và tổ chức nắm bắt tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh của các tổ chức sản xuất kinh doanh để có biện pháp điều hành giá và bình ổn giá phù hợp.

Về dự báo tình hình giá cả các mặt hàng thiết yếu từ nay đến cuối năm như thế nào? Có mặt hàng nào cần đưa vào nhóm hàng cần bình ổn giá?

Bà Đinh Thị Nương dự báo đến cuối năm với các mặt hàng thiết yếu, tôi thấy cũng có những dự báo biến động phức tạp khó lường do các nguyên nhân chủ yếu sau.

Thứ nhất là giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, các nguyên liệu như xăng dầu, vật tư công nghiệp rồi các mặt hàng nguyên vật liệu nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước và các mặt hàng khác, giá sẽ có những biến đổi phức tạp.

Thứ hai là việc thực hiện lộ trình giá thị trường với mặt hàng Nhà nước quản lý theo Nghị định 60 của Chính phủ, giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ GTVT, giáo dục dạy nghề. Thứ ba là nguy cơ tiềm ẩn từ dịch bệnh, thiên tai lũ lụt vẫn có thể xuất hiện và xảy ra, gây khó khăn trong chuỗi cung ứng dịch vụ.

Và tôi hy vọng với sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 679 và sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, UBND tỉnh và các doanh nghiệp, năm 2022, Chính phủ sẽ hoàn thành chỉ tiêu kiểm soát lạm phát mục tiêu đề ra là 4%.

Từ nay đến cuối năm, có cần đưa rõ những mặt hàng nào vào danh mục dịch vụ nhập giá hay không, tôi thấy rằng việc đưa mặt hàng nhập giá thì trước hết, Bộ Tài chính, các bộ quản lý ngành tập chung đôn đốc, tích cực đánh giá, nắm bắt tình hình giá cả thị trường và chuẩn bị các phương án, các kịch bản dự báo để tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đưa ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Trường hợp có mặt hàng biến động giá lớn thì căn cứ các pháp luật về giá, Bộ Tài chính sẽ chủ trì phối hợp với bộ quản lý chuyên ngành tham mưu cho Chính phủ, báo cáo Quốc hội đưa những mặt hàng đó vào danh mục bình ổn giá.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top