Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 23 tháng 4 năm 2016 | 9:12

Hà Nội - Bắc Giang hợp tác tiêu thụ sản phẩm

Vải thiều Lục Ngạn, mỳ Chũ, gà đồi Yên Thế…, những đặc sản của tỉnh Bắc Giang vốn không còn xa lạ với người tiêu dùng Thủ đô. Nhưng hiện nay, việc tiêu thụ những sản phẩm này chưa tương xứng với tiềm năng, nhiều sản phẩm chưa đưa được vào các siêu thị, kênh phân phối hiện đại của Hà Nội. Đây chính là lý do để Hà Nội ­- Bắc Giang bắt tay nhau hợp tác nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.

Sản phẩm gà đồi Yên Thế được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng.

Bắc Giang nằm ở vùng trung chuyển, tiếp giáp với trung du miền núi phía Bắc, chỉ mất khoảng 1 giờ xe chạy tới Hà Nội. Với tiềm năng phát triển nông nghiệp, người dân cần cù sáng tạo, Bắc Giang có nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực, được thị trường trong và ngoài nước biết đến như vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, bánh đa Kế, mỳ Chũ,… Trong khi đó, Hà Nội lại là thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhu cầu được sử dụng những sản phẩm an toàn của người dân là vô cùng bức thiết; khoảng cách giữa hai địa phương tương đối gần, vì vậy, việc xây dựng chuỗi kết nối, tiêu thụ sản phẩm là hết sức cần thiết, nhằm thúc đẩy hai địa phương tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, đưa các sản phẩm chủ lực vào chuỗi siêu thị, chợ truyền thống.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, cho biết, thực tế, Hà Nội và Bắc Giang đã có nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm thế mạnh của hai địa phương như: Tổ chức buổi làm việc kết nối cung cầu sản phẩm mang thương hiệu gà đồi Yên Thế tháng 12/2014; tổ chức hội nghị đánh giá kết quả tiêu thụ vải thiều trong 2 năm 2014, 2015. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Hà Nội và Bắc Giang cũng chủ động liên hệ, gặp gỡ, kết nối khai thác sản phẩm như Tổng công ty Thương mại Hà Nội hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gà đồi Yên Thế, thịt gia súc gia cầm với sản lượng bình quân 1,5 tấn/tháng; mỳ Chũ khoảng 0,5 tấn/tháng… Hệ thống siêu thị Co.opmart, Fivimart, Intinex, BigC,… hỗ trợ tiêu thụ vải thiều, gà đồi, mỳ Chũ,… Đến nay, các sản phẩm chủ lực của Bắc Giang đều đã có mặt tại các siêu thị lớn trên địa bàn TP.Hà Nội.

Lục Ngạn là một trong những địa phương của tỉnh Bắc Giang có nhiều nông sản cung cấp cho thị trường Thủ đô. Điều đáng ghi nhận là, người dân ngày càng quan tâm đến uy tín và chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, cho biết, hiện, vải thiều Lục Ngạn đã được cấp chỉ dẫn địa lý và có thương hiệu, đã có 10.500ha vải thiều được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; năm 2015, đã có những lô vải đầu tiên được xuất sang thị trường Hoa Kỳ. Ngoài vải thiều, Lục Ngạn còn có sản phẩm từ các cây có múi như bưởi Diễn, cam Canh… với diện tích gần 2.000ha; hơn 1.000 hộ tham gia sản xuất mỳ Chũ; 550 hộ nuôi ong… Vì vậy, nếu được kết nối với các doanh nghiệp, ký hợp đồng tiêu thụ thì Lục Ngạn sẽ có nhiều cơ hội giới thiệu các đặc sản của địa phương.

Trước mắt, năm 2016, triển khai thực hiện các chương trình sau: Chương trình “Tuần lễ vải thiều Lục Ngạn tại Hà Nội”, thời gian dự kiến vào trung tuần tháng 06/2016; chương trình “Ngày hội trái cây Lục Ngạn - Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tại Bắc Giang, thời gian tổ chức vào tháng 11/2016.

Theo ông Vũ Trí Hải, Chủ tịch UBND huyện Yên Thế, dù sản phẩm gà đồi Yên Thế được người dân Hà Nội quan tâm nhưng hiện vẫn chưa có đặc điểm nhận dạng sản phẩm. Vì vậy, trong thời gian tới, huyện sẽ kẹp chì đối với gà lông, dán tem, nhãn mác rõ ràng đối với gà giết mổ để truy xuất được nguồn gốc của gà đồi Yên Thế.

Với mục đích hỗ trợ sản xuất, mở rộng thị trường, đa dạng các kênh phân phối, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của hai địa phương, UBND TP.Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Giang đã ký kết chương trình liên kết hợp tác tạo liên kết chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa chủ lực giữa TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, hàng năm giữa hai bên sẽ tập trung xây dựng liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; lựa chọn một số sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh Bắc Giang, được sản xuất theo quy trình an toàn sinh học, VietGAP, GlobalGAP, có nguồn cung ổn định để cung ứng cho thị trường Hà Nội; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu sản phẩm hàng hóa giữa hai địa phương.

Bà Trần Thị Phương Lan cho biết thêm, TP.Hà Nội sẽ hỗ trợ Bắc Giang một số địa điểm bán hàng với không gian diện tích phù hợp để trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm nông sản, hàng hóa an toàn của Bắc Giang phục vụ người dân Thủ đô; tạo điều kiện cho một số xe dưới 5 tấn chở hàng nông sản Bắc Giang được lưu thông trên địa bàn thành phố vào những khung giờ thích hợp để kịp thời cung ứng hàng hóa tới các điểm bán hàng.

Theo ông Dương Văn Thái, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, việc hợp tác, phát triển tiêu thụ sản phẩm chủ lực của TP.Hà Nội và tỉnh Bắc Giang sẽ giúp trả lời câu hỏi của người dân Hà Nội là mua thực phẩm an toàn ở đâu hay nông dân Bắc Giang sản xuất thực phẩm an toàn bán ở đâu. Trong hoạt động hợp tác này, Bắc Giang xác định để tạo ra sản phẩm an toàn, cần bắt đầu từ khâu tổ chức sản xuất. Bên cạnh đó, cùng với việc xây dựng thương hiệu nông sản, Bắc Giang sẽ đẩy mạnh việc dán tem, nhãn mác nhằm thực hiện việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. “Với khoảng cách gần, giao thông thuận lợi, đây là cơ hội tốt để tổ chức, doanh nghiệp 2 địa phương giao lưu tìm kiếm cơ hội, liên kết cung ứng các sản phẩm thế mạnh, đặc biệt là nông sản sạch, an toàn khi vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đang được người dân rất quan tâm”, ông Thái nói.

Ông Nguyễn Doãn Toản, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, cho biết: UBND sẽ giao Sở Công Thương Hà Nội chủ trì, phối hợp xây dựng kế hoạch chi tiết hàng năm, giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị chức năng, phản ánh kịp thời các khó khăn vướng mắc để lãnh đạo TP.Hà Nội và tỉnh Bắc Giang nắm bắt, tháo gỡ kịp thời. Mặt khác, để việc hợp tác được bền vững, ông Toản cũng đề nghị tỉnh Bắc Giang cần tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm có chất lượng, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.

“Để nông sản của Bắc Giang được tiêu thụ bền vững, lâu dài tại Hà Nội thì đây phải là các sản phẩm tốt, an toàn, có thương hiệu, phù hợp với thị hiếu... Việc ký kết lần này thể hiện trách nhiệm với tinh thần Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội với mục đích rất cần thiết là cung cấp các sản phẩm an toàn, chất lượng cao liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân”, ông Toản nói.

Theo kế hoạch hợp tác, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm hàng hóa chủ lực giữa TP.Hà Nội và tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016  - 2020, hàng năm giữa hai tỉnh, thành phố xây dựng liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ; lựa chọn một số sản phẩm nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh Bắc Giang, được sản xuất theo quy trình an toàn sinh học, VietGAP, GlobalGAP, có nguồn cung ổn định để cung ứng cho thị trường Hà Nội. Tổ chức các chương trình đưa sản phẩm hàng hóa của Hà Nội tiêu thị tại thị trường Bắc Giang; tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá về các sản phẩm hàng hóa chủ lực của hai địa phương; tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung  - cầu.

Khánh Nguyên

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top