Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 8 năm 2017 | 4:42

Dịch sốt xuất huyết: Diễn biến phức tạp

Dịch sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khiến các bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải. Riêng Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phải dành hội trường và kê bàn khám ngoài hành lang để điều trị cho người bệnh.

Bệnh nhân nhập viện do sốt xuất huyết vẫn gia tăng.

Bệnh viện quá tải

Hội trường lớn tầng 6 của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã được dọn bàn ghế để kê 20 giường bệnh cho các bệnh nhân vào điều trị. Theo các bác sĩ, ưu tiên hàng đầu là dành các vị trí phòng làm việc của bác sĩ, hành lang, phòng hội trường để tập trung điều trị cho bệnh nhân sốt xuất huyết khi số lượng bệnh nhân ngày một gia tăng.

Tại Khoa Viêm gan, Khoa Nhi... (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cũng kê thêm nhiều giường bệnh cho các bệnh nhân. Tại đây, các bác sĩ làm việc ngoài hành lang, nhường phòng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, vì quá tải nên nhiều bệnh nhân phải nằm ngoài hành lang.

GS.TS. Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, hơn một tháng qua, mỗi ngày bệnh viện có tới 800 - 1.000 bệnh nhân tới khám vì có biểu hiện sốt xuất huyết. Vì điều kiện giường bệnh có hạn, chỉ khoảng 40 bệnh nhân, trong số đó được nhập viện điều trị nội trú khi có những dấu hiệu biến chứng.

Chia sẻ với chúng tôi, anh Lương Văn Dũng, trú tại phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, anh nhập viện do bị sốt xuất huyết. Theo anh Dũng, anh bị sốt cao 39,5 độ C. Do bị biến chứng, anh bị liệt hai tay hai chân và phải nhập viện Bạch Mai cấp cứu, sau đó, được chuyển sang Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương. Sau vài ngày điều trị, tay chân anh đã có thể cử động được.

Anh Dũng cũng cho hay, gia đình anh có 4 người thì anh và con gái 10 tuổi đều mắc sốt xuất huyết. Con gái anh điều trị tại Bệnh viện Thanh Nhàn được khoảng 10 ngày nay.

“Bị sốt xuất huyết, cảm giác rất mệt mỏi, người thân phải lau người liên tục để hạ nhiệt do sốt cao. Ngõ nhà tôi có 15 hộ dân thì hơn 10 người bị sốt xuất huyết”, anh Dũng chia sẻ.

Các y - bác sĩ không có ngày nghỉ

Bà Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Ban phòng chống dịch bệnh của bệnh viện đi làm 7 ngày trong tuần, không có ngày nghỉ, đồng thời huy động toàn bộ đội ngũ nhân viên y tế làm việc thêm giờ. Tất cả bác sĩ, điều dưỡng được cử đi học nâng cao tay nghề, bác sĩ đi công tác, đi giảng dạy ở cơ sở đều được điều động về bệnh viện tập trung điều trị cho bệnh nhân.

Bệnh nhân phải nằm cả ra ngoài hành lang.

“Về cơ sở y tế, bệnh viện đã phải huy động toàn bộ khoảng trống, kê giường ngoài hành lang, rút bớt phòng bác sĩ, giải tán khu vực hội trường để đón tiếp bệnh nhân. Quy trình khám chữa bệnh giảm thiểu các bước để bệnh nhân được khám sốt xuất huyết nhanh nhất có thể”, bà Ninh thông tin.

Theo bà Ninh, thay vì 6 phòng khám sốt xuất huyết, hiện tại bệnh viện được tăng cường lên 10 phòng. Bệnh viện kê giường bệnh ở hội trường để chăm sóc ban ngày cho bệnh nhân, nếu số lượng bệnh nhân tăng lên sẽ tiếp tục tìm một số vị trí khác để giải quyết chăm sóc ban ngày, tránh trường hợp bị sốc vì truyền nước tại các cơ sở, phòng khám tư.

Cũng theo bà Ninh, năm nay dịch sốt xuất huyết diễn biến rất nhanh và đến sớm. Trong tháng 6 số lượng bệnh nhân tăng đột biến, đến tháng 7-8 đã tăng 100-200 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khuyến cáo, trong mùa dịch SXH như hiện nay, khi bỗng nhiên sốt cao 39 - 40 độ C, người dân cần phải chú ý đi khám, theo dõi tại nhà để kịp thời được phát hiện nguy cơ sốt xuất huyết, các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm.

 

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào sau đây, hãy đưa ngay người bệnh tới bệnh viện gần nhất:

Chảy máu: Các chấm hay đốm màu đỏ trên da. Chảy máu mũi, lợi. Nôn ra máu. Đi ngoài phân đen. Kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo. Nôn liên tục. Đau bụng dữ dội. Lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật. Xanh tím, tay và chân lạnh ẩm. Khó thở.

Theo tài liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị sốt xuất huyết (SXH) do Bộ Y tế ban hành, khi bị SXH, giai đoạn nguy hiểm thường xảy ra từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 sau khi bị sốt. Người bệnh có thể còn sốt hoặc đã giảm sốt. Lúc này, theo dõi các dấu hiệu cảnh báo để đưa bệnh nhân nhập viện là rất quan trọng.

Trong 3 ngày đầu tiên bị sốt, bệnh nhân hãy bình tĩnh ở nhà nghỉ ngơi, hạ sốt. Từ ngày thứ 4 cần đến viện tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ.

Khi đã đến cơ sở y tế gần nhất khám và được khẳng định SXH bằng xét nghiệm, bạn hãy nghỉ ngơi tại nhà và theo dõi, hãy luôn uống đủ lượng nước yêu cầu. Trong đó, sữa, nước hoa quả (thận trọng với người bệnh đái tháo đường) và các dung dịch điện giải đẳng trương (oresol) và nước cơm được khuyến khích dùng với người bệnh.

Chỉ uống hạ sốt paracetamol mà không được dùng các loại khác. Chườm ấm là cách hỗ trợ hạ sốt rất tốt.

Tìm và diệt nơi muỗi đẻ trong và ở xung quanh nhà.

Không cần thiết uống kháng sinh. Bởi SXH là bệnh do vi rút gây ra, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng. Việc uống kháng sinh không có chỉ định càng khiến người bệnh mệt mỏi, không mang lại tác dụng điều trị.

===

9 biện pháp đơn giản ngừa sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết là một căn bệnh rất phổ biến vào mùa mưa và căn bệnh nguy hiểm này là do muỗi Aedes aegypti gây nên.

Muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết lại hoạt động mạnh hơn vào ban ngày và thật nguy hiểm khi nơi muỗi sinh sản thường là những nơi do con người tạo ra và để ứ đọng nước. Hãy thực hiện các biện pháp vệ sinh hữu ích dưới đây để ngăn chặn căn bệnh này.

1. Tìm những vật dụng gây đọng nước và loại bỏ nó

Điều quan trọng là phải luôn luôn nhớ để loại bỏ những thùng chứa nước khi không còn sử dụng. Trong trường hợp có thùng và xô chưa dùng đến, hãy lật úp chúng để đảm bảo không có nước dư thừa.

2. Không để bất cứ nơi nào có tồn đọng nước quanh nhà

Luôn luôn làm sạch bất kỳ chậu hoa rỗng nào và cũng không nên trồng cây trong chậu hoặc bình có chứa nước bởi nếu không bạn đã vô tình tạo cho gia đình mình một môi trường lý tưởng sinh sản muỗi và rất có thể là một ổ dịch Dengue.

3. Sử dụng chất chống côn trùng và chống muỗi

Luôn luôn có ý thức đuổi muỗi ra khỏi khu vực sinh hoạt của gia đình bạn bằng cách phun thuốc hoặc sử dụng các thiết bị đuổi muỗi.

4. Lắp đặt cửa chống muỗi

Bạn có thể lắp đặt lưới chống muỗi vào các ô thoáng, cửa sổ và cửa ra vào. Điều này ngăn muỗi khá ổn và giúp bạn kéo giãn thời gian phun thuốc.

5. Cẩn thận với bệnh nhân sốt xuất huyết

Trong trường hợp nhà bạn có người mắc bệnh sốt xuất huyết, hãy cố gắng cách li và tránh bị muỗi đốt một cách triệt để. Hãy chăm sóc một cách đặc biệt mọi thành viên trong gia đình bởi nếu muỗi nhắm vào bệnh nhân một lần nữa, mục tiêu tiếp theo ngay lập tức sẽ là bạn.

6. Luôn ngủ màn ngay cả vào ban ngày và ban đêm

Luôn luôn cố gắng để bạn và các thành viên trong gia đình ngủ màn ngay cả vào ban ngày và ban đêm. Nếu bạn có con nhỏ, hãy luôn chắc chắn rằng con bạn nằm ngủ trong màn để ngăn ngừa muỗi đốt.

7. Che đậy bằng nắp thùng

Đây là một điểm rất quan trọng bạn luôn phải ghi nhớ. Nếu bạn có thùng rác hoặc phải sử dụng nó thì ngay khi dùng xong hãy đậy nắp lại.

8. Trồng cây đuổi muỗi

Đây là một phương pháp tự nhiên giúp xua đuổi muỗi khỏi ngôi nhà của bạn. Trồng một khóm đuổi muỗi (cây holy tulsi) gần cửa sổ nhà bạn, loại cây kỳ diệu này có một số đặc tính ngăn không cho muỗi sinh sản.

9. Đốt dầu long não

Long não hoạt động như một loại thuốc chống muỗi kỳ diệu. Đốt dầu long não trong phòng và đóng kín tất cả các cửa ra vào và cửa sổ khoảng 15-20 phút. Bạn đã loại bỏ muỗi trong nhà một cách triệt để.

Phòng ngừa bao giờ cũng tốt hơn chữa bệnh. Vì vậy, hãy thử những mẹo hiệu quả trên để có một môi trường không muỗi.

Hữu Thắng – Nguyễn Định

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top