Thời gian gần đây, TP. Hà Nội đang phải oằn mình gánh chịu những vấn đề về ô nhiễm, từ ô nhiễm không khí đến ô nhiễm nước sinh hoạt, điều này khiến Thủ đô trở nên "xáo trộn". Sinh hoạt của người dân trở nên khó khăn, nguy cơ bệnh tật khá cao.
Ô nhiễm không khí vượt ngưỡng
Theo kết quả trên ứng dụng Pam Air và kết quả quan trắc chất lượng tại 10 trạm quan trắc tự động của Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội trước đó vào ngày 30-9 chất lượng không khí tại Hà Nội suy giảm tới ngưỡng kém và xấu.
Ông Hoàng Dương Tùng, chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho biết theo dõi diễn biến lúc 4h-5h sáng 30-9, nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí rất cao, cao nhất trong mấy ngày gần đây, và cũng là ngày chỉ số chất lượng môi trường ô nhiễm nhất trong dịp gần đây.
"Sau khi trời hửng nắng, mức độ ô nhiễm giảm dần. Đây là một hiện tượng khá bất thường và đáng lo ngại" - ông Tùng cảnh báo. Thậm chí, có thời điểm kết quả quan trắc ở Hà Nội cho thấy một số điểm chất lượng ô nhiễm không khí tới ngưỡng xấu, chỉ số chất lượng không khí (AQI) lên tới trên 200, có điểm như khu vực Xuân Đỉnh, Mai Dịch, chỉ số AQI lên tới 238 - ngưỡng gây hại tới sức khỏe tất cả mọi người.
Ông Vũ Văn Giáp, phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai - cho hay vào những thời điểm chất lượng không khí xấu, chỉ số ô nhiễm cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên tim mạch, hô hấp cũng tăng cao.
"Những người bị ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là người có sẵn bệnh lý tim mạch, hô hấp. Người bệnh thấy khó thở, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của một đợt bệnh cấp tính" - ông Giáp nói.
Ông Giáp cũng dẫn các nghiên cứu cho đến nay của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết ô nhiễm không khí liên quan tới 30% ca tử vong do ung thư phổi, 25% các ca đột quỵ não và bệnh lý tim mạch. Riêng bệnh lý hô hấp, có đến 435 ca tử vong do bệnh lý hô hấp là có liên quan tới ô nhiễm không khí.
Tương tự, các bác sĩ da liễu và nhãn khoa lo ngại ảnh hưởng của ô nhiễm không khí lên da và mắt. Số người vào viện khám các bệnh lý về da cũng gia tăng gần đây.
Theo ông Hoàng Dương Tùng, khi chỉ số chất lượng không khí lên tới ngưỡng rất có hại cho sức khỏe mọi người như những ngày vừa qua, bụi mịn sẽ tấn công phổi của con người.
Cụ thể, chỉ số AQI lúc 6h sáng 30-9 tại Hà Nội có nơi lên tới 265, chỉ số bụi mịn PM2.5 là 215,4 µg/m3, cao gấp 8 lần quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và 20 lần trung bình năm của WHO. Chỉ số của ngày 30-9 cũng cao hơn nhiều so với kết quả đo được vào cùng thời điểm ngày 29-9 với AQI ở mức 179, bụi mịn PM2.5 là 109,3 µg/m3.
Lý giải về nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng cao đột biến tới ngưỡng gây hại tới sức khỏe tất cả mọi người, ông Tạ Ngọc Sơn, phó trưởng phòng tổng hợp Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên - môi trường), cho rằng ngoài các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông, xây dựng, có nguyên nhân từ điều kiện khí hậu bất lợi, các nguồn ô nhiễm không khuếch tán được.
Ô nhiễm thủy ngân từ vụ cháy Công ty Rạng Đông
Đám cháy tại Công ty Rạng Đông bùng phát từ 18h ngày 28/9 và bùng lên dữ dội trong suốt 16 tiếng đồng hồ trước khi được khống chế. Không chỉ gây thiệt hại to lớn về tài sản của công ty và người dân các khu vực xung quanh, khói bụi còn tồn dư, không khí bị nhiễm bẩn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của người dân. Sau những cảnh báo của cơ quan chức năng, rất nhiều người dân thêm phần lo lắng và không dám về nhà vì nhiều nhà đồ đạc bị cháy đen thui, ám khói, nhiều nhà bị nứt tường do sức nóng của đám cháy gây ra.
Tổng diện tích nhà kho, xưởng xảy ra cháy rộng khoảng 6.000m2. Q.Thanh Xuân đã huy động 200 cán bộ chiến sĩ cùng 35 phương tiện để dập tắt vụ hỏa hoạn; di dời 58 hộ dân với 213 nhân khẩu ở dọc phố Hạ Đình ra khỏi khu vực nguy hiểm. Hà Nội cũng đã điều động lực lượng PCCC của các quận, huyện hỗ trợ chữa cháy.
Hiện trường cháy kho xưởng Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông vào chiều tối 28/8 và cũng là ngày mà nỗi lo thủy ngân bắt đầu.
Đặc biêt, kết quả quan trắc không khí tại khuôn viên phía trước khu vực đám cháy, nhà kho bị cháy, nồng độ thủy ngân trong mẫu không khí được lấy cao vượt ngưỡng 10-30 lần theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Đây là ngưỡng ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người.
Có 2/9 điểm quan trắc nước mặt có hàm lượng thủy ngân nằm ngoài ngưỡng khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đó là điểm ở hồ Hạ Đình và trên sông Tô Lịch, tại điểm cách ngõ 320 Hạ Đình (khu vực cháy) 1,5km về phía hạ lưu. Bên cạnh đó, hàm lượng thủy ngân mẫu đất trong khuôn viên vườn hoa của Công ty Rạng Đông cao hơn các vị trí khác.
Trong 3 ngày đầu tiên sau vụ cháy, Hà Nội khám miễn phí cho người dân sống tại các khu vực cháy, đã có khoảng 1.000 người được khám sàng lọc, khoảng 300 người được chuyển cơ sở y tế tuyến trên để đánh giá lại sức khỏe, và đã có hàng chục người được chỉ định nhập viện điều trị.
Tiếp đó, Bộ Tư lệnh Hóa học phối hợp với Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội và Công ty Urenco 10 duy trì: 92 người/26 phương tiện các loại (Trong đó: Bộ Tư lệnh Hóa Học 15 cán bộ chiến sĩ/5 phương tiện; Bộ Tư lệnh Thủ đô 7 cán bộ chiến sĩ/1 phương tiện; Công ty Urenco 10 là 70 công nhân/20 phương tiện), tổ chức thực hiện nhiệm vụ xử lý sự cố ô nhiễm tại Công ty Rạng Đông.
Cũng theo kết quả của Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó Sự cố, Thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn, các đơn vị chức năng đã tổ chức quan trắc, cảnh báo môi trường tại hiện trường, tổ chức trinh sát môi trường các khu vực lân cận. Tiến hành thu gom được 182.400 kg sắt thép và phế liệu; tổ chức phun 1.200 lít dung dịch khử lên sắt, thép, bóng đèn, tro, xỉ trước khi vận chuyển đến nơi quy định.
Nước sinh hoạt có mùi lạ
Vừa mới đây nhất, hàng trăm hộ dân ở các quận phía Tây Nam thành phố Hà Nội, như Hà Đông, Thanh Xuân, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai…sử dụng nước sạch của Công ty CP Nước sạch Sông Đà (Viwasupco) đang lo lắng vì nước sạch sinh hoạt bỗng nhiên bốc mùi lạ.
Chị Nguyễn Khánh Hồng nhà ở chung cư Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) cho biết, chiều ngày 10/10, khi đi làm về mở vòi nước ra đã thấy mùi clo sộc lên rất nặng, nên không dám dùng để đun nước, nấu cơm. Khi phát hiện sự việc, chị Hồng đi hỏi những hộ dân cùng tầng thì được biết các gia đình khác cũng gặp tình trạng tương tự.
đại viện Công ty CP Viwaco - đơn vị phân phối nước sạch khu vực Thanh Xuân, Kim Văn, Kim Lũ, Linh Đàm (TP Hà Nội) - cho biết Viwaco lấy 100% nước của Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà để phân phối lại cho người dân trong khu vực. Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà là đơn vị sản xuất nước sạch, Viwaco chỉ phân phối lại.
Ô nhiễm nguồn nước đầu nguồn Sông Đà gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng nước cung cấp cho người dân Hà Nội
Ngay sau khi nhận được phản ảnh của người dân về tình trạng nước sạch bốc mùi, với trách nhiệm đơn vị phân phối, Viwaco đã có văn bản gửi Công ty CP đầu tư nước sạch Sông Đà yêu cầu trả lời về vấn đề chất lượng nguồn nước, tại sao nước có mùi.
Tiếp đó, chủ tịch UBND TP đã thành lập ngay một tổ công tác do giám đốc Sở Xây dựng là trưởng đoàn, có sự tham gia của Sở Y tế, Sở Tài nguyên - môi trường, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP (thuộc Sở Y tế), Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông, tổ chức kiểm tra ngay.
Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác xác định tại khu vực đầu nguồn tại khe núi ở xã Phú Minh, Kỳ Sơn, Hòa Bình có dấu hiệu đổ dầu nhớt thải trộm. Dầu này đã chảy lan ra suối rồi chảy vào hồ Đầm Bài (là hồ chứa nước để cấp cho nhà máy).
Một số cán bộ của Công ty cổ phần đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco) có phát hiện việc này từ sáng 8-10 nhưng không có bất cứ báo cáo nào với các cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình cũng như TP Hà Nội.
Viwasupco cũng không có bất cứ hành động nào ứng cứu ngăn chặn ô nhiễm của nguồn dầu này theo quy định, mà cứ để mặc kệ, dẫn đến váng dầu chảy vào nguồn nước qua hệ thống xử lý nước của nhà máy, rồi chảy vào hệ thống phân phối đến người dân ở các vùng Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân.
Trong văn bản phát đi tối muộn ngày 15/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có ý kiến chỉ đạo UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo ngay Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà khắc phục sự cố, kịp thời cung cấp nguồn nước sạch, bảo đảm chất lượng cho nhân dân.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND TP. Hà Nội, UBND tỉnh Hòa Bình có giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, bảo đảm cung cấp đủ nước sạch, ổn định đời sống nhân dân khu vực trên.
Ngay sau đó, UBND TP Hà Nội đã có công văn gửi UBND tỉnh Hòa Bình đề nghị chỉ đạo Công an tỉnh điều tra hành vi đổ trộm chất dầu thải tại khe núi tại xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn, hành vi thiếu trách nhiệm của cán bộ, lãnh đạo Viwasupco không ngăn chặn khi biết rõ có sự ô nhiễm từ nguồn dầu thải, ông Dục cho biết.
UBND TP cũng khuyến cáo người dân rằng, Nước máy thuộc vùng do Công ty Cổ phần Viwaco, Công ty TNHH MTV nước sạch Hà Đông cung cấp chỉ nên dùng để tắm giặt, không sử dụng để nấu ăn, uống mà tạm thời dùng nước đóng chai, bình do các đơn vị khác cung cấp.
UBND TP bố trí các xe téc của Công ty Nước sạch Hà Nội túc trực để sẵn sàng chở nước đến cung cấp cho người dân theo nhu cầu. Dân trong vùng ảnh hưởng có thể gọi điện đến số 0903461980 của tổng giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội để yêu cầu.
Có thể thấy rằng, TP Hà Nội đang trở nến không "yên bình" từ ô nhiễm không khí đến ô nhiễm nước sinh hoạt. Việc cần thiết để đưa Hà Nôi về quỹ đạo vốn có của nó, UBND TP Hà Nội cần đưa ra các biện pháp căn cơ cho những vẫn đề trên. Đồng thời theo dõi và hỗ trợ cho người dân các khu vực bị ô nhiễm không khí, nước sinh hoạt.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.