Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 16 tháng 10 năm 2021 | 13:46

Đồng Tháp tồn 30.000 tấn thủy sản

Đồng Tháp hiện còn tồn 30.000 tấn thủy sản, trong đó hơn 20.000 tấn cá tra, còn lại là cá lồng bè.

Đây là thông tin được ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết tại Diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản mới đây.

 

ca-tra.jpg

Người nuôi thu hoạch cá tra tại ĐBSCL. Ảnh: Ái Nam

 

Nguyên nhân là dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, TP HCM... kéo dài nhiều tháng, làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, lưu thông hàng hóa. Đặc biệt, dịch bệnh cũng khiến hoạt động xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp thuỷ sản trên thị trường chậm lại.

Bên cạnh việc tồn đọng thuỷ sản, nông sản cũng ùn ứ với số lượng lên tới vài nghìn tấn. Dự báo từ nay đến cuối năm, lượng hàng nông thuỷ sản tại tỉnh này sẽ còn tăng mạnh.

Theo ông Huỳnh Tất Đạt, Phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Tháp, trong 3 tháng cuối năm, tỉnh có khoảng 21.000 tấn xoài được sản xuất theo quy trình VietGAP, GobalGAP,... Ngoài ra, tổng đàn vịt hiện nay có khoảng 5 triệu con, lượng trứng từ nay đến cuối năm khoảng 120 triệu quả.

Hoa kiểng cũng là "đặc sản" của Đồng Tháp, mỗi năm cung cấp trên 2.500 loài hoa, đây là chuỗi mang lại thu nhập tương đối lớn cho bà con, sản phẩm phục vụ chủ yếu vào dịp Tết.

Bên cạnh đó, diện tích nhãn toàn tỉnh khoảng 5.600 ha, sản lượng từ nay đến cuối năm khoảng 10.000 tấn, khoai lang 11.000 tấn, khoai môn 3.000 tấn, kiệu là 1.100 tấn... Sen cũng là sản phẩm đặc trưng của Đồng Tháp với sản lượng tương đối lớn.

Để kết nối tiêu thụ số lượng hàng tồn đọng hiện nay và nông sản trong thời gian tới, ông Tuấn cho rằng, cần có sự bắt tay giữa các doanh nghiệp, hệ thống bán lẻ hiện đại và các hợp tác xã.

Đáp lại đề xuất của ông Tuấn, ông Paul Le, Phó chủ tịch Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết, doanh nghiệp này đang tập trung vào các sản phẩm chất lượng cao, trong đó ở Đồng Tháp có các sản phẩm như xoài, cá ba sa, gạo...sẽ được kết nối vào siêu thị. "Chúng tôi mong các đơn vị cung ứng đưa ra các sản phẩm chất lượng cao để hệ thống có thể bán ở hệ thống siêu thị của Central Group cả trong nước và thị trường nước ngoài", ông nói.

Với hệ thống siêu thị Saigon Co.op và Bác Tôm, 2 đơn vị này cho biết cũng sẽ tạo thuận lợi để kết nối nông sản Đồng Tháp vào hệ thống siêu thị. Ngoài việc các sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chí về VietGAP và GlobalGAP, các hệ thống này cũng yêu cầu các hợp tác xã cần đáp ứng các tiêu chí riêng của hai hệ thống này để hàng hoá được giao thương tốt.

"Với từng sản phẩm, chúng tôi sẽ có tiêu chí cụ thể, ví dụ như với xoài loại 1 là trọng lượng trên 400g. Các chi tiết này được chúng tôi công khai trên trang web của đơn vị", ông Âu Hoàng Hải, Giám đốc phụ trách thu mua sản phẩm Saigon Co.op nói.

Về phía các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, bà Ngô Tường Vy, Phó giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cho biết, trong thời gian tới công ty xây dựng các HTX liên kết với bà con để xây dựng mô hình liên kết bền vững. Những HTX này sẽ trở thành những chi nhánh của Chánh Thu tại Đồng Tháp.

Ngoài ra, công ty sẽ cùng các bạn hàng Trung Quốc đến Đồng Tháp để tìm hiểu về 2 loại nông sản tiềm năng cho thị trường này đó là sầu riêng và mít.

Theo bà Vy, mít của tỉnh này được khách hàng Trung Quốc đánh giá rất cao. Trong kế hoạch, công ty sẽ xây dựng điểm thu mua tại Đồng Tháp cho 3 sản phẩm chính là xoài, sầu riêng và mít, trong đó xoài sẽ phục vụ cho các thị trường Mỹ và Australia.

Tuy nhiên, đại diện Công ty Chánh Thu cho biết thêm, các khó khăn đang gặp phải là cách đưa các nông dân vào quy trình canh tác chuẩn, theo tiêu chuẩn cao để công ty có thể giúp bà con đưa nông sản đến với các thị trường cao cấp hơn như châu Âu.

Với mong muốn thúc đẩy hoạt động kết nối đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam đề nghị, Sở Nông nghiệp và UBND tỉnh Đồng Tháp cần sớm tổ chức lễ hội xoài để kết nối sản phẩm của người dân đến với người tiêu dùng.

Ông cũng đề nghị các cơ quan ban ngành cần theo sát hoạt động kết nối của doanh nghiệp với các hợp tác xã để hoạt động kết nối được thuận lợi. Với những khó khăn, ông Nam đề xuất các doanh nghiệp gửi về các đầu mối cụ thể của Sở Nông nghiệp để được hỗ trợ.

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top