Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 3 tháng 5 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 17 tháng 12 năm 2023 | 11:21

Ðể nâng cao chuỗi giá trị nông sản vùng ÐBSCL

ÐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, cung cấp nhiều loại nông sản phục vụ xuất khẩu, nhất là lúa gạo, trái cây và thủy sản.

Tuy nhiên, do các khâu liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ (SXCB&TT) sản phẩm còn hạn chế và nhiều loại nông sản còn chủ yếu tiêu thụ dạng tươi thô nên giá trị chưa cao và khó bảo quản lâu. Ðể ổn định đầu ra và nâng cao giá trị cho sản phẩm, đòi hỏi nông dân cần liên kết theo từng chuỗi ngành hàng, đồng thời các địa phương trong cả vùng cần phối hợp để tổ chức sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Hiện nhiều loại trái cây và nông sản tại vùng ÐBSCL còn tiêu thụ chủ yếu dạng tươi thô, chưa mang lại giá trị gia tăng cao. Trong ảnh: Thu mua trái cây tại một vựa trái cây ở huyện Phong Ðiền, TP Cần Thơ.

Ðầu ra nông sản gặp khó

ÐBSCL được xem là “vựa lúa”, là trung tâm sản xuất thủy sản và trái cây lớn nhất của cả nước. Nông nghiệp vùng ÐBSCL đóng góp khoảng 33,54% GDP nông nghiệp cả nước và 30% GDP chung của vùng. Thời gian qua, vùng ÐBSCL luôn đứng đầu cả nước về sản lượng lúa gạo, tôm nước lợ, cá tra và trái cây. Mỗi năm vùng sản xuất được khoảng 25 triệu tấn lúa, chiếm 56% tổng sản lượng cả nước. Sản lượng trái cây đạt 4,3 triệu tấn, chiếm 60% sản lượng cả nước, còn tôm khoảng 671.000 tấn, cá tra trên 1,4 triệu tấn.

Với nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển nông nghiệp, vùng ÐBSCL đã đóng góp nhiều loại nông sản phục vụ xuất khẩu giúp mang lại nguồn ngoại tệ rất lớn cho đất nước. Vùng ÐBSCL đã đóng góp 95% lượng gạo cho xuất khẩu, đóng góp 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu, cùng nhiều loại rau quả và sản phẩm chăn nuôi. Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp của vùng ÐBSCL còn đối mặt nhiều khó khăn, nhiều ngành hàng chưa tạo được giá trị gia tăng tương xứng với tiềm năng và đầu ra sản phẩm còn bấp bênh... Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do sản xuất nhiều loại nông sản còn manh mún và nhỏ lẻ, tự phát, thiếu gắn kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Ðặc biệt, việc liên kết vùng, liên kết giữa các địa phương trong cả nước và liên kết giữa các bên liên quan trong từng chuỗi ngành hàng chưa chặt chẽ. Tình trạng “bẻ kèo” các hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản vẫn còn thường xuyên xảy ra. Ðồng thời, các khâu bảo quản, chế biến và phát triển xuất khẩu còn hạn chế. Từ đó, chưa chủ động điều tiết cung - cầu, bảo quản sản phẩm và tăng cường chế biến để nâng cao giá trị, dẫn đến nhiều loại nông sản dễ gặp cảnh “rộ mùa, rớt giá”, “được mùa, mất giá”  hay được giá nhưng thiếu hàng để bán.

Sản xuất nông nghiệp vùng ÐBSCL còn đối mặt với nhiều rủi ro và  ít doanh nghiệp, nhà đầu tư tham gia liên kết với nông dân trong SXCB&TT nông sản. Công nghiệp chế biến nông sản được xem là lĩnh vực có lợi thế của vùng nhưng chưa được đầu tư, khai thác đúng tiềm năng. Việc áp dụng các công nghệ chế biến chưa được quan tâm đúng mức, nhất là chế biến sâu nông sản và đầu tư phát triển hệ thống  kho lạnh - chuỗi thực phẩm đông lạnh còn hạn chế.

Thúc đẩy liên kết

Nhằm thúc đẩy liên kết, hợp tác trong SXCB&TT nông sản vùng ÐBSCL, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) TP Cần Thơ vừa phối hợp với Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ và Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo “Cơ chế phối hợp cấp vùng cho liên kết SXCB&TT sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại TP Cần Thơ”. Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, phân tích, đánh giá lại những “điểm nghẽn” trong quá trình tổ chức liên kết SXCB&TT nông sản của vùng để có giải pháp tháo gỡ. Ðồng thời, đề xuất các giải pháp và cơ chế, chính sách nhằm tăng cường liên kết, phối hợp vùng. Nhiều đại biểu kiến nghị, tới đây các cấp thẩm quyền ở Trung ương và địa phương cần quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Chú ý hoàn thiện khung pháp lý cho liên kết vùng về tổ chức, bộ máy, nguồn lực và cơ chế, chính sách triển khai. Hoàn thiện thể chế phát triển, nâng cao chất lượng và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền...

Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN&PTNT, không chỉ có người sản xuất hay doanh nghiệp mà hầu như tất cả chúng ta đều mong muốn thực hiện liên kết tiêu thụ nông sản cho vùng ÐBSCL và cả nước nói chung để tiêu thụ nông sản được tốt. Tuy nhiên, thực tế việc liên kết chưa đạt kết quả như mong muốn của nhiều người. Cái cốt lõi của vấn đề ở đây là chúng ta còn thiếu cơ chế hay nói đúng hơn là thể chế. Chúng ta còn thiếu những văn bản hướng dẫn chi tiết và những văn bản nhằm tháo gỡ khó khăn và xử lý các tình huống khi mà các cam kết và các liên kết nó không được thực hiện. Bên cạnh đó, các cơ quan chính quyền, doanh nghiệp và người dân tại nhiều nơi cũng còn thiếu thông tin và chưa có nhận thức đầy đủ, toàn diện về vấn đề liên kết. Theo Ths Trần Huỳnh Anh, Phó Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học, Viện Kinh tế - Xã hội TP Cần Thơ, cần chú trọng việc tổ chức liên kết SXCB&TT sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL thành chuỗi cung ứng gắn với kết nối hiệu quả tiêu thụ sản phẩm và giải pháp logistics. Ðể thực hiện được điều này, cần quan tâm đến các khâu trọng yếu là hình thành chợ đầu mối, trung tâm cung ứng nông sản hiện đại, tạo ra kênh phân phối chuyên nghiệp có quy mô lớn, xây dựng cơ chế đặc thù để huy động mọi nguồn lực tại vùng, nhất là doanh nghiệp chế biến. Tổ chức sản xuất gắn với thị trường và tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới. Xây dựng phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu. Phát triển thương mại điện tử, phát triển mô hình mạng lưới cung ứng thế hệ mới với dịch vụ logistics chủ động, kết nối đa kênh tới thị trường tiêu thụ.

Việc xây dựng cơ chế phối hợp vùng và thúc đẩy sớm xây dựng trung tâm SXCB&TT sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại TP Cần Thơ theo Nghị quyết của Quốc hội cũng là rất cấp thiết nhằm gia tăng giá trị nông sản và giải quyết đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp. Theo bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Cần Thơ, tại Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11-1-2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Cần Thơ có đề cập việc xây dựng trung tâm SXCB&TT sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại TP Cần Thơ, giúp tạo động lực thúc đẩy đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp toàn vùng hiện đại theo tinh thần của Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ðây là nhiệm vụ lớn, quan trọng, với mục tiêu đến năm 2030, trung tâm SXCB&TT sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL tại TP Cần Thơ trở thành hạt nhân của nền kinh tế nông nghiệp hiện đại vùng ÐBSCL. Thực hiện đầy đủ chức năng liên kết SXCB&TT nông sản với vai trò dẫn dắt, thúc đẩy và hỗ trợ mạnh mẽ hoạt động kinh tế nông nghiệp toàn vùng. Vì vậy, cần có cơ chế phối hợp cấp vùng cho liên kết SXCB&TT sản phẩm nông nghiệp vùng ÐBSCL, từ đó đề xuất và triển khai hiệu quả và phù hợp các hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vùng.

 

Khánh Trung/Báo Cần Thơ
Ý kiến bạn đọc
Top