Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 5 tháng 7 năm 2022 | 11:33

Festival Huế 2022: Nét đẹp văn hóa, nâng tầm du lịch Cố đô

Festival Huế 2022 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, sự đa dạng kết hợp giữa truyền thống và đương đại, đã tạo nên “bữa tiệc văn hóa”; tiếp tục khẳng định quyết tâm xây dựng Huế thành thành phố Festival của châu Á.

Xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam.

“Bữa tiệc” văn hóa

Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2022 tôn vinh một “Thành phố xanh” phát triển bền vững, thể hiện những “Ước vọng về Huế” - Thành phố Festival của châu Á cùng đất nước Việt Nam tỏa sáng chào đón tương lai. Festival Huế 2022 với chuỗi 8 hoạt động, chương trình chính và hơn 30 hoạt động hưởng ứng, đồng hành diễn ra từ ngày 25-30/6/2022.

Đây là cơ hội để du khách thưởng ngoạn sự giao thoa sống động giữa truyền thống và hiện đại, trải nghiệm những sắc màu văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn của văn hóa Huế cũng như của văn hóa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Được đắm mình trong không gian cổ kính của một cố đô giàu bản sắc truyền thống nhưng vẫn sáng bừng sức sống của một đô thị xanh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

 

01.jpg

Festival năm nay hội tụ nhiều nền văn hóa trong và ngoài nước. 

 

Festival với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, như: Nghệ thuật Khai màn với sự tái hiện thành phố Huế xinh đẹp như một “Bài thơ đô thị”; ngợi ca vùng đất di sản, cổ kính có bề dày truyền thống; tôn vinh một “Thành phố xanh” phát triển bền vững, thể hiện những “Ước vọng về Huế” tỏa sáng chào đón tương lai. Lễ hội đường phố với “Sắc màu văn hóa”, hình thức quảng diễn đường phố sôi động của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế, khai thác giá trị di sản văn hóa Huế, văn hóa vùng miền của các quốc gia trên thế giới. Hay, Chương trình biểu diễn hàng đêm của các Đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế phô diễn nét độc đáo, tinh tế cũng như sự đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Huế trên con đường hội nhập và phát triển…

Trải qua hơn 20 năm, Festival Huế với giá trị thương hiệu của mình đã thật sự là lễ hội văn hóa - nghệ thuật có quy mô quốc gia và tầm cỡ quốc tế, góp phần giới thiệu tinh hoa văn hóa Huế, quảng bá điểm đến xinh đẹp, an toàn, thân thiện Cố đô Huế - Việt Nam, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Nhằm tiếp tục phát huy thương hiệu Festival Huế, đa dạng hóa các loại hình tổ chức lễ hội, hướng đến sự tham gia của cộng đồng nhân dân; tăng cường đẩy mạnh xã hội hóa công tác tổ chức các lễ hội trong Festival Huế, gắn hoạt động lễ hội với các sản phẩm du lịch, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiến hành tổ chức Festival Huế theo định hướng bốn mùa lễ hội, bao gồm các lễ hội truyền thống từ cung đình, dân gian, tôn giáo, đến nghệ thuật đương đại được trải dài trong năm, phù hợp với thực tế địa phương, thuận tiện cho du khách và công chúng tham gia.

Đây cũng là sự khẳng định cho nỗ lực của Thừa Thiên - Huế nói riêng và cả nước nói chung đưa cuộc sống trở lại bình thường sau đại dịch và là sự kiện góp phần kích cầu du lịch với mục tiêu phát triển du lịch “chủ động – bền vững – an toàn”.

Ông Huỳnh Tiến Đạt, Giám đốc Trung tâm Festival Huế, cho biết, điểm mới của Festival Huế 2022 là lần đầu tiên Festival Huế được đổi mới theo hướng “Festival bốn mùa”, với nhiều sự kiện được tổ chức xuyên suốt trong năm; trong đó tuần lễ trọng điểm Festival mùa Hạ với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Các hoạt động được tổ chức theo hướng cộng đồng, sân khấu mở, tạo sự gần gũi, giao lưu giữa nghệ sĩ, diễn viên với công chúng.

Cùng với các chương trình nghệ thuật nằm trong Tuần lễ Festival năm nay là những tiết mục tinh túy nhất, tạo nên thương hiệu của Festival Huế hơn 20 năm qua như lễ hội đường phố, âm nhạc Trịnh Công Sơn, Hoàng cung giao hòa... thì nhiều chương trình, tiết mục nghệ thuật của các ban nhạc, đoàn nghệ thuật Việt Nam và quốc tế được dàn dựng công phu, đặc sắc mang lại những cảm giác mới mẻ cho công chúng và du khách, đặc biệt là giới trẻ.

Kích cầu du lịch địa phương

Sau 22 năm tổ chức với 10 kỳ lễ hội, Festival Huế đã tạo dựng trong lòng công chúng yêu Huế một thói quen du lịch vào những năm chẵn. Festival Huế 2022, lễ hội được tổ chức theo hình thức bốn mùa, mục tiêu nhằm tăng khả năng thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế, giảm bớt áp lực cho ngân sách. Hàng loạt sự kiện nằm trong khuôn khổ Festival Huế 2022 diễn ra liên tục trong các tháng vừa qua đã tạo nên sân chơi, ngày hội đặc sắc, hấp dẫn thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.

Các sự kiện được tổ chức trải dài giúp du khách có nhiều sự lựa chọn về thời điểm khi đến với Cố đô Huế để “đắm chìm” trong những trải nghiệm về văn hóa, nghệ thuật và con người. Đồng thời, tạo tính chuyên nghiệp, nâng tầm thương hiệu, xây dựng và tạo nguồn kinh phí ổn định, chủ động trong công tác tổ chức. Festival Huế 2022 tiếp tục khẳng định quyết tâm xây dựng Huế thành thành phố Festival của châu Á, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam.

Anh Nguyễn Văn Phú, du khách người Quảng Bình, vui vẻ chia sẻ: “Tôi thấy Festival năm nay đa dạng, phong phú. Nhiều chương trình nghệ thuật được dàn dựng công phu, đặc sắc mang lại những cảm giác mới mẻ cho công chúng và du khách, đặc biệt là giới trẻ. Đến Festival, chúng tôi có dịp thưởng thức nhiều chương trình âm nhạc đặc sắc, mang nhiều nét văn hoá khác nhau. Tôi thấy mọi người rất hồ hởi và vui vẻ sau thời gian dài vất vả vì dịch bệnh”.

 

múa-hát-cung-đình-nữ-tướng-xuất-quân-ảnh-tường-vi.jpg
Múa hát cung đình - Nữ tướng xuất quân. Ảnh: Tường Vi
tái-hiện-lễ-đổi-gác-ảnh-tường-vi.jpg
Tái hiện lễ đổi gác tại Ngọ môn. Ảnh: Tường Vi
các-nghệ-sỹ-trình-diễn-trên-đường-phố-ảnh-tường-vi.jpgCác nghệ sỹ trình diễn trên đường phố. Ảnh: Tường Vi.

 

Ngoài ra, ngành du lịch địa phương còn thường xuyên cập nhật thông tin về các sự kiện lễ hội và sản phẩm, điểm đến du lịch mới của Huế trên các kênh truyền thông của ngành du lịch (website, fanpage, zalo, youtube, tiktok có tên chung Visit Hue) để du khách, các đơn vị lữ hành và cộng đồng địa phương tiếp cận dễ dàng.

Theo thống kê của Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, trong Tuần lễ Festival Huế 2022, có khoảng 300.000 du khách đến với Huế. Công suất đặt phòng tại các khách sạn 3 - 5 sao trên địa bàn thành phố Huế ước đạt trên 80%. Riêng trong các ngày từ 24 đến 27/6, một số khách sạn tại trung tâm thành phố Huế như Sài Gòn Morin, Hương Giang, Century, Silk Path… gần như “cháy phòng”. Trong thời gian từ 23/6 đến 30/6, tổng số du khách đến Thừa Thiên - Huế ước đạt 180.000 lượt, doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 155 tỷ đồng. Đây được xem là con số ấn tượng với Thừa Thiên - Huế trong bối cảnh du lịch cả nước vừa khấp khởi phục hồi sau đại dịch.

Nhiều cơ sở lưu trú kín phòng, nhiều sản phẩm du lịch mới được du khách, cộng đồng đón nhận… Đây là những tín hiệu vui của ngành du lịch Thừa Thiên - Huế. Nhiều doanh nghiệp, lao động ngành du lịch, dịch vụ sau thời gian dài “ngủ đông” nay đã tự làm mới, đầu tư, nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong thời gian dài đã khiến nhiều doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch vừa và nhỏ trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đóng cửa; hàng loạt lao động, hướng dẫn viên du lịch… buộc phải nghỉ việc. Tuy nhiên, sau khi du lịch mở cửa trở lại, đồng thời với các hoạt động Festival Huế 2022 diễn ra, lượng khách đến Thừa Thiên-Huế liên tục tăng cao. Nhiều doanh nghiệp có thêm động lực để đầu tư, phát triển cơ sở vật chất, kỹ thuật cũng như tuyển dụng thêm nhân lực để đáp ứng nhu cầu của du khách.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên- Huế, cho biết, lần đầu tiên sau nhiều năm tổ chức Festival, tỉnh Thừa Thiên - Huế tạo điều kiện, giao quyền chủ động để các doanh nghiệp, địa phương, các nhóm cộng đồng tổ chức, giao lưu, tương tác thông qua các hoạt động du lịch, lễ hội Festival.

“Festival Huế lần này đón khá đông khách nội địa và cũng có số lượng khách quốc tế nhất định. Qua đó, kích hoạt lại hầu hết các hoạt động dịch vụ, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hoặc lữ hành có thêm những sản phẩm mới, đưa ra những hoạt động trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu của khách. Các doanh nghiệp du lịch có cơ hội để nâng cao chất lượng dịch vụ, tuyển dụng thêm nhân sự lao động để đáp ứng phục vụ du khách quốc tế trong thời gian tới”, ông Phúc thông tin.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế, khẳng định, từ đầu năm đến nay, ngành du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế đã có nhiều tín hiệu phục hồi đáng mừng. Du khách không chỉ đến Cố đô Huế nhiều hơn mà còn thích thú, biết đến sự phong phú của các sản phẩm du lịch địa phương thông qua các hoạt động của Festival Huế 2022.

Các chương trình tổ chức đều nhận được sự đón nhận rất háo hức của công chúng, cộng đồng và du khách. Festival Huế 2022 đã thành công trong việc kéo du khách, cộng đồng cùng làm chủ thể tham gia với ban tổ chức trong các hoạt động lễ hội. Điều đó chứng minh việc tổ chức Festival Huế 2022 trải dài bốn mùa và gắn vào hoạt động cộng đồng đã phát huy hiệu quả đối với ngành du lịch địa phương.

“Festival Huế qua các năm luôn là động lực để thực hiện mục tiêu quảng bá, phát triển du lịch địa phương, là “đòn bẩy” phát triển kinh tế - xã hội và góp phần xây dựng thương hiệu vùng đất văn hóa lễ hội của Thừa Thiên-Huế”, ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.

Tạo điểm nhấn

Festival Huế 2022 tạo ra không khí lễ hội ngập tràn với sự tham gia của nhiều đoàn nghệ thuật quốc tế. Thừa Thiên - Huế đã nâng tầm Festival Huế trở thành Festival quốc gia, khu vực và có tính quốc tế, theo mô hình một Festival văn hóa nghệ thuật tổng hợp, tiêu biểu cho văn hóa Huế và bản sắc văn hóa Việt Nam, kết hợp với tiếp thu, hội nhập với dòng chảy văn hóa nghệ thuật đương đại của khu vực và quốc tế.

Mục đích của Festival Huế 2022 không chỉ nhằm đánh thức, khơi dậy những giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, xây dựng Huế thành thành phố Festival của Việt Nam mang tầm quốc tế, mà như chủ đề đã định hình là “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế còn hướng đến mục đích “hội nhập và phát triển”, vừa giới thiệu, phát huy những giá trị tinh hoa của văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế (cả nghệ thuật, di tích, lối sống và nghệ thuật sống), vừa chủ động đón nhận tinh hoa văn hóa của thế giới, tiếp thu những xu hướng sáng tạo nghệ thuật đương đại có giá trị, đồng thời tạo ra một bước đột phá để thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa của vùng đất Cố đô Huế.

Theo Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Festival Huế 2022 là sự giao thoa sống động giữa truyền thống và hiện đại, trải nghiệm những sắc màu văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn của văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, đắm mình trong không gian cổ kính của một Cố đô văn hiến với 7 di sản được UNESCO vinh danh, nhưng vẫn sáng bừng sức sống của một đô thị xanh, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững.

Cũng theo ông Hoa, Festival năm nay  trở lại sau hơn 2 năm đại dịch và đã có sự chuyển hướng mới bằng việc tổ chức theo hình thức 4 mùa với nhiều hình thức đa dạng, thu hút cộng đồng, đặc biệt là giới trẻ. Khác với những kỳ Festival lần trước với cả trăm chương trình lễ hội, trình diễn nghệ thuật được “nhồi nhét” trong khoảng thời gian vài ngày ngắn ngủi khiến có khán giả cảm thấy “bội thực”.

“Festival năm nay mang tính cộng đồng cao, lan tỏa mức độ rộng, gần như các tầng lớp người dân đều được tham gia với tư cách người xem, người quảng diễn như các chương trình như Lễ hội áo dài Huế, Lễ hội đường phố, Lễ hội ẩm thực…  Không chỉ thu hút được các đoàn nghệ thuật tham gia, quảng diễn mà còn kéo theo sự đồng hành nhiều hơn các tổ chức kinh tế, thương mại”, ông Hoa nói.

 

05.jpg

Lễ hội mang đến cho du khách nhiều món ăn đặc trưng của xứ Huế. Ảnh: Tường Vi

 

Huế là cố đô, trung tâm du lịch được biết đến từ lâu. Tài nguyên văn hoá độc đáo của một cố đô, bao gồm từ kinh thành, cung điện, lăng tẩm, đền chùa, các vùng dân cư truyền thống... cộng với hệ thống di sản văn hoá nghệ thuật như lễ hội cung đình, nhạc lễ cung đình, trang phục cung đình, múa cung đình, ca Huế, lý Huế, tuồng Huế, ẩm thực Huế... có thể khai thác, hình thành những sản phẩm Festival hấp dẫn. Huế có nhiều không gian văn hoá đẹp (Đại nội; Quảng trường Ngọ Môn, Phu Văn Lâu; các cổng thành, lăng tẩm, sông Hương,...) có thể tổ chức thành những trung tâm hoạt động nghệ thuật kết hợp với tham quan du lịch thú vị… Về điều kiện “cần” của một thành phố Festival, Huế có nhiều lợi thế có thể khai thác, hình thành những sản phẩm Festival hấp dẫn.

Những trung tâm lớn gắn chặt Festival Huế là đại nội, cốt lõi là diện Thái Hòa năm nay ít được khai thác nhiều, theo ông Hoa, di sản không chỉ là các di tích mà còn là nghệ thuật, âm nhạc, trang phục…, trong số đó được quảng bá trên diện rộng như di sản áo dài, lâu nay chỉ quảng bá trong phạm vi hẹp thì nay áo dài được quảng bá trên diện rộng. Ngoài ra, ngành du lịch địa phương đã khơi dậy được du lịch nội địa với việc quảng bá hình ảnh và con người Huế bằng cách mời các fanpage, blogger trải nghiệm các điểm du lịch, mời các đoàn khảo sát lữ hành trải nghiệm và lan tỏa hình ảnh đẹp về Huế.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, để Festival Huế tiếp tục khẳng định quyết tâm xây dựng Huế thành thành phố Festival của châu Á, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc của Việt Nam thì cần có những chương trình chất lượng, cái gọi là “nghệ thuật tiên phong”.

 

 

 

Tiến Thành
Ý kiến bạn đọc
Top