Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 19 tháng 5 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 5 tháng 2 năm 2022 | 17:28

Giá cả hàng hóa trước và sau Tết ổn định

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, sức mua thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán nói chung vẫn thấp hơn so với nhiều năm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến tình hình kinh tế - xã hội.

Thị trường ít biến động

Nhận định chung về diễn biến giá cả những ngày trước và trong Tết, Bộ Tài chính cho biết, hằng năm, nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng bắt đầu tăng cao hơn vào ngày 23 tháng Chạp và sức mua tiếp tục tăng trong những ngày cận Tết. Tại một số thành phố lớn (thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ...), ở các chợ truyền thống, sức mua tăng 5 - 10% so ngày thường, đặc biệt, trong các ngày 27 - 29 âm lịch, sức mua tăng mạnh từ 20 đến 30% tại các chợ lẻ do đây là thời điểm bắt đầu nghỉ Tết; đối với hệ thống siêu thị tăng 20 - 25% so với ngày thường. Tuy nhiên, sức mua nói chung vẫn thấp hơn so với quy luật nhiều năm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến tình hình kinh tế - xã hội.

Sang những ngày đầu năm mới, nhu cầu mua hàng hóa không cao. Tại các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ khoảng 42 - 50% so ngày thường; giá các mặt hàng đa số đã trở về mức giá ngày thường, nhiều gian hàng đã kinh doanh buôn bán trở lại, hàng hóa dồi dào, sức bán vẫn chậm và giảm 25 - 35% so với năm ngoái do ảnh hưởng dịch bệnh. Nhiều siêu thị đã đóng cửa muộn và mở cửa sớm trong tuần lễ mua sắm Tết cao điểm, một số siêu thị mở cửa xuyên Tết.

1111.jpg
Thị trường hàng hóa ít biến động mạnh cả trước và sau Tết Nguyên đán

 

Hầu hết các chợ, siêu thị đều đóng cửa vào ngày mùng 1 Tết và mở cửa rải rác từ ngày mùng 2 Tết đến mùng 4 Tết (Saigon Co.op mở cửa vào mùng 2, Hapromart, Winmart mở cửa từ sáng mùng 4). Sang ngày mùng 4/2 (tức mùng 4 Tết), hầu hết các chợ truyền thống, siêu thị đều đã mở cửa trở lại, nhiều cửa hàng nhỏ cũng dần mở cửa để bán “lấy ngày” đầu năm, hoạt động mua bán hầu như trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe chịu ảnh hưởng nhất định từ tình hình dịch bệnh.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính nhận định, về cơ bản, diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng tiêu dùng những ngày trước, trong và sau Tết không có biến động, một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng theo quy luật hoặc theo diễn biến giá thế giới.

Để tăng cường công tác quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết Nguyên đán, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã chỉ đạo toàn ngành Tài chính tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; trong đó, giao nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường công tác theo dõi sát biến động giá cả các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có các biện pháp quản lý, điều hành phù hợp, đi đôi với đó là đẩy mạnh công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong dịp Tết...

7 giải pháp bình ổn giá trị hàng hóa sau Tết

Nhằm bình ổn giá cả thị trường sau Tết Nguyên đán,  Bộ Tài chính  đề xuất các bộ, ngành, địa phương tập trung 7 giải pháp.

Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt, để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung; qua đó, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Thứ hai, theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất, cân đối cung cầu và xuất, nhập khẩu, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.

Thứ ba, trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, năng lượng sau Tết, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương chủ động nắm bắt diễn biến giá xăng, dầu thế giới, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để tính toán mức sử dụng, trích lập quỹ bình ổn giá phù hợp trong kỳ điều hành ngày 11-2 nhằm hạn chế tác động mạnh đến thị trường trong nước.

Thứ tư, giám sát, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Cùng với đó đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như vận tải, nông sản thực phẩm, trông giữ xe...; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, lợi dụng dịp lễ, Tết để tăng giá bất hợp lý, trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả...

Thứ năm, đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, tiếp tục điều hành thận trọng, để bảo đảm dư địa điều hành CPI cả năm. Trên cơ sở các kịch bản cụ thể đã xây dựng đầu năm, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê rà soát, tính toán phương án điều chỉnh, đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động điều hành khi có dư địa.

Thứ sáu, kiểm soát chặt chẽ mức giá và các chi phí nhập, chi phí xuất cấp, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý trực tiếp; đề xuất và chỉ đạo kịp thời việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đối với các địa phương bị thiên tai, bão lũ, dịch bệnh...

Thứ bảy, tiếp tục chú trọng thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, nhất là các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng nhạy cảm đến người dân, công khai, minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng và gây bất ổn thị trường.

Doanh thu bán lẻ hàng hóa của Hà Nội tăng 8,4% trong tháng 1/2022

Liên quan đến thị trường tiêu thụ hàng hóa của Hà Nội vào tháng giáp Tết, theo Cục Thống kê Hà Nội, doanh thu thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố ghi nhận tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước, ước đạt 39.500 tỉ đồng.

Cụ thể, trong tháng 1/2022, Hà Nội cùng với cả nước tiếp tục thực hiện mục tiêu thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế.

Doanh thu thương mại, dịch vụ đã có sự phục hồi mạnh từ cuối năm 2021, cùng với nhu cầu tiêu dùng hàng hóa phục vụ Tết Nhâm Dần của người dân tăng cao nên tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2022 ước đạt 57.900 tỷ đồng, tăng 7,4% so với tháng trước và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 39.500 tỷ đồng, tăng 8,4% so với tháng trước và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu bán lẻ lương thực, thực phẩm tăng 9,9% so với tháng trước và tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tương tự, đồ dùng dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5,3% và tăng 13,3%; gỗ và vật liệu xây dựng tăng 3,7% và tăng 12,9%; đá quý, kim loại quý tăng 2,2% và tăng 45,6%...

Doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 1,8% và tăng 2,6%; doanh thu du lịch, lữ hành đạt 430 tỷ đồng, tăng 2,2% và giảm 7,2%; doanh thu dịch vụ khác đạt 12.800 tỷ đồng, tăng 7% và giảm 0,8%.

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top