Từ đầu năm đến nay, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng kỷ lục, thậm chí giá nhiều loại tăng gấp đôi, gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này khiến nông dân lao đao vì sản xuất giảm bớt lợi nhuận, thậm chí thua lỗ do vật tư nông nghiệp đầu vào đội giá quá nhiều, đầu ra cho nông sản lại không thuận lợi.
Chi phí sản xuất tăng cao
Ông Nguyễn Thanh Hồng, người trồng rau ở xã Suối Cát (Xuân Lộc - Đồng Nai) xót xa, chưa bao giờ nông dân gặp khó khăn như hiện nay vì đầu ra các mặt hàng rau ăn lá bấp bênh, giá bán thấp. Trong khi đó, chi phí đầu vào tăng quá cao, nhất là giá phân bón tăng cao chưa từng có, nhiều loại phân bón tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái
Giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng chưa có điểm dừng trong khi nông sản rơi vào cảnh giảm giá cũng là nỗi lo chung của người trồng cây ăn trái. Bà Nguyễn Thị Oanh ở xã Hưng Thịnh (Trảng Bom- Đồng Nai) lo lắng, suốt những tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19, giá thanh long bán tại vườn có lúc chỉ được 1-2 ngàn đồng/kg, thậm chí cho không vì không có thương lái thu mua. Hiện, giá thanh long tăng lên hơn 10.000 đồng/kg nhưng vẫn thấp hơn giá thành sản xuất đang bị đội lên rất nhiều do giá phân bón, thuốc bảo vệ tăng cao. Nhiều nông dân hiện chỉ đầu tư cầm chừng vì e ngại thua lỗ.
Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến, ông Trần Quang (Xuân Phú - Xuân Lộc) than thở, phân DAP hiện có giá 1,3 triệu đồng/bao 50kg, trong khi cùng kỳ năm ngoái giá chỉ ở mức 680 ngàn đồng; urê trước đây giá chỉ 360 ngàn đồng/bao thì nay vượt quá 800 ngàn đồng/bao… Cả vụ sản xuất vất vả nhưng nông dân hầu như không có lãi, thậm chí lỗ vốn vì giá phân bón tăng cao chiếm hết lợi nhuận. Người trồng lúa càng lao đao hơn vì ngay đầu vụ thu hoạch, giá lúa đã giảm sâu.
Tại xã Sơn Đông, TP. Bến Tre (Bến Tre), vườn bưởi của ông Phạm Thanh Tri đang cho trái chuẩn bị phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ông Tri chia sẻ, từ đầu mùa mưa năm nay, ông chuyển hẳn sang sử dụng phân hữu cơ. Nhờ tận dụng phân dê từ hoạt động chăn nuôi của gia đình, ông tự ủ hoai khoảng 3 - 4 tháng để bón cho bưởi. Đến phân kali bón cho bưởi, ông cũng tìm loại sản phẩm phân hữu cơ sản xuất trong nước, với giá thành vừa phải để sử dụng. Ông nhờ Trung tâm Khuyến nông tỉnh giới thiệu các loại phân bón hữu cơ chất lượng; đồng thời áp dụng biện pháp tỉa trái, không để cây mang nhiều trái. Sử dụng phân hữu cơ rất có lợi, tuổi thọ cây bền và chất lượng trái cũng đảm bảo hơn. Ông Tri cho biết thêm, do nhiều bà con để nhiều trái, chuẩn bị phục vụ thị trường Tết nên phải xài phân vô cơ cây mới đủ sức nuôi trái.
Đảm bảo đủ phân bón
Theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), trong 9 tháng năm 2021, sản lượng sản xuất phân bón trong nước đạt gần 5,7 triệu tấn, tăng gần 235.000 tấn, tương đương tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Cùng đó, 10 tháng, cả nước đã chi 1,114 tỷ USD để nhập khẩu 3,729 triệu tấn phân bón, tăng 18,1% về lượng nhưng tăng tới 42,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Như vậy, với lượng phân bón hàng năm khoảng 11 triệu tấn, ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho rằng, hoàn toàn không lo thiếu phân bón cung ứng cho thị trường trong nước. Đặc biệt, với phân bón DAP, MAP, các nhà máy DAP trong nước có thể tăng công suất để đảm bảo năng lực sản xuất theo thiết kế.
Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan, trong bối cảnh vật tư nông nghiệp tăng cao, giá nông sản giảm, người nông dân suy nghĩ, đắn đo có nên sản xuất tiếp hay không? Đây là việc rất nguy hiểm tới an ninh lương thực quốc gia và phát triển của địa phương, đất nước. Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 2 về việc giá phân bón tăng cao trong thời gian qua, gây nhiều khó khăn cho nông dân và sản xuất nông nghiệp, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận, tình trạng giá phân bón, vật tư nông nghiệp vẫn tăng cao là do giá nguyên liệu đầu vào (chủ yếu nhập khẩu) và chi phí vận tải, logistics tăng cao do đại dịch. “Bộ sẽ có giải pháp bình ổn giá phân bón trong thời gian tới”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh. |
“Việt Nam hiện có 3 nhà máy DAP với công suất mỗi nhà máy là 330.000 tấn/năm. Nếu 3 nhà máy này sản xuất hết công suất cũng có thể gần đáp ứng đủ nhu cầu trong nước về DAP”, ông Phùng Hà cho hay.
Theo đại diện lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, tập đoàn đã chủ động các giải pháp để bình ổn thị trường, tập trung tối đa cho sản xuất, hạn chế và thậm chí là dừng xuất khẩu để phục vụ tối đa cho thị trường trong nước.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và PTNT), cho hay, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước như Phú Mỹ, Cà Mau hay Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đều đã tăng sản lượng sản xuất phân bón để cung ứng từ 15 - 30%, đảm bảo cung ứng phân bón đủ cho sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, ông Hoàng Trung cho rằng, để đảm bảo không thiếu phân bón cho sản xuất, bản thân người dân cũng cần căn cứ tính chất cây trồng để sử dụng phân bón sao cho tiết kiệm và hiệu quả nhất, nếu có thể thì tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ.
Đây chính là chương trình trong những năm vừa qua làm rất tốt, phân bón hữu cơ đã tăng từ mức 0,8 triệu tấn trước đây lên 2,63 triệu tấn năm 2020. “Do vậy, người dân cần tiếp tục phát huy trong điều kiện hiện nay, sử dụng phân bón hữu cơ nhiều hơn trong thời gian tới bởi chúng ta có nguồn phụ phẩm phục vụ cho sản xuất phân bón hữu cơ rất phong phú, như từ phụ phẩm chăn nuôi, thủy sản…”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo ông Hoàng Trung, nếu sử dụng tốt nguồn phân bón hữu cơ sẽ giúp cho người nông dân thay thế một phần phân bón vô cơ. Trong khi đó, phân bón hữu cơ không chỉ cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng mà còn bảo vệ hệ sinh thái đất cho nông nghiệp, đảm bảo độ tơi xốp, hàm lượng dinh dưỡng cho đất, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.