Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 5 tháng 7 năm 2021 | 15:4

Giá thức ăn tăng cao: Người chăn nuôi điêu đứng

Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, dịch tả lợn châu Phi và giá thức ăn tăng cao, người chăn nuôi đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Nhiều nhiều hộ chấp nhận “bỏ nghề” để tránh không bị thiệt hại lớn.

t12.jpg
Trang tại chăn nuôi gà của Công ty Ngọc Mừng.

 

“Điêu đứng” vì giá thức ăn chăn nuôi tăng

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi lại giảm khiến các hộ chăn nuôi cũng như các chủ trang trại phải đương đầu với khó khăn, thách thức mới.

Ở địa phương được coi là “thủ phủ” về chăn nuôi lợn của miền Bắc, ông  Nguyễn Công Chung Nhận, chủ trang trại tại xã Văn Xá (Kim Bảng - Hà Nam) cho biết, trang trại của ông luôn duy trì khoảng 200 con lợn nái và 1.000 con lợn thịt; mỗi tháng tiêu thụ khoảng 80 tấn cám. Năm 2021, giá lợn hơi bắt đầu giảm từ 90.000 đồng/kg xuống đến giờ còn khoảng 63.000 - 65.000 đồng/kg.  Trong khi đó, các đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá, hiện giá cám tăng thêm 50.000 đồng/bao, có loại tăng 70.000 đồng/bao. Chi phí cho 1 con lợn đến ngày xuất chuồng (khoảng100kg/con) riêng thức ăn đã ở mức 3 triệu đồng, tăng khoảng 500 nghìn đồng, cộng với tiền giống, điện nước, thuốc thú y đã lên hơn 6 triệu đồng. Với giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục như thế này, người chăn nuôi không có lãi.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hồng chủ trang trại tại xã Kim Bình (TP. Phủ Lý - Hà Nam) chia sẻ, hiện trang trại của gia đình đang nuôi 400 con lợn nái và gần 2.000 con lợn thịt. Trung bình mỗi tháng, trang trại lợn của gia đình ông tiêu thụ hết 8.000 bao cám (tương đương 200 tấn).

Giá mỗi bao cám tăng 50.000 - 60.000 đồng, đồng thời kéo theo chi phí chăn nuôi mỗi tháng tăng thêm 400 triệu đồng, trong khi giá lợn hơi thì xuống thấp. Vì thế, những hộ chăn nuôi không tự chủ động được con giống phải nhập từ bên ngoài gần như hòa vốn, nếu rủi ro hao hụt trong quá trình nuôi thì thua lỗ là rất cao.

Đã nhiều năm đầu tư nuôi giống gà truyền thống, ông Lê Hồng Thái ở xóm Thống Nhất, xã Đông Tảo (Khoái Châu - Hưng Yên), cho biết, khi gà Đông Tảo được nhiều người tiêu dùng trong Nam, ngoài Bắc tìm mua, người dân đã “phất lên” nhờ chăn nuôi giống gà này, nhiều hộ chăn nuôi đã giàu lên.

Ông Thái cho biết, mỗi con gà Đông Tảo 1 ngày ăn hết khoảng 1.500 đồng tiền cám, chi phí để đến ngày xuất chuồng trong thời gian 6 - 7 tháng là 350.000 đồng, cộng thêm tiền giống 50.000 đồng/con. Như vậy, tiền giống và thức ăn chăn nuôi đến khi gà xuất chuồng hết 400.000 đồng/con.

“Nhưng với giá gà hiện nay chỉ khoảng trên dưới 100.000 đồng/kg, người chăn nuôi  chỉ thu về được 350.000 đồng, như thế lỗ 50.000 đồng/con. Chăn nuôi mà lỗ nhiều thế này thì chịu làm sao nổi, chúng tôi đang “điêu đứng” vì giá thức ăn cao”, ông Thái nói.

Nguy cơ phá sản

Giám đốc Công ty CP Giống gia cầm Ngọc Mừng (Đông Anh - Hà Nội) chia sẻ, Đông Anh trong thời gian vừa qua bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, mọi hoạt động sản xuất bị đình trệ. Khó khăn lại chồng  khó khăn cho doanh nghiệp, bởi gà giống và gà thương phẩm không thể vận chuyển đi các địa phương do phải cách ly - giãn cách, hơn nữa, thời gian vừa qua giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục, thu không thể bù đắp đủ chi phí.

Giám đốc Công ty CP giống gia cầm Ngọc Mừng nói: “Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi như chúng tôi nếu không nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, tổ chức tín dụng để bảo đảm hoạt động sản xuất, tháo gỡ khó khăn do bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và các loại dịch bệnh khác, thì nguy cơ phá sản là rất cao”.

Ông Lê Hồng Thái cũng cho rằng, hiện nay có đến 90% hộ gia đình chăn nuôi gà trên địa bàn xã Đông Tảo không thể “cầm cự” để đầu tư vào nuôi gà nữa, do đó muốn duy trì chăn nuôi nhất thiết phải có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, ngành Ngân hàng. Còn nếu không nhận được sự hỗ trợ  thì chấp nhận “bỏ chuồng”.

Tại Kim Bình, nhiều chủ trang trại cũng như các hộ chăn nuôi cho biết: Chăn nuôi lợn giai đoạn hiện nay  ngoài mối lo về dịch bệnh, còn khó khăn vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi xuất chuồng ngày càng giảm. Vì vậy, nếu không đầu tư chăn nuôi khép kín, đầu tư bài bản, rất dễ thua lỗ.

Cần chính sách hỗ trợ căn cơ

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ, thời gian qua, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do thị trường tiêu thụ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong khi đó, giá cám và nhiều loại nguyên liệu đầu vào khác tăng cao khiến giá thành chăn nuôi bị đội lên nhiều. Còn giá bán ra lại giảm trong khi chi phí chăn nuôi tăng mạnh gây ảnh hưởng nặng nề đến toàn ngành và cho người chăn nuôi.

“Chăn nuôi hiện đang lệ thuộc rất nhiều vào giá thức ăn vì khoảng 75% nguyên liệu thức ăn phải nhập khẩu. Đây là một bất lợi lớn cho ngành chăn nuôi trong nước bởi giá thức ăn chăn nuôi ảnh hưởng đến gần phân nửa giá thành sản xuất.

Để tự chủ nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi không dễ, vì theo ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi, dù trong nhiều năm kêu gọi tự chủ nguyên liệu cho ngành thức ăn chăn nuôi nhưng đều chưa thể thực hiện được.

Đơn cử việc cơ giới hóa trong trồng ngô ở nhiều tỉnh như Sơn La và Đồng Nai đều thất bại, nông dân đều phải bỏ để trồng cây ăn trái mang lại kinh tế cao hơn. Diện tích khoai mì cũng giảm mạnh, sản phẩm đậu nành chất lượng thấp, giá thành sản xuất không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu.

Ông Nguyễn Trí Công cho rằng, để tự chủ nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với Việt Nam là không thể vì diện tích đất của Việt Nam có giới hạn, dân số đông và nhu cầu tiêu thụ các loại thịt sẽ tiếp tục tăng lên. Vì thế, cách tốt nhất với ngành chăn nuôi lợn là nâng cao được chất lượng con giống.

Có thời điểm Việt Nam có đàn lợn nái trên 4 triệu con mới sản xuất đủ lượng lợn giống và lợn thịt cho tiêu thụ trong nước. Trong khi đó, nếu cải thiện được giống lợn bằng 80 - 90% chất lượng lợn các nước tiên tiến, Việt Nam có thể giảm hơn 1 triệu lợn nái mà vẫn đảm bảo đủ lượng lợn thịt cho tiêu dùng nội địa.

“Giảm hơn 1 triệu lợn nái là chúng ta tiết kiệm được cả triệu tấn thức ăn chăn nuôi mỗi năm”, ông Trí Công phân tích.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại, khiến nhiều người chăn nuôi không khỏi lo lắng khi đối diện với cảnh thua lỗ, thậm chí bị phá sản. Để việc chăn nuôi không bị ảnh hưởng, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ căn cơ cho người chăn nuôi duy trì đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo thu nhập  trong thời điểm dịch bệnh hiện nay.

 

 

Ngọc Thủy - Trung Hiếu
Ý kiến bạn đọc
Top