Theo lời kêu gọi của Chính phủ, từ ngày 1/4, 15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn đã cam kết đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng/kg, tuy nhiên, lượng lợn nuôi từ các doanh nghiệp này chưa đủ sức chi phối.
Câu chuyện giá lợn “cố thủ” ở mức cao trên thị trường bán lẻ khiến chúng ta nhớ đến câu chuyện “một quả trứng gà cõng 14 loại phí” và đặt câu hỏi: Giá lợn cao do đâu, khi chuỗi giá trị này có nhiều bộ cùng quản lý?
Phải chăng trả lời được gốc rễ câu chuyện này sẽ có giải pháp hữu hiệu điều chỉnh giá thịt lợn đảm bảo chuỗi giá trị cân đối cho cả người nuôi, người làm dịch vụ và người tiêu dùng.
Hiểu đúng về nguyên nhân giá thịt lợn cao
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường, việc giá lợn hơi tăng cao trong thời gian qua có nhiều nguyên nhân, trong đó, dịch tả lợn châu Phi là nguyên nhân chính khiến nguồn cung thiếu hụt. Dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 dẫn đến tổng thiệt hại mất 20% về số lượng và 9,3 % khối lượng. Từ thiệt hại đó phải khẳng định đây là thiệt hại rất lớn, không chỉ cho người chăn nuôi mà còn gây ra việc tăng giá trên thị trường thịt lợn thời gian qua.
Nguyên nhân thứ nhất, do dịch bệnh gây thiếu hụt nguồn cung. Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, trong đó đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và PTNT, kết hợp cùng địa phương tập trung cho vấn đề gốc rễ, tái đàn. Đến tháng 10/2019, sau khi dịch đi vào ổn định, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có chủ trương kết hợp cùng các địa phương tập trung cho tái đàn.
Kết quả hiện rất khả quan, đến hết quý I/năm 2020, tổng đàn lợn so với tháng 12/2019 đã tăng 6,3%. Cụ thể là đến cuối tháng 3, số đầu lợn là 24.000.000. Với đà này thì đến quý III và đầu quý IV, sẽ đạt số lượng bằng thời kỳ cao nhất cuối năm 2018 và lúc đó chúng ta sẽ có đủ khối lượng để cung cấp cho thị trường.
Thứ hai là do chúng ta chưa đủ lượng sản phẩm thịt lợn để cung cấp cho thị trường theo yêu cầu. Bởi vì trước khi có dịch, mỗi quý chúng ta cần tới 910.000 tấn, vừa qua chúng ta mới đạt 820.000-830.000 tấn. Phải đến quý IV, chúng ta mới đạt được sản lượng đó. Mặt khác, giá thành sản xuất cao, tất nhiên cao vì phải đảm bảo các biện pháp an toàn sinh học, kiểm soát các khâu.
Thứ ba là do có quá nhiều khâu trung gian. Ví dụ như vừa qua 15 doanh nghiệp đồng hành từ 1/4/2020 đưa xuất chuồng 70.000 đồng/kg nhưng bản thân vì lượng lợn ở những doanh nghiệp chưa đủ dẫn đến chưa đủ sức chi phối. Hơn nữa là còn nhiều khâu trung gian, nhất là khâu giết mổ nhỏ lẻ đến khâu bán hàng nhỏ lẻ. Còn nhiều khâu đó dẫn đến người tiêu dùng chưa được hưởng giá thành phù hợp như chúng ta mong muốn”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho rằng, khâu trung gian phân phối đang là đối tượng “nắm giữ” giá thịt lợn. Khi giá tăng, họ nhanh chóng đẩy giá lên. Ngược lại, lúc giá thịt lợn giảm, họ vẫn giữ mức cao với lý do chi phí cộng thêm tăng mạnh. “Khâu này, cơ quan Nhà nước vẫn đang quản lý lỏng lẻo”, ông nhìn nhận.
Trong khi đó, theo đại diện Bộ Công Thương, nguyên nhân quan trọng và cơ bản nhất khiến giá thịt lợn ở mức cao trong thời gian qua là do nguồn cung thịt lợn sản xuất trong nước giảm, còn thiếu so với nhu cầu tiêu dùng, chế biến.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước, cho rằng, giá thịt lợn qua các công đoạn lưu thông và chế biến đến tay người tiêu dùng hiện theo đúng cơ chế thị trường.
Theo ông Tuấn, việc tồn tại khâu trung gian là tất yếu để bảo đảm đưa hàng hóa đến tận tay người mua. Với thịt lợn, khâu trung gian có phần phức tạp hơn do mặt hàng này cần qua các công đoạn sơ chế, chế biến đặc thù trước khi đến tay người tiêu dùng. Giá thịt lợn tăng dần do chi phí tăng tại các khâu của chuỗi cung ứng và chi phí qua các công đoạn giết mổ.
Mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng, giá thịt lợn sẽ tăng trung bình khoảng 8-10% do những đối tượng tham gia đều có chi phí sản xuất và cần mức lợi nhuận tương đương. Nên từ doanh nghiệp chăn nuôi đến người tiêu dùng, giá lợn hơi từ 70.000 đồng/kg sẽ tăng lên khoảng 90.000-100.000 đồng.
Mặt khác, giá thịt lợn thành phẩm còn qua các giai đoạn giết mổ, pha lóc nên bị hao hụt nhiều. Chẳng hạn, 100kg lợn hơi chỉ thu được 55 kg thịt ăn được (gồm cả nạc và mỡ). Vì thế, từ giá thành 70.000 đồng/kg hơi, sau khi giết mổ, chi phí thịt thành phẩm (cả nạc và mỡ) sẽ khoảng 127.000 đồng/kg.
Cắt giảm khâu trung gian
Như vậy, để giảm giá thịt lợn, chúng ta phải tập trung nhiều giải pháp; trong đó giải pháp gốc rễ là phải tập trung tái đàn, tăng đàn. Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp cùng với Hiệp hội và nông dân hợp tăng đàn lợn đảm bảo nhanh nhất nhưng phải an toàn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phải phối hợp chặt chẽ giữa các ngành Nông nghiệp, Công Thương, các địa phương để làm sao giảm bớt khâu trung gian, sao cho con đường từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng phải ngắn nhất. Có như thế người chăn nuôi mới được hưởng lợi, còn người tiêu dùng sẽ được ăn thịt lợn với giá hợp lý.
Ngoài ra, trong ngắn hạn sẽ tiếp tục nhập khẩu sản phẩm thịt lợn trong chừng mực nhất định để đảm bảo cho thị trường.
Đồng thời, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chúng ta phải hướng dẫn tiêu dùng, lựa chọn nhiều sản phẩm như trứng, cá, người tiêu dùng cần san sẻ mua các loại thực phẩm khác để vừa lợi cho sức khỏe vừa có giá cả phù hợp với sức tiêu thụ, vừa không tạo áp lực về một mặt hàng là thịt lợn.
“Như vậy, với việc thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, tin tưởng chúng ta sẽ đủ thực phẩm cung ứng cho nhân dân và có mức giá phù hợp với các đối tượng, kể cả người chăn nuôi đến người làm dịch vụ, người tiêu dùng. Đấy là những nhóm giải pháp cần triển khai đồng bộ, quyết liệt”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay.
Thống kê đến ngày 5/4, cả nước có 90% số xã tại 44 tỉnh, thành phố đã qua 30 ngày không phát sinh các ổ dịch tả lợn châu Phi. 19 tỉnh, thành phố đang có dịch có 95% số xã có ổ dịch đã 30 ngày không có lợn chết. Tính đến ngày 10/3, tổng đàn lợn trên cả nước đạt 24 triệu con, đạt 74% so với tổng đàn lợn trước khi có dịch (31 triệu con lợn vào tháng 12/2018). Trong 3 tháng đầu năm nay, tốc độ tái đàn lợn trung bình trên phạm vi cả nước tăng 6,2%. Dự kiến đến quý III, Việt Nam có thể cân đối được cung cầu thịt lợn cho nhu cầu tiêu dùng trong nước. |
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.