Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 29 tháng 8 năm 2016 | 4:26

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bạc Liêu Bùi Quốc Nam: Nâng cao chất lượng khám - chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh

Hoạt động trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng ngành y tế tỉnh Bạc Liêu vẫn gặt hái được nhiều thành công, đảm bảo nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế nông thôn về thành tựu của ngành giai đoạn 2011 – 2015, ông Bùi Quốc Nam, Giám đốc Sở Y tế Bạc Liêu cho biết:

Với phương châm hết lòng vì người bệnh, ngành y tế Bạc Liêu đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc chăm sóc sức khỏe, khám - chữa bệnh cho nhân dân. Nhờ đó, các chỉ số sức khỏe trong thời gian qua được cải thiện đáng kể. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn, khóm ấp có cán bộ và nhân viên y tế hoạt động; 100% trạm y tế có nữ hộ sinh trung học hoặc y sỹ sản nhi; 64/64 trạm y tế có bác sỹ phục vụ (đạt 100%);  44 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế, chiếm 6875%; 100% trạm y tế xã có vườn thuốc Nam; cơ sở hạ tầng cơ bản hoàn thiện, trang thiết bị thiết yếu được trang bị đầy đủ. Hiện các bệnh viện tỉnh và huyện đã được triển khai xây dựng, có 5/7 bệnh viện đã hoàn tất và đưa vào hoạt động có hiệu quả. Bình quân người dân được khám, điều trị tại các cơ sở y tế trong tỉnh nhiều hơn 2,5 lần/người/năm; tỷ lệ giường bệnh đạt 21,56 giường/vạn dân.

Trao phần thưởng cho cán bộ ngành y tế Bạc Liêu tại Hội nghị sơ kết phong trào thi đua nâng cao y đức.

Nhờ được chăm sóc y tế nên chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên, tuổi thọ trung bình đạt 73; mức sinh giảm, số con trung bình/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm còn 2 con; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên đạt 1,06%0; tỷ suất chết trẻ dưới 1 tuổi nhỏ hơn 14%0;   tỷ lệ sơ sinh cân nặng nhỏ hơn 2.500g là 3,1%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi là 14%; tỷ lệ bác sĩ/vạn dân đạt 7,5; tỷ lệ tiêm chủng các bệnh truyền nhiễm hơn 95%.

Một số bệnh mới hoặc trước đây chủ yếu xuất hiện ở các nước phát triển, nay đang có xu hướng phát triển mạnh trong tỉnh như  ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì, rối loạn chuyển hóa…, đặt ngành y tế vào bối cảnh bệnh tật mới phải đối phó.

Với quyết tâm của lãnh đạo ngành và toàn thể cán bộ y tế trong nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân nên tình trạng sức khỏe nhân dân trong những năm gần đây được cải thiện đáng kể, tần suất mắc bệnh giảm rõ rệt. Các bệnh có vắc xin phòng ngừa đã được khống chế tốt như: Bạch hầu, ho gà, sởi… Tuy nhiên, một số bệnh tỷ lệ mắc và tử vong còn cao: Viêm não, viêm gan vi rút. Một số bệnh trước đây có số người mắc cao và thường gây thành dịch như: Tả, lỵ, thương hàn, dịch hạch... nay cũng đã giảm nhiều và không xảy ra các vụ dịch.

Thời gian gần đây, một số bệnh mới xuất hiện như: Cúm từ gia cầm lây sang người do vi rút tuýp A- H1N1, H5N1,H7N9...  nhưng đã được kịp thời phát hiện và có phác đồ điều trị hiệu quả.

Tình hình nhiễm HIV/AIDS đang gia tăng hàng năm, ở Bạc Liêu, HIV không chỉ giới hạn trong các nhóm có hành vi nguy cơ cao mà ngày càng có nhiều trường hợp phát hiện nhiễm HIV trong các quần thể được cho là “có nguy cơ thấp”. Bệnh nhân nghi AIDS đã đến khám và chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng được khống chế ở mức dưới 0,3%. Các hoạt động can thiệp giảm tác hại của HIV/AIDS đối với cộng đồng tiếp tục triển khai trên địa bàn tỉnh đã mang lại những hiệu quả nhất định.

Để đạt được kết quả này, công tác y tế dự phòng được chúng tôi đặc biệt quan tâm. Các bệnh dịch lây và các bệnh nguy hiểm giảm, một số bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét, tay – chân - miệng…có diễn biến phức tạp nhưng đã giảm đáng kể, được khống chế kịp thời không xảy ra dịch trong nhiều năm liền. Tình hình mắc sốt rét giảm, không có dịch sốt rét xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh.

Chương trình đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được triển khai có hiệu quả, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn giảm, ý thức người dân về an toàn thực phẩm được nâng lên. Chương trình lao được tầm soát và điều trị có hiệu quả, hạn chế lao kháng thuốc. Chương trình phòng chống thiếu hụt i-ốt mang lại kết quả cao, trên 95% địa bàn dân cư được phủ muối i-ốt, tỷ lệ bướu cổ do thiếu iod giảm, tỷ lệ bệnh basedow giảm.

Phẫu thuật cắt amidan tại BVĐK tỉnh Bạc Liêu.

Thế còn công tác  khám, chữa bệnh được triển khai như thế nào, thưa ông?

Mặc dù không tránh khỏi có những lúc sai sót nhưng công tác khám, chữa bệnh của các bệnh viện trong tỉnh có nhiều tiến bộ, đáp ứng được phần lớn nhu cầu phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân. Nhiều kỹ thuật mới được áp dụng  thành công như: Mổ chấn thương sọ não, mổ nội soi, điều trị vô sinh, điều trị chống huyết khối trong nhồi máu cơ tim cấp, gãy xương phức tạp, kết hợp xương, phẩu thuật sọ não, lọc thận nhân tạo, hóa trị liệu trong điều trị ung thư…

Việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng và trang thiết bị tăng nhanh. Số lần khám bệnh trung bình trong 5 năm (2011 - 2015) cho người dân đạt trên 2,7 lần/người; ngày điều trị nội trú bình quân 6,5 ngày/bệnh. Các bệnh viện càng ngày càng thu hút đông bệnh nhân, trong những năm 2011-2013, tình trạng quá tải xảy ra tập trung ở bệnh viện tỉnh (trên 120%) và một số bệnh viện huyện như BVĐK Giá Rai, BVĐK Hồng Dân. Tuy nhiên, với các giải pháp chống quá tải bệnh viện được triển khai, đến nay tình trạng quá tải giường bệnh đã giảm rõ ở tuyến tỉnh và công suất sử dụng giường bệnh các bệnh viện huyện được nâng lên, các bệnh viện huyện đã thu hút được lượng người bệnh tại địa phương, giúp giảm tải ở bệnh viện tỉnh .  

Khả năng tiếp cận của người dân với dịch vụ khám - chữa bệnh được cải thiện: Chất lượng dịch vụ khám - chữa bệnh đã được nâng lên, ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị  được đẩy mạnh. Việc thực hiện các kỹ thuật theo phân tuyến kỹ thuật đúng quy định của Bộ Y tế, công tác chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả thông qua công tác chỉ đạo tuyến. Thực hiện Đề án 1816 tiếp nhận chuyển giao khoa học kỹ thuật của bệnh viện tuyến trên.

Mạng lưới khám - chữa bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi được triển khai thực hiện rộng khắp từ tỉnh đến tận các trạm y tế xã, phường, thị trấn. Tất cả 7 bệnh viện đều có khoa nhi, với đội ngũ bác sỹ chuyên khoa, trang thiết bị được chuẩn bị đầy đủ, đáp ứng tốt việc cấp cứu  và điều trị nội trú cho trẻ em. Tất cả trẻ dưới 6 tuổi đều được khám - chữa bệnh miễn phí, công tác khám bệnh cho các đối tượng có thẻ BHYT được triển khai thực hiện tốt. 64/64 trạm y tế xã, phường, thị trấn có cán bộ chuyên trách y học cổ truyền và có tổ đông y hoặc phòng chẩn trị. 100% bệnh viện có phòng khám y học cổ truyền.

Đến nay, tổng số cán bộ ngành y tế của tỉnh là 3.228 người, trong đó bác sĩ là 637 người (sau đại học 286 người); dược sĩ 91 người; cử nhân đại học điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên 109 người. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn còn thiếu nhân lực chuyên môn kỹ thuật chuyên sâu để bố trí về các bệnh viện. Hiện tượng dịch chuyển bác sĩ từ bệnh viện công sang bệnh viện tư còn tồn tại, là một thách thức lớn cho ngành y tế. Công tác đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho bác sĩ, dược sĩ dù đã được quan tâm, chính sách thu hút nhân lực có trình độ cao về tỉnh phục vụ được triển khai thực hiện nhưng do Bạc Liêu là tỉnh nghèo nên việc thu hút và giữ chân cán bộ có trình độ chuyên môn sâu là điều khó khăn.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, khám - chữa bệnh cho nhân dân, xin ông cho biết các giải pháp ngành sẽ thực hiện trong thời gian tới?

Chúng tôi sẽ tiếp tục củng cố tổ chức mạng lưới ngành y tế từ tỉnh đến cơ sở theo mô hình chung và bám sát lộ trình quy hoạch tổng thể ngành y tế, đảm bảo bộ máy đủ về số, mạnh về chất, hoàn thành tốt các nhiệm vụ của ngành. Đào tạo các loại hình cán bộ phục vụ cho nhiệm vụ trước mắt và lâu dài, đáp ứng yêu cầu phát triển tại từng đơn vị trong toàn ngành một cách bền vững. Tích cực, chủ động phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra trên địa bàn; nâng cao chất lượng hoàn thành các chương trình mục tiêu y tế - dân số; chú trọng công tác quản lý sức khoẻ, phòng chống bệnh nghề nghiệp, y tế trường học, sức khoẻ người già. Nâng cao chất lượng khám, điều trị, sử dụng có hiệu quả các phương tiện cận lâm sàng và trang thiết bị hiện có phục vụ cho chẩn đoán, điều trị. Phát triển các dịch vụ kỹ thuật cao, ứng dụng khoa học y học, phát triển các chuyên khoa sâu cần thiết phục vụ và đáp ứng mô hình bệnh tật trước mắt và lâu dài. Phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ khám và điều trị tại các tuyến đáp ứng nhu cầu CSSK ngày càng cao của nhân dân tại cơ sở, góp phần giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.  Thực hiện các giải pháp nhằm đạt chỉ tiêu giảm tỷ lệ phát triển, nâng cao chất lượng, ổn định dân số. Tăng cường xã hội hoá công tác y tế, thu hút vốn đầu tư của các thành phần ngoài công lập nhằm tăng cường nguồn lực phục vụ sức khoẻ nhân dân. Cung cấp đủ thuốc thiết yếu và thuốc đặc trị cho công tác khám, điều trị, bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trên toàn địa bàn. Phát động phong trào nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học trong mọi lĩnh vực từ phòng bệnh đến điều trị; thi đua học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm chuyển biến rõ rệt về y đức, dược đức cho cán bộ công chức toàn ngành, trách nhiệm đối với bệnh nhân; thực hiện quy chế văn minh giao tiếp trong bệnh viện, lịch sự, dịu dàng, niềm nở, chu đáo với người bệnh và người nhà bệnh nhân, văn hoá trong giao tiếp ở các cơ quan nhà nước. Tăng cường công tác cải cách hành chính trong quản lý. Giám sát, kiểm tra, thanh tra trên mọi lĩnh vực để phát huy ưu điểm, uốn nắn khắc phục kịp thời những tồn tại yếu kém, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Xin chân thành cảm ơn ông!

Thái Đào (thực hiện)

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top