Số ca sốt xuất huyết tại Hà Nội trong tuần qua giảm 30% so với cao điểm, song vẫn tiếp tục dịch dự kiến đến tháng 11.
Đến nay Hà Nội đã ghi nhận hơn 27.700 ca sốt xuất huyết, 7 người tử vong. Tuần vừa qua thành phố có hơn 2.300 trường hợp mắc mới, giảm gần 500 ca so với tuần trước và giảm hơn 30% so với tuần cao điểm. Đây là tuần thứ 4 liên tiếp Hà Nội ghi nhận số bệnh nhân chững lại, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết tại họp ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chiều 14/9.
“Hà Nội vẫn đang quyết liệt phòng chống dịch sốt xuất huyết dù dịch đã chững lại và có xu hướng giảm. Theo chu kỳ, đến tháng 11 vẫn còn là đỉnh dịch”, ông Hạnh nói.
Số ca sốt xuất huyết của Hà Nội từ đầu năm đến ngày 10/9 (tính theo tuần).
Tỷ lệ hộ dân được phun hóa chất diệt muỗi song bỏ sót ổ bọ gậy tại nhiều nơi vẫn còn cao. Phường Mai Động (quận Hoàng Mai), tỷ lệ phun thuốc diệt muỗi 70% hộ dân song 15% nhà còn sót ổ bọ gậy; tại xã Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì), con số này là 65% và 15%. Phường Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm), tỷ lệ phun chỉ đạt 55% số hộ, 40% nhà còn sót ổ bọ gậy.
TP HCM hai tháng qua số ca mắc sốt xuất huyết cũng không tăng. Tính từ đầu năm đến nay thành phố ghi nhận hơn 14.000 ca, tăng 26% so cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, dịch sốt xuất huyết có xu hướng giảm, hiện chỉ còn 10 tỉnh thành tăng bệnh nhân. Tuy nhiên, nếu chủ quan lơ là, dịch sẽ quay lại. Thứ trưởng Long đề nghị tất cả địa phương ưu tiên công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết từ nay đến tháng 11. Diệt loăng quăng, bọ gậy vẫn hết sức quan trọng.
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận gần 125.000 trường hợp sốt xuất huyết, 29 người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân nhập viện tăng 44%, số tử vong tăng 10 trường hợp.
Bệnh sốt xuất huyết truyền qua muỗi đốt do virus Dengue gây ra, với 4 tuýp virus gồm D1, D2, D3 và D4. Muỗi truyền bệnh thường hoạt động hút máu vào ban ngày, hai thời điểm cao nhất là sáng sớm (lúc mặt trời mọc) và chiều tối (mặt trời sắp lặn). Thời gian muỗi sốt xuất huyết hoạt động mạnh nhất vào khoảng một giờ trước khi mặt trời lặn. Tuy nhiên chúng có thể hoạt động hút máu suốt ngày, thậm chí cả ban đêm nhưng ở mức độ rất thấp.
Theo Nam Phương/VnExpress.net