Món ăn chế biến từ lá mơ lông và nước mơ ngâm giúp nhuận tràng, đại tiện dễ dàng.
Bác sĩ Phạm Ánh Ngân, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM Cơ sở 3, cho biết y học cổ truyền có nhiều vị thuốc, thực phẩm giúp hỗ trợ tiêu hóa, mềm phân. Trong đó, lá mơ lông hay mơ tam thể là bài thuốc đơn giản và hiệu quả vì dễ kiếm, dễ mua. Lá mơ có tính mát, giúp giải nhiệt, nhuận tràng, lá chứa chất tanin và akaloid - giúp kháng viêm, ứng dụng trong điều trị táo bón.
Lá mơ cũng giống như lá ngải cứu, lá lốt... thường được thái nhỏ và trộn vào với thịt, trứng làm món thịt cuộn, trứng chiên, trứng hấp lá mơ. Ngoài ra có thể giã nhuyễn lá mơ lấy nước trộn vào bột làm bánh lá mơ, bánh tằm lá mơ... Các món ăn này có thể dùng hàng ngày, như một nguyên liệu trong bữa ăn gia đình với lượng dùng vừa phải.
Nước mơ ngâm với vị chua ngọt, làm kích thích tăng tiết dịch trong hệ tiêu hóa cũng là một phương thuốc dân gian giúp trị táo bón hữu ích, theo bác sĩ Ngân. Vị thuốc này xuất hiện cả trong y học cổ truyền các nước châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc.
Nước mơ ngâm được pha chế giống như các loại thức uống khác như nước sấu dầm, nước chanh. Mùa hè nóng có thể uống một cốc khoảng 350 ml nước mơ ngâm pha loãng, thêm đá lạnh, vừa giúp giải nhiệt, vừa tốt cho hệ tiêu hóa. Mỗi tuần dùng 2-3 ly nước mơ ngâm là phù hợp. Vì mơ có vị hơi chua, lưu ý không dùng khi đang đói, và thận trọng trên người có bệnh lý dạ dày. Đặc biệt, những người có vấn đề về rối loạn chuyển hóa đường, như bệnh nhân đái tháo đường khi sử dụng nước mơ ngâm đường cần tham khảo trước ý kiến bác sĩ.
Mơ ngâm với rượu khoảng 35 độ cồn cũng là một thức uống hỗ trợ tiêu hóa tốt. Tuy nhiên, người bị táo bón không nên sử dụng rượu ngâm có nồng độ cồn cao, không rõ nguồn gốc.
Bên cạnh đó, để điều trị dứt điểm táo bón, cần uống đủ nước, trung bình hai lít mỗi ngày ở người trưởng thành. Đồng thời xây dựng khung thời gian đi đại tiện cố định trong ngày, vận động rèn luyện thể lực, hạn chế ngồi lâu, tham khảo ý kiến chuyên gia về các thuốc đang sử dụng có tác dụng phụ gây táo bón.
Theo bác sĩ Ngân, trong tiêu chí Rome (tiêu chuẩn quốc tế trong đánh giá các rối loạn chức năng tiêu hóa) táo bón là khi người bệnh có ít nhất hai trong các triệu chứng, như đi tiêu ít hơn ba lần mỗi tuần; khó khăn trong đại tiện; phân cứng; cảm giác tắc nghẽn hậu môn trực tràng; cảm giác đi tiêu không hết; phải dùng tay hỗ trợ trong lúc đại tiện (ví dụ phải dùng tay moi phân hay đè ép thành bụng).
Táo bón được phân thành hai nhóm, gồm rối loạn chức năng và do nguyên nhân thực thể. Các nguyên nhân thực thể có thể là khối u gây chèn ép lòng đại tràng, khối u vùng tủy - thắt lưng, bệnh lý nội tiết, cơ thắt hậu môn chặt... Đối với táo bón do rối loạn chức năng, thường bị ảnh hưởng nhiều bởi yếu tố tâm lý như căng thẳng, thay đổi môi trường sống, thói quen đi đại tiện, thói quen ăn uống và tập luyện.
Táo bón không chỉ gây ám ảnh dai dẳng ở người bệnh, còn là dấu hiệu và nguyên nhân thúc đẩy các bệnh lý đại tràng, trĩ, nứt kẽ hậu môn... Do đó, bác sĩ khuyến cáo, người bị táo bón dù xuất hiện triệu chứng trong thời gian ngắn cũng cần đến bệnh viện thăm khám để tìm nguyên nhân và có phác đồ điều trị phù hợp.