Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ tư, ngày 26 tháng 5 năm 2021 | 15:9

Hệ lụy và giải pháp ứng phó trước “bão giá” thức ăn chăn nuôi

Lẽ thường, giá thức ăn chăn nuôi (TACN) tăng sẽ kéo theo giá thịt lợn, gia cầm thương phẩm tăng. Tuy nhiên, thời gian qua, khi giá TACN tăng cao nhưng giá thịt lợn lại giảm, khiến doanh nghiệp chế biến thức ăn và người chăn nuôi “điêu đứng”.

t12.jpg
Ông Lê Hồng Trường, ở thôn Đông Tảo Nam (Khoái Châu - Hưng Yên) bên đàn lợn vừa tái đàn.

 

Doanh nghiệp sản xuất khó “cầm cự”

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Công ty TNHH Lạc Hồng, chuyên sản xuất TACN, cho biết: Thời gian qua, giá nguyên liệu chế biến TACN trên thị trường thế giới tăng khá cao và liên tục, các doanh nghiệp chế biến thức ăn trong nước không thể không tăng theo. Với đà tăng thế này, doanh nghiệp sản xuất, chế biến TACN khó mà “cầm cự nổi”.

Có đến trên 80% nguyên liệu để chế biến TACN phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Hiện, giá nguyên liệu dùng cho sản xuất TACN tăng khá cao, có loại tăng đến 90%, như ngô Nam Mỹ. Trước đây, ngô Nam Mỹ chỉ có giá 5.100 đồng/kg thì  nay lên đến 8.200 đồng/kg.

“Hơn thế nữa, giá ngô trong nước cao hơn nhiều so với giá ngô nhập khẩu, thời điểm năm 2020, giá ngô trong nước là 6.000 đồng/kg, nhưng giá ngô nhập khẩu chỉ có 4.000 đồng/kg, các doanh nghiệp chế biến TACN không dại gì mua ngô trong nước để sản xuất”, vị lãnh đạo doanh nghiệp này nói.

Một chủ một doanh nghiệp sản xuất TACN ở Đồng Nai cho biết, 2 tháng nay, hầu như doanh nghiệp không có lợi nhuận vì giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, trong khi đó, giá sản phẩm bán ra phải giữ ổn định để hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp chăn nuôi.

“Dịch Covid-19 đang khiến sản lượng tiêu thụ giảm, trong khi đó, giá nguyên liệu nhập khẩu từ thị trường thế giới tăng chóng mặt khiến doanh nghiệp chúng tôi khá chật vật”, chủ doanh nghiệp này chia sẻ.

Nguy cơ bỏ đàn

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tính từ tháng 11/2020 đến nay, đã có 76 lần tăng giá TACN với lợn và gia cầm, và tháng nào cũng có một đợt tăng giá. Trong khi giá TACN vẫn đang có xu hướng tăng, thì giá lợn lại giảm. Ở Đồng Nai, giá lợn hơi đã xuống dưới 70.000 đồng/kg.

Ông Đoán cho biết, với mức giá lợn hơi hiện tại, nhiều hộ chăn nuôi đang đứng trước nguy cơ thua lỗ, bởi giá thành chăn nuôi lợn trong thời gian qua tăng khá nhiều khi mà giá con giống tăng cao, giá thức ăn tăng liên tục, rồi các chi phí cho an toàn sinh học để phòng chống dịch tả lợn châu Phi.

Anh Nguyễn Văn Hùng (Khoái Châu - Hưng Yên) cho biết, gia đình nuôi khoảng 200 con lợn thịt và nái. Từ đầu năm 2021, anh phải bán bớt lợn bởi không gánh nổi chi phí. Riêng tiền TACN, so với năm ngoái, mỗi tháng anh phải chi thêm 40 triệu đồng.

“Nếu mức giá bình quân hiện nay khoảng 70.000 đồng/kg lợn hơi, chúng tôi nuôi khéo lắm cũng chỉ lãi được 600.000 - 1.000.000 đồng/con. Nếu giá thức ăn tiếp tục tăng cao, càng nuôi chúng tôi càng lỗ”, anh Hùng nói.

Anh Phạm Bá Thắng, hộ chăn nuôi quy mô lớn ở xã Ngọc Lũ (Bình Lục - Hà Nam), cho biết, gia đình anh bình thường nuôi 300 - 500 con lợn thịt. Nếu mức giá bình quân khoảng 65.000 đồng/kg lợn hơi, chúng tôi nuôi khéo lắm cũng không đủ bù chi phí, đấy là chưa kể đến rủi ro dịch bệnh.

Ông Hoàng Mạnh Ngọc, Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia cầm Ngọc Mừng ở xã Liên Hà, huyện Đông Anh (Hà Nội) cho biết, giá các loại cám cho gia cầm đã tăng từ 800 đồng/kg lên 1.200 - 1.300 đồng/kg. Với tổng đàn 2,5 vạn con gà như hiện nay và giá bán trứng chỉ 1.100 đồng/quả, giá gà giống là 10.000 đồng/con, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước thì trung bình mỗi tháng, công ty thua lỗ hơn 10 triệu đồng.

Việc giá TACN liên tục tăng trong thời gian qua, đã làm cho người chăn nuôi vô cùng khó khăn, vất vả, với đà tăng giá này, nguy cơ người chăn nuôi không phải bỏ đàn vì dịch bệnh mà phải ngừng chăn nuôi do giá thức ăn quá cao. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi đang “gượng dậy” sau ảnh hưởng nặng của dịch tả lợn châu Phi.

Giải pháp ứng phó

Tổng cục Thống kê chỉ ra nguyên nhân TACN tăng là do nguồn cung nguyên liệu TACN trên thế giới giảm, chi phí vận chuyển nguyên liệu nhập khẩu tăng cao từ việc thiếu tàu biển và container ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, biến đổi khí hậu làm mất mùa. Một số nước chuyển hướng đầu tư nông sản và Trung Quốc tăng thu mua nguyên liệu TACN làm cho giá TACN trên thế giới tăng.

Theo ông Nguyễn Xuân Dương, nguyên quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi, đứng trước việc nguyên liệu đầu vào cho sản xuất TACN có giá cao, các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh TACN cần chủ động tìm kiếm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu TACN trong nước có thể thay thế được nhập khẩu để chế biến TACN. Điều này vô cùng cần thiết cho hiện tại và sau này, vì khi chủ động được nguyên liệu đồng nghĩa với việc chúng ta chủ động được giá.

Cùng với đó, các cơ sở chăn nuôi cần áp dụng tối đa tiến bộ kỹ thuật và công nghệ cao trong chăn nuôi về chuồng trại, thiết bị, con giống, quản trị trại thật tốt để tăng tối đa hiệu quả sử dụng TACN...

Ông Dương cảnh báo:  "Nếu người dân nuôi không duy trì quy mô đang thực hiện, sẽ có nguy cơ thiếu sản phẩm thịt gà vào quý II và quý III năm 2021".

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến  yêu cầu doanh nghiệp sản xuất TACN  theo dõi sát diễn biến thị trường nguyên liệu TACN trong nước và trên thế giới để có kế hoạch mua nguyên liệu và có kế hoạch điều chỉnh biến động tăng giá, thời gian tăng giá sản phẩm TACN phải phù hợp tình hình thực tế và điều kiện sản xuất của người chăn nuôi, không gây xáo trộn sản xuất ngành chăn nuôi, nhất là mặt hàng TACN gia cầm...

Bộ Nông nghiệp và PTNT đã kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương tiến hành đàm phán song phương với các nước mà Việt Nam nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu TACN như Mỹ, Achentina...; có chính sách ưu đãi về giá, ưu tiên đáp ứng đủ số lượng và đảm bảo chất lượng nguyên liệu thức ăn cho thị trường TACN tại Việt Nam.

Cục Chăn nuôi dự báo, thời gian tới, giá TACN sẽ còn tăng 5-10% (500-1.000 đồng/kg), tùy loại. Đến hết quý 2/2021, giá thức ăn chăn nuôi chưa có chiều hướng giảm ngay và dự kiến sẽ chỉ giảm dần hoặc bắt đầu ổn định từ tháng 7.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top