Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 23 tháng 8 năm 2021 | 13:56

Hỗ trợ sản xuất và lưu thông hàng hóa vượt dịch

Nhiều tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch Covid-19 đã làm đứt gãy hoạt động vận chuyển hàng hóa, gây nên tình trạng ùn ứ nông sản ở nhiều địa phương, do đó, cần các giải pháp hỗ trợ sản xuất và lưu thông hàng hóa vượt dịch.

dinh.jpg
Nhờ phát triển chuỗi liên kết, nhiều sản phẩm nông nghiệp của Hà Nội, trong đó có rau VietGAP của Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) có "đầu ra" ổn định.

 

Hà Nội: Chuỗi liên kết nông nghiệp đảm bảo thông suốt

Các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội hiện hoạt động thông suốt, vượt qua dịch bệnh, phát huy hiệu quả trong việc bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn với giá ổn định cho người tiêu dùng Thủ đô.

Trong khi các hộ sản xuất nhỏ lẻ gặp khó trong khâu vận chuyển, tiêu thụ nông sản thì hoạt động của các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ vẫn ổn định.

Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi và Dịch vụ Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường cho biết, chuỗi thịt lợn sinh học Quốc Oai vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường. Nhằm bảo đảm tiêu thụ sản phẩm trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hợp tác xã đã chủ động liên kết với một số cửa hàng tiện ích; cập nhật thông tin lên các trang bán hàng trực tuyến nên lượng thịt lợn tiêu thụ tăng 30%. Chỉ tính trong 1 tháng gần đây, hợp tác xã đã bán ra thị trường 25 tấn thịt lợn hơi với giá ổn định.

Tương tự, chuỗi sản xuất, cung ứng thực phẩm sạch của Công ty cổ phần Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín), Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp xã Đặng Xá (huyện Gia Lâm) cũng duy trì ổn định trong đại dịch. Mối liên kết chặt chẽ với hơn 100 cơ sở sản xuất và 90 cửa hàng phân phối đã giúp Organic Green bảo đảm đầu ra ổn định cho sản phẩm. “Do nhiều chợ dân sinh tạm đóng cửa, người mua có xu hướng tìm đến sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng; đồng thời công ty có chương trình giảm giá 15% tất cả các mặt hàng, hỗ trợ giao hàng miễn phí với đơn hàng từ 800.000 đồng trở lên, nên lượng hàng bán ra tăng gấp đôi so với giai đoạn chưa có dịch”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Organic Green Nguyễn Văn Chữ thông tin.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ (huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào cho hay, dịch Covid-19 ảnh hưởng nhất định tới hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, do đã liên kết với Công ty TNHH An toàn thực phẩm Hà Nội (quận Cầu Giấy) và Công ty TNHH Sản xuất thương mại và dịch vụ Liên Anh (huyện Hoài Đức) bảo đảm được khâu tiêu thụ nên hiện hợp tác xã vẫn duy trì ổn định sản xuất rau xanh trên diện tích 33ha, mỗi ngày cung cấp hơn 10 tấn rau các loại.

Dưới góc độ người tiêu dùng, chị Kiều Thị Thanh (phường Phương Mai, quận Đống Đa) chia sẻ: "Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, thay vì ra chợ, gia đình tôi đã mua thực phẩm của một số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản tại siêu thị gần nhà. Thực phẩm tươi ngon, xuất xứ rõ ràng, nên gia đình tôi rất yên tâm".

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn nhận xét, 141 chuỗi liên kết hoạt động thông suốt trong thời gian thành phố thực hiện giãn cách xã hội đã góp phần bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn cho người dân. Sở NN&PTNT đã phối hợp với các tổ kiểm soát liên ngành phòng, chống dịch Covid-19 tại cửa ngõ Thủ đô để giải quyết thủ tục nhanh gọn, ưu tiên “luồng xanh” vận chuyển lương thực, thực phẩm, vật tư nông nghiệp... đến các kênh phân phối.

Các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội thời gian qua hoạt động thông suốt, song do còn nhiều hạn chế nên chưa phát huy tối đa lợi thế. Theo Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí, sản xuất nhỏ lẻ dẫn tới khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng sản phẩm cũng như thương hiệu chưa mạnh là điểm yếu chung của hầu hết các chuỗi nông sản, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chia sẻ quan điểm này, Giám đốc Công ty TNHH VinaGAP Việt Nam Trần Mạnh Chiến (quận Hà Đông) cho rằng, chỉ khi nông dân sản xuất theo chuỗi, liên kết với doanh nghiệp mới giải quyết được “bài toán” được mùa mất giá, tiêu thụ ổn định trong mọi hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh...

Để thúc đẩy chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn thông tin, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn theo mô hình chuỗi liên kết; chú trọng việc đăng ký nhãn hiệu, xây dựng thương hiệu, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Quốc Oai sẽ tổ chức các hội thảo, diễn đàn trao đổi giữa doanh nghiệp và hợp tác xã để thúc đẩy ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản.

Còn Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho hay, trước mắt, để hỗ trợ các chuỗi phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là những sản phẩm của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Chi cục sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của thành phố và các địa phương tăng cường công tác kết nối, tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn. Về lâu dài, Chi cục và các chuỗi liên kết sẽ phối hợp chặt chẽ để đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử; các mạng xã hội Facebook, Zalo…

Về vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngành Nông nghiệp Hà Nội sẽ rà soát quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh; thúc đẩy đăng ký và quản lý mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đồng thời, tăng cường kết nối với các doanh nghiệp có khả năng đầu tư lâu dài, sẵn sàng chia sẻ lợi ích với nông dân để xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị, ổn định đầu ra cho nông sản Thủ đô.

Nam Định: Hỗ trợ, đảm bảo cho nông dân ổn định phát triển sản xuất

Thời gian qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến mọi mặt đời sống xã hội, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong đó, nông dân hiện đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ nông sản, giá bán sụt giảm. Trước tình hình trên, các cấp Hội Nông dân (HND) trong tỉnh đã có giải pháp hỗ trợ, đảm bảo cho nông dân ổn định phát triển sản xuất.

Hợp tác xã (HTX) Tiến Đạt, xã Hải Triều (Hải Hậu) chuyên khai thác, chế biến cá khô phục vụ thị trường trong và ngoài nước, chủ yếu là Trung Quốc, doanh thu các năm trước đạt gần 2 tỷ đồng.

 

images1334789_untitled_1.jpg
Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ tiêu thụ hành tím cho nông dân tỉnh Sóc Trăng.

 

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc gặp nhiều khó khăn đã tác động đến tình hình sản xuất, kinh doanh của HTX. Còn tại HTX sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản Xuân Hòa (Xuân Trường) chủ yếu nuôi các loại cá lăng, trắm đen, trắm cỏ, cá chép, đối mục, tôm thẻ chân trắng cũng gặp khó khăn trong tiêu thụ vì phần lớn sản phẩm trước đây được bán cho các nhà hàng đặc sản. Không chỉ ở lĩnh vực kinh tế tập thể, đối với các hộ trồng trọt, chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại hoặc chăn nuôi nhỏ lẻ cũng chịu ảnh hưởng lớn của dịch do các nhà hàng, khách sạn, quán ăn, trường học, bếp ăn tập thể tạm dừng hoạt động, chợ dân sinh thực hiện giãn cách xã hội nên sức mua giảm. 

Ông Kim, chủ trang trại nuôi cá ở xã Xuân Tân (Xuân Trường) cho biết, trước đây, 2 ao cá của gia đình mỗi năm xuất bán 50 tấn cá, sau khi trừ chi phí thu nhập khoảng 300 triệu đồng. Thời điểm dịch bệnh, giá cá giảm mạnh, ao cá thương phẩm trọng lượng mỗi con đạt vài kg trong lúc chờ xuất bán vẫn phải duy trì nguồn thức ăn hàng ngày với chi phí lớn, chưa kể tiền điện, thuốc vi sinh để xử lý nguồn nước ao nuôi… Giá thức ăn tăng 30-40% so với cùng kỳ năm ngoái đã ảnh hưởng đến lợi nhuận của người dân. Nhiều hộ chăn nuôi gà, vịt, tôm, ếch, các loại cá đặc sản như cá lăng, cá chép giòn cũng rơi vào tình cảnh đầu ra bị bế tắc, tiêu thụ chậm.

Gia đình ông Minh ở thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng) trước đây nuôi ổn định 14 ao tôm thẻ chân trắng thương phẩm, 20 bể ương tôm giống, mỗi năm thu lãi vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, do dịch bệnh COVID-19, giá thức ăn tăng cao, đầu ra bế tắc, giá bán sản phẩm giảm sâu, kinh phí duy trì trang trại eo hẹp nên ông buộc phải giảm quy mô nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm từ 14 ao xuống còn 2 ao; hệ thống bể ương cũng được rút gọn. Tại các vùng nuôi cá Koi làm cảnh ở các xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc), Tân Khánh (Vụ Bản)…, dịch COVID-19 khiến nhu cầu chơi giảm mạnh, giá cá giảm từ 200 nghìn đồng/kg xuống còn 100 nghìn đồng/kg mà không có người mua. Các hộ trồng hoa cũng rơi vào tình trạng khó khăn do không tiêu thụ được thị trường ngoài tỉnh, giá bán cũng quá thấp. Theo một hộ dân trồng hoa ở xã Mỹ Tân, giá hoa cúc có thời điểm chỉ 10-12 nghìn đồng một bó 50 bông…

Trước thực trạng trên, các cấp HND trong tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên tổ chức lại sản xuất, chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm và trong nuôi trồng thủy sản; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Phối hợp, nhận ủy thác với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, đồng thời đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ Hỗ trợ nông dân nhằm hỗ trợ, giúp đỡ hội viên mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa, phát triển ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng và phát triển mô hình kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo việc làm, thúc đẩy việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, khai thác tiềm năng thế mạnh của từng vùng để tạo ra các nông sản có chất lượng, hiệu quả.

Đến nay, tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp trong tỉnh là 26 tỷ 648,3 triệu đồng cho 1.259 hộ vay. Tổng dư nợ từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là 10.409 tỷ đồng cho 45.225 hộ vay; dư nợ từ Ngân hàng Chính sách xã hội là 1.282,77 tỷ đồng cho 39.028 hộ vay. Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được đẩy mạnh. HND các cấp đã vận động nông dân tích cực tham gia dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, tái cơ cấu ngành nông nghiệp; sản xuất theo hướng hàng hóa có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao giá trị sản xuất.

Bên cạnh đó, các cấp Hội tiếp tục tổ chức tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, phối hợp với các doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp cho nông dân theo hình thức trả chậm; tăng cường chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất cho nông dân; vận động hội viên sản xuất an toàn và liên kết theo chuỗi giúp nông dân tiêu thụ nông sản gắn với thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của tỉnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030. Ngoài ra, HND tỉnh tiếp tục thực hiện chương trình phối hợp hoạt động với Liên minh HTX tỉnh về đẩy mạnh phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thúc đẩy cải tiến trang thiết bị, công nghệ mới, đầu tư chiều sâu, hiện đại hóa sản xuất, cải tiến tổ chức quản lý để đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh ngày càng cao. Các cấp HND trong tỉnh còn tiếp tục chỉ đạo xây dựng mới các mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp nhằm tạo sự liên kết, gắn bó các hội viên có chung lợi ích và trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo chuỗi giá trị, làm tiền đề cho việc thành lập các tổ hợp tác, HTX. Đến nay toàn tỉnh đã có 44 mô hình chi HND nghề nghiệp, tổ HND nghề nghiệp với 881 thành viên tham gia.

Nhờ chủ động thực hiện các biện pháp hỗ trợ đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, các cấp HND trong tỉnh đã tạo điều kiện để nông dân yên tâm duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống, góp phần từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội.

Hưng Yên: Nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn

Thời điểm này, huyện Văn Giang có 2 xã Xuân Quan và Phụng Công tập trung sản xuất các loại hoa, cây cảnh trang trí với hàng chục triệu bịch hoa, chậu hoa các loại. Những năm trước, thời điểm này, các cánh đồng hoa ngoài bãi tất bật người thu mua, vận chuyển hoa mang đi tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành phố trên cả nước.

 

img_1237_result_20210817074713.jpg
Nông dân xã Xuân Quan (Văn Giang) chăm sóc hoa, cây cảnh.

 

Ông Nguyễn Hoàng Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Văn Giang, cho biết: Các loại hoa trang trí trên địa bàn huyện chủ yếu được trồng theo mùa và được xuất bán sau 3-4 tháng gieo trồng. Do đó, các loại hoa trang trí đến thời điểm xuất bán mà không có thương lái tới thu mua sẽ phải nhổ bỏ, dọn vườn để chuẩn bị trồng vụ hoa Tết. Mặc dù ảnh hưởng tới kinh tế của gia đình nhưng các nhà vườn trên địa bàn huyện cơ bản chấp hành các quy định phòng, chống dịch Covid-19, các địa phương trồng hoa, cây cảnh kiểm soát chặt người ra vào địa bàn…

Xã Yên Phú (Yên Mỹ) hiện có trên 300 ha trồng rau màu các loại. Sản xuất rau màu là hoạt động mang lại nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ nông dân nơi đây. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều diện tích rau đến thời kỳ thu hoạch nhưng đã quá lứa do không có thương lái tới thu mua, thị trường tiêu thụ hạn chế.

Đầu tháng 8, chúng tôi bắt gặp nhiều ruộng rau ăn lá của người dân xã Yên Phú như: Rau cải, rau muống… đến kỳ thu hoạch mà không được cắt bán, một số ruộng rau quá lứa đã chuyển sang màu vàng. Bà Phạm Thị Lan, người dân thôn Mễ Hạ cho biết: Những năm trước, thời điểm này, gia đình tôi trồng nhiều loại rau, đặc biệt là những giống rau ngắn ngày, vừa dễ tiêu thụ lại được giá. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, giao thông đi lại khó khăn, một số chợ đầu mối nông sản đóng cửa để bảo đảm công tác phòng, chống dịch bệnh nên nhiều luống rau cải, rau muống đã đến thời kỳ thu hoạch nhưng khó bán. Mọi năm, với 1 sào trồng rau gia đình tôi thu 7 - 8 triệu đồng/lứa, năm nay chỉ thu được 2 - 3 triệu đồng/lứa.

Tình trạng rau đến thời kỳ thu hoạch không có người mua phải cắt bỏ hoặc để đất trống chuẩn bị sản xuất vụ đông xảy ra ở nhiều địa phương có truyền thống trồng rau màu trên địa bàn tỉnh. Ông Phạm Quốc Vượng, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) rau an toàn Bình Minh, xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) cho biết: Hàng năm, HTX sản xuất và tiêu thụ 13 - 15 tấn rau, với doanh thu trên 3 tỷ đồng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sản lượng rau xuất bán của HTX giảm 20 – 25% so với cùng kỳ năm trước. Những ngày này, thành viên của HTX chỉ sản xuất, thu hoạch cầm chừng. HTX hiện có hơn 1ha đất để trống chờ sản xuất vụ đông.

Theo đánh giá của các hộ trồng rau, hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh, vụ hè – thu năm nay, thời tiết thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp nên các loại rau, hoa, cây cảnh phát triển tốt, đạt sản lượng cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn. Mặt khác, giá rau, hoa giống tăng 20% so với năm trước, phân bón, thuốc trừ sâu giá tăng cao. Khâu vận chuyển, tiêu thụ nông sản gặp khó khăn trong khi giá các loại rau màu giảm khiến các hộ dân sản xuất rau, hoa, cây cảnh không có lãi, thậm chí lỗ...

Để góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành chuyên môn cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các mặt hàng vật tư nông nghiệp, giúp giảm thiểu chi phí đầu vào cho người dân; xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết chuỗi, mô hình chuỗi cung ứng nông sản an toàn khép kín… nhằm góp phần bảo đảm giá, ổn định thị trường tiêu thụ nông sản cho người dân trong thời gian tới./.

 

 

 

Thanh Tâm (T/h)
Ý kiến bạn đọc
Top