Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 19 tháng 11 năm 2017 | 8:24

Học sinh bị ngộ độc thực phẩm: “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi!”

Dư luận chưa kịp lắng xuống khi gần 500 học sinh tại Hậu Giang bị ngộ độc do uống phải sữa kém chất lượng, thì tại Cẩm Khê (Phú Thọ), lại có hơn 140 học sinh mầm non bị ngộ độc thực phẩm vào chiều 16/11/2017.

Theo  Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ), tối 16/11, Trung tâm tiếp nhận 145 trẻ ở Trường mầm non xã Hương Lung nghi bị ngộ độc thực phẩm. Hầu hết các trẻ đều trong tình trạng mệt mỏi, đau bụng, nhiều em nôn ói...

Ngay sau khi tiếp nhận các cháu, Trung tâm đã chỉ đạo thành lập một tổ tiểu chuyên môn cấp cứu ngoại viện vào xã Hương Lung tăng cường công tác thăm khám. Đối với các cháu có biểu hiện nhẹ, Trung tâm đã yêu cầu gia đình đưa các cháu về, trong đó có 68 cháu có biểu hiện nặng phải điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế huyện.

Bác sỹ thăm khám cho trẻ bị ngộ độc tại Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê.

Bác sỹ Vi Văn Miên, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Cẩm Khê, cho biết, sau khi được điều trị tích cực, đến 9 giờ 17/11, hầu hết các trẻ đã bình phục trở lại và đều được xuất viện. Hiện còn 9 trẻ có triệu chứng đau bụng, đang được các y, bác sỹ theo dõi, điều trị và có khả năng xuất viện trong buổi chiều ngày hôm nay.

Thông tin từ nhà trường, buổi chiều 16/11, các trẻ được ho ăn bánh giày, chuối và bưởi. Rất có thể nguyên nhân khiến các cháu bị ngộ độc thực phẩm từ các thức ăn trên.

Hiện, Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm, Công an huyện Cẩm Khê đang tiến hành lấy mẫu xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân.

Từ đầu năm học 2017 – 2018 đến nay,  nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm đối với các em học sinh ở mọi cấp học. 

Tối 20/9, tại Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS xã Hầu Thào (Sa Pa - Lào Cai),  sau khi ăn cơm chiều của bếp ăn tại trường, 73 học sinh có dấu hiệu khó chịu trong người như đau đầu, buồn nôn, đau bụng...

Nhận được tin báo, lãnh đạo nhà trường khẩn trương thuê xe ô tô đưa các em đến Bệnh viện đa khoa huyện Sa Pa khám và điều trị.

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa thăm khám cho các em học sinh

Các cơ quan chức năng huyện Sa Pa và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lào Cai đang điều tra nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm ở Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học - THCS xã Hầu Thào, đồng thời gửi mẫu bệnh phẩm đi xét nghiệm.

Trước đó không lâu (tối ngày 14/9), 7 học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học xã Bản Già, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) cũng phải nhập viện điều trị vì ăn nhầm phải bột hóa chất thông đường ống cống để trong một chiếc tủ của trường do các em nhầm là gói bột canh.

Đầu giờ sáng ngày 6/11, trên đường đến trường, các học sinh trường Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) được nhóm người tự xưng đang làm công tác từ thiện cho sữa và bánh. Ngay sau khi ăn, uống những thực phẩm này, các học sinh có biểu hiện đau bụng, la khóc, nôn ói và được đưa vào cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện. 

Các em học sinh nằm điều trị.

Xác minh ban đầu của cơ quan chức năng địa phương cho thấy, thực phẩm mà các học sinh được nhóm từ thiện cho gồm có: sữa hộp Fami, bánh bông lan được mua tại cửa hàng tạp hóa Yến Nhỏ, thôn 2, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy. Cơ quan chức năng địa phương đang tích cực xác định nguyên nhân dẫn tới vụ ngộ độc.

Bác sĩ Nguyễn Văn Thịnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sa Thầy, cho biết: 36 trường hợp bị ngộ độc nặng nhập viện ngày 6/11 sức khỏe đã hồi phục ổn định. Trước khi cho các em xuất viện vào sáng 7/11, Trung tâm Y tế huyện đã tiến hành kiểm tra tổng thể sức khỏe. Đối với 50 trường hợp bị ngộ độc nhẹ, từ chiều và đêm 6/11, Trung tâm đã cho các em xuất viện trở về với gia đình. 

Trên đây chỉ là những vụ  bị ngộ độc thức ăn mà các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh  nhưng còn rất nhiều vụ học sinh bị ngộ độc mà nguyên nhân chủ yếu liên quan đến thực phẩm.

Hàng năm, vào đầu năm học mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đều có những văn bản chỉ đạo các Sở Giáo dục và Đào tạo, chính quyền các cấp thường xuyên kiểm tra, đôn đốc sát sao các nhà trường có học sinh đăng ký ăn bán trú do học 2 buổi trên ngày.

Công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát và quản lý là như vậy, nhưng tại sao vẫn có những vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra đối với các em học sinh? Việc này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe các em mà còn ảnh hưởng đến chương trình học tập.

Câu hỏi được dư luận và phụ huynh các em đặt ra: Phải chăng công tác kiểm tra của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý chưa thực sự sát sao? Các đơn vị làm nhiệm vụ cung cấp thực phẩm cho nhà trường vẫn vì lợi nhuận trước mắt mà quên đi sức khỏe và tính mạng của các em học sinh, trong đó có cả con em của chính mình?

Ngộ độc thực phẩm đối với các em học sinh như câu chuyện “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, sẽ chỉ là những “sợi dây kinh nghiệm” rút mãi vẫn không hết nếu như các cơ quan không thường xuyên vào cuộc một cách mạnh mẽ, vẫn còn buông lỏng việc quản lý đối với các cơ sở cung cấp thực phẩm và vẫn vì lợi nhuận mà các đơn vị cung cấp thực phẩm bất chấp pháp luật và sức khỏe của học sinh, đưa thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ rõ ràng cung cấp cho nhà trường.

Để những chuyện buồn trên không xảy ra, thiết nghĩ, các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền các cấp cần vào cuộc và mạnh tay xử lý nghiêm minh hơn nữa vi phạm của các tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ cung cấp thực phẩm cho học sinh các nhà trường trên phạm vi cả nước.

Ngọc Thủy (Tổng hợp)

 

 

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top