Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 8 tháng 12 năm 2015 | 4:27

Hội thảo "Nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế"

Ngày 8/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế và Bộ Thông tin - Truyền thông phối hợp tổ chức Hội thảo " Nâng cao hiệu quả truyền thông về công tác y tế".

Đến dự và chỉ đạo Hội thảo có Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long; Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Trương Minh Tuấn.

Tham dự Hội thảo là hơn 100 nhà báo đến từ các cơ quan báo chí, cơ quan quản lý báo chí.

Toàn cảnh hội thảo.

Trong những năm qua, trên thế giới và Việt Nam, tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, khả năng lây lan nhanh chóng trên phạm vi rộng, xuất hiện nhiều loại dịch bệnh lạ có nguy cơ đe dọa đến tính mạng, sức khỏe cộng đồng như dịch sars, H5N1, H1N1, Ebola, dịch chân tay miệng… Hằng năm, Đảng và Nhà nước đã chi một khoản lớn ngân sách cho lĩnh vực y tế, đầu tư các cơ sở khám chữa bệnh. Để giải quyết những vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, các tổ chức y tế, các phương tiện thông tin truyền thông. Trong đó, công tác truyền thông y tế nói chung và công tác y tế dự phòng nói riêng có ý nghĩa quan trọng đối với xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, sức khỏe là điều quý giá nhất của mỗi người. Vì thế cần phải tích cực tuyên truyền đến người dân về việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe. Nhận thức được tầm quan trọng đó, vào tháng 11-2014, Bộ Y tế cùng Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành ký kết quy chế phối hợp về công tác tuyên truyền chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Đánh giá về sự phối hợp giữa hai Bộ trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng công tác phối hợp đã mang lại những hiệu quả thiết thực, đặc biệt là việc tăng cường nhận thức về sức khỏe cho nhân dân và phát triển kinh tế, xã hội.

“Thời gian qua, các cơ quan thông tấn báo chí, các nhà báo viết về y tế đã có những thông tin đa chiều hướng tới mục tiêu con người, sự phát triển kinh tế, xã hội. Bộ Y tế mong muốn, các nhà báo sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bộ Y tế để việc truyền thông về y tế tới người dân hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, bên cạnh việc truyên truyền các thành tựu trong ngành y tế, nhiều bài báo với quan điểm, góc cạnh, lát cắt khác nhau đã phản ánh những điểm còn tồn tại của ngành y tế như: Các thủ tục hành chính, phong cách, thái độ làm việc khiến người dân bức xúc, các vấn đề về an toàn thực phẩm… giúp cho Bộ Y tế nắm được thông tin đa chiều, từ đó có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời, giúp công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân ngày càng tốt hơn.

Tại hội thảo, các đại biểu sôi nổi thảo luận về thực trạng, những điểm được và mặt hạn chế trong công tác tuyên truyền về y tế thời gian qua. Đại diện các cơ quan báo chí, các nhà báo cũng chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi của mình trong việc tác nghiệp. Từ đó đề nghị các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Bộ Y tế cần cởi mở hơn trong việc hỗ trợ phóng viên tiếp cận những đề tài nóng được xã hội quan tâm.

Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Kinh tế nông thôn có bài tham luận tại Hội thảo này. Báo Kinh tế nông thôn xin giới thiệu tham luận này của đồng chí Tổng biên tập Nguyễn Anh Tuấn:

Y tế được xác định là công tác chăm sóc sức khỏe cho con người. Chăm sóc sức khỏe không có nghĩa chỉ là việc chẩn đoán, điều trị bệnh mà còn là phòng ngừa bệnh, thương tích, và các suy yếu về thể chất và tinh thần khác ở người. Chăm sóc sức khỏe được xác định là một yếu tố đặc biệt quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe tổng quát và hạnh phúc của mọi người. Điều này được thể hiện rất rõ qua các lời chúc tụng nhân các dịp lễ, Tết.

Bởi vậy, lâu nay ở Hà Nội nhiều người truyền tai nhau: ở Hà Nội cần biết địa chỉ cụ thể 4 bệnh viện (Việt Đức nếu cần mổ xẻ, Bạch Mai với những ca bệnh nặng, K nếu không may mắc phải bệnh này và Bệnh viện phụ sản Trung ương dành cho bà mẹ, trẻ em). Tại sao vậy? Người ta lý giải, vì ở đây có nhiều bác sĩ giỏi đầu ngành, nhiều trang thiết bị hiện đại. Đây cũng là một cách truyền thông – tuyên truyền miệng thông qua thực tế. Và thực tế là, các bệnh viện này luôn quá tải do bệnh nhân khắp cả nước đổ về, dù là bệnh không nặng.

Vậy, để được chăm sóc sức khỏe tốt, cả hai phía, những người làm công tác y tế (thày thuốc -  y, bác sĩ) và mọi người dân cần hiểu được trách nhiệm của cá nhân mình. Để cả người làm công tác y tế và mọi người dân hiểu được trách nhiệm của mình; để cán bộ y tế hiểu được tâm tư nguyện vọng của người dân và ngược lại, người dân hiểu được những công việc, những khó khăn mà ngành y tế đang phải triển khai nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng thì công tác thông tin, tuyên truyền hay truyền thông đóng vai trò đặc biệt quan trọng, cần được ưu tiên.

Tại sao phải ưu tiên đối với truyền thông? Có thể nêu mấy ý kiến sau: Thứ nhất, các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trong thời đại Internet phát triển nhanh và mạnh như hiện nay thì việc lan tỏa thông tin là nhanh và rộng nhất. Nếu chỉ thông tin trong hội nghị thì chỉ có vài trăm người, nhiều thì vài ngàn người biết, nhưng cũng tin đó được đưa lên báo thì số người nhận được thông tin là vô cùng lớn và gần như ngay lập tức. Thứ hai, bằng việc phổ biến các thông tin chính xác, các phương tiện thông tin đại chúng sẽ định hướng được dư luận, giảm được những bức xúc không cần thiết. Thứ ba, với vai trò, chức năng của mình, các phương tiện thông tin đại chúng nói chung còn là công cụ giám sát, phản biện xã hội hiệu quả nhất; cổ vũ và nhân rộng những việc làm đúng, phê phán những việc chưa đúng. Tóm lại, khi làm tốt công tác truyền thông, mọi người hiểu và làm tốt việc mình phải làm trong tự chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình. Điều này sẽ giảm áp lực đối với ngành y, giảm chi phi cho cả gia đình và xã hội.

Truyền thông bao gồm nhiều loại hình: Thứ nhất, các cơ quan thông tấn báo chí có truyền hình, truyền thanh, báo và tạp chí in, báo và tạp chí điện tử truyền qua iternet. Thứ hai, các loại hình truyền thông cổ điển, như: tuyên truyền miệng, tờ rơi, áp phích, pa nô, băng rôn, hội thảo, hội nghị, tập huấn,… Thứ ba, các loại hình truyề thông hiện đại qua Facebook, mạng xã hội,… Mỗi loại hình truyền thông đều có điểm mạnh yếu. Tốt nhất là sử dụng tổng hợp các loại hình, đặc biệt là các cơ quan truyền thông đại chúng vì ở các cơ quan này có đội ngũ phóng viên chuyên nghiệp, có trách nhiệm xã hội, có vai trò định hướng thông tin và nắm gữi nhiều loại truyền thông, cả báo chí in, cả báo chí điện tử có kết nối với mạng xã hội và Facebook. Thực tế những năm qua cho thấy, công tác truyền thông y tế đến người dân đã được Bộ Y tế quan tâm, được đầu tư và mở rộng. mối quan hệ giữa Bộ với các cơ quan báo chí cũng được mở rộng. Nhờ vậy, người dân hiểu biết nhiều hơn về một số loại bệnh, như:  bệnh đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, đột quỵ, gut, sốt xuất huyết, HIV/AIDS, lao,… những vấn đề mới phát sinh, như  các loại virut gây cúm gia cầm có thể lây sang người như H5N1, Ebola,… và phần nào hiểu về ngành y tế, những khó khăn , thách thức của ngành.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tỷ lệ dân số thiếu hiểu biết  về các vấn đề sức khỏe, về ngành y là không nhỏ. Họ là ai? Xin thưa, họ những người dân sống ở nông thôn, nhất là nhóm dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, những người có căn bản giáo dục thấp, thu nhập thấp, người cao tuổi,… Với những người này, họ sẽ không hiểu hoặc hiểu không đúng về diễn tiến và nguyên nhân gây bệnh, không biết tự chăm sóc cũng như phòng tránh bệnh, thường tới phòng cấp cứu để chữa bệnh thông thường, không có thói quen kiểm tra sức khỏe định kỳ, chỉ đi khám khi bệnh đã nặng.

Thực tế cũng cho thấy các cơ quan quản lý của ngành y tế cũng chưa có mối quan hệ chặt chẽ với báo chí. Có thể nêu mấy việc sau: Việc các cơ quan báo chí tiếp cận thông tin chính thống từ Bộ Y tế, khi cần giải thích về một vài sự việc khá khó khăn và chậm trễ. Thứ hai, Bộ Y tế chưa chủ động phối hợp với báo chí trong truyền thông nhiều lĩnh vực. Thứ ba, Bộ Y tế chưa chủ động phối hợp với cơ quan báo chí trong việc nâng cao kỹ năng thông tin chuyên ngành y tế cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên. Điều này dẫn đến việc không ít bài báo, cơ quan báo chí thông tin chưa đúng định hướng, chưa đúng chuyên môn.

Để có thể giải quyết một phần những bất cập trên, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp nhằm làm cho công tác truyền thông đạt hiệu quả cao hơn. Nhân diễn đàn này, xin góp mấy ý kiến sau:

Thứ nhất, ngành y tế các cấp, nhất là các cơ quan quản lý thường xuyên cung cấp thông tin về hoạt động khán chữa bệnh, công tác y tế dự phòng trên cơ sở các cuộc họp báo định kỳ. Tại đây, ngành y tế sẽ tiếp nhận được thông tin từ cơ sở thông qua các nhà báo chuyên theo dõi, đưa tin về lĩnh vực này.

Thứ hai, ngành y tế các cấp chủ động cung cấp thông tin về những vấn đề mới trong phòng chống dịch bệnh bùng phát hoặc mới phát sinh cho các cơ quan báo chí với những định hướng rõ ràng, cụ thể.

Thứ ba, ngành y tế chủ động phối hợp với Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng viết về đề tài y tế cho phóng viên, biên tập viên.

Thứ tư, ngành y tế chủ động hỗ trợ một phần kinh phí cho các cơ quan báo chí để các cơ quan báo chí xây dựng chuyên mục thường xuyên về nâng cao năng lực phòng, trị bệnh cho người dân. Cần chú ý tới những tờ báo có đối tượng ở nông thôn, miền núi.

Thứ năm, phối hợp với cơ quan báo chí lập đường dây nóng để tiếp cận kịp thời những thông tin từ cơ sở, qua đó có định hướng chỉ đạo kịp thời nhằm hạn chế những bức xúc không đáng có của người dân và dư luận.

Thứ sáu, ngành y tế cần chủ động cùng các cơ quan báo chí cung cấp đầy đủ, minh bạch những thông tin về ngành để người dân hiểu rõ những khó khăn, thách thức của ngành trong thời hội nhập sâu rộng với thế giới hiện nay và những biến cố, tai biến y khoa có thể gặp phải trong quá trình chữa bệnh, phòng bệnh.

Bảy là, thông qua mạng iternet, qua các Facebook cá nhân và cơ quan, các nhà quản lý y tế có thể đối thoại trực tiếp với mọi người dân về mọi vấn đề nhằm tạo điều kiện để người dân hiểu rõ hơn những vấn đề còn vướng mắc.

Trên đây là một vài nhận xét và ý kiến đối với công tác truyền thông y tế của Báo Kinh tế nông thôn, tờ báo chuyên phục vụ đối tượng người dân sống ở nông thôn, còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận dịch vụ y tế.

Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Báo Kinh tế nông thôn  

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top