Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, đây là thời điểm nguồn thực phẩm đưa vào thị trường phục vụ Tết sôi động. Công tác kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đang được các lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội triển khai.
Năm 2017, thành phố thành lập 817 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Đã kiểm tra 110.930 cơ sở, phát hiện 22.562 cơ sở vi phạm, trong đó đã phạt tiền 7.213 cơ sở với số tiền phạt trên 37 tỷ đồng, tiêu hủy nhiều sản phẩm không đảm bảo an toàn. Hà Nội duy trì 4 đội cơ động điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm tuyến thành phố.
Năm 2017, Hà Nội xảy ra 1 vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể làm 9 người mắc và 11 vụ ngộ độc methanol làm 37 người mắc, trong đó có 10 người tử vong.
Để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm Tết Nguyên đán 2018, Sở Y tế Hà Nội đang phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh kiểm tra, vận động các hộ kinh doanh đảm bảo VSATTP.
Nội dung kiểm tra tập trung vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như bánh kẹo, giò, chả, thịt gia súc, gia cầm, thức ăn đường phố… và sẽ công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
Hà Nội: Hơn 1 tấn nội tạng động vật bốc mùi hôi thối chuẩn bị lên bàn nhậu
Khi lực lượng chức năng kiểm tra, toàn bộ số hàng với 66 thùng xốp chứa lòng lợn sấy đã bị mốc, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu bám...
Ngày 6/1, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 15, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết đơn vị vừa tạm giữ hơn 1,3 tấn lòng lợn sấy khô có dấu hiệu bốc mùi hôi thối, không có hóa đơn chứng minh nguồn gốc.
Trước đó, khoảng 10 giờ sáng cùng ngày, cán bộ trinh sát Đội QLTT số 15 tiến hành kiểm tra kho tại bãi tập kết hết hàng hóa B473 Lào Cai - Lai Châu, gầm Cầu Thanh Trì (phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội) phát hiện số lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu nghi vấn.
Tại thời điểm kiểm tra, số hàng này được đựng trong 66 thùng xốp, mỗi thùng nặng 20 kg chứa lòng lợn xấy khô. Bên ngoài được ngụy trang bằng các bao tải gai.
Chủ lô hàng là ông Phạm Văn Hiệp (xã Vĩnh Khúc, huyện Văn Giang, Hưng Yên), không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Khi lực lượng chức năng kiểm tra, toàn bộ số hàng trên đã bị mốc, bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bâu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ngay sau đó, Đội QLTT số 15 đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng để làm rõ theo quy định của pháp luật.
TP. HCM tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết 2018
Đợt kiểm tra tập trung vào nhóm các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao, được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết và lễ hội.
Thời điểm gần Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, cũng là lúc hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc tìm cách trà trộn thâm nhập thị trường. Tại TP. HCM, công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất và Lễ hội Xuân 2018 đang được các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện một cách khẩn trương.
Mới đây, Đội quản lý An toàn thực phẩm liên Quận 12, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi thuộc Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM (còn gọi là Đội 4), đã tháo niêm phong, mở 2 container chứa lượng lớn sản phẩm tai, da heo... và gà phi lê tại bãi giữ ô tô Trần Phương, ở xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn dưới sự chứng kiến của chính quyền địa phương, lực lượng quản lý thị trường.
Lực lượng chức năng đã kiểm đếm, lập biên bản và đưa hơn 25 tấn hàng về kho lạnh ở quận Thủ Đức bảo quản, chờ xử lý. Cơ quan chức năng cũng lấy các mẫu mang đi kiểm nghiệm.
Đây là một trong những vụ việc được phát hiện và xử lý của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM trong đợt cao điểm đảm bảo an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên Đán 2018. Hiện, Ban quản lý An toàn thực phẩm đã thành lập 12 đoàn kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm để thực hiện công tác này.
Đợt kiểm tra kéo dài từ nay đến hết tháng 3/2018, tập trung vào nhóm các sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao, được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết và lễ hội như bánh, kẹo, mứt, rượu, bia, nước giải khát, thịt, thủy, hải sản, trứng, các sản phẩm từ thịt, trứng, sữa, thủy hải sản và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Trong đó, 12 đoàn kiểm tra sẽ tập trung vào những nơi cung cấp thực phẩm với quy mô lớn, các cơ sở nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM cho biết, Ban quán triệt tinh thần kiểm tra phải đảm bảo tính khách quan, chính xác, đúng quy trình và thủ tục theo luật định, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật nếu có nhưng cũng không làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ sở được kiểm tra.
“Đơn vị không chỉ tập trung riêng công tác thanh tra mà còn gắn với các hoạt động về kiểm tra an toàn thực phẩm. Những khi xảy ra ngộ độc hoặc rối loạn tiêu hóa… được cấp báo theo đúng quy chế, đội quản lý an toàn thực phẩm là đơn vị có mặt đầu tiên để phối hợp với y tế địa phương cùng xử lý, sau đó đến phòng quản lý ngộ độc, ban an toàn thực phẩm”, bà Lan cho hay.
Ngoài hoạt động tích cực của Ban quản lý An toàn thực phẩm thành phố, tại 24 quận huyện, các đơn vị chức năng khác cũng đồng thời triển khai nhiều hoạt động đảm bảo công tác an toàn thực phẩm.
Đặc biệt, theo phân công nhiệm vụ thì đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vừa và nhỏ sẽ do các quận huyện, phường xã thực hiện kiểm tra. Tại Quận 9, TP. HCM, hiện UBND quận đã có công văn yêu cầu phòng y tế quận tổ chức Đoàn Kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm để kiểm tra các cơ sở thực phẩm thuộc ngành y tế quản lý và yêu cầu kiểm tra phải đạt trên 90% danh sách kiểm tra.
Bác sĩ Lê Văn Sanh, Trưởng khoa An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế Dự phòng quận 9 - đơn vị làm công tác chuyên môn về kiểm tra lấy mẫu để cảnh báo cho người dân về các vấn đề, thực trạng thực phẩm hiện nay cho biết, căn cứ theo kế hoạch, trung tâm xuống phường xã, các trạm y tế phối hợp với các đoàn liên ngành đi kiểm tra những tụ điểm kinh doanh buôn bán thực phẩm trong dịp Tết, có thể lấy mẫu ngẫu nhiên để đi xét nghiệm…
Qua kiểm tra thực tế cho thấy nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm ở TP.HCM còn rất lớn. Vì vậy, các ngành chức năng mong muốn người dân ủng hộ thực phẩm sạch, mua hàng ở nơi có uy tín, không mua hàng trôi nổi, giá rẻ bất thường nhằm giữ gìn sức khỏe, đón Tết vui xuân an toàn.
TP.HCM nỗ lực lập chợ thực phẩm sạch
UBND TP.HCM vừa phê duyệt dự án mô hình thí điểm 2 chợ bảo đảm an toàn thực phẩm đầu tiên. Theo đó, sẽ chọn thí điểm 2 chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn và chợ Bến Thành, tiến tới nhân rộng ra tất cả các chợ sau năm 2020.
Đại diện Ban quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM cho biết hiện ban đã bố trí 8 đội quản lý ATTP liên quận, huyện và 2 đội quản lý ATTP ở 2 chợ đầu mối của TP là Hóc Môn và Bình Điền. Có 3 tiêu chí cơ bản mà tiểu thương buôn bán ở chợ đầu mối và chợ truyền thống trên địa bàn TP phải đáp ứng là có giấy phép đăng ký kinh doanh, có giấy xác nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, hàng hóa vào chợ phải có nguồn gốc.
Về việc thí điểm 2 chợ ATTP, vị này cho biết cũng dựa trên 3 tiêu chí cơ bản trên. Ban quản lý ATTP phối hợp với cơ quan chức năng sẽ tăng cường hướng dẫn cho tiểu thương, đồng thời tăng giám sát, xử phạt tiểu thương, đơn vị kinh doanh vi phạm.
Cụ thể, tại chợ đầu mối nông sản thực phẩm Hóc Môn (cung cấp lượng lớn thịt heo và rau củ quả cho TP) sẽ có đội quản lý ATTP gồm 14 cán bộ. Với thịt heo, Sở Công thương đã xây dựng quy trình truy xuất nguồn gốc. Cán bộ của đội sẽ phối hợp với ban quản lý chợ giám sát nguồn gốc thịt thông qua mã truy xuất nguồn gốc. Nguồn thịt được giám sát an toàn sẽ được cung cấp đến các chợ truyền thống và tiểu thương bán lẻ khác. Ngoài thịt heo, cán bộ của đội cũng hướng dẫn tiểu thương mở sổ ghi chép nguồn gốc nhập, xuất các mặt hàng khác như rau, củ, quả...
Chợ Bến Thành không bố trí đội quản lý ATTP, mà trách nhiệm quản lý ở ban quản lý chợ. Đội quản lý của Ban ATTP TP sẽ phối hợp với ban quản lý chợ và phòng y tế quận thường xuyên hướng dẫn tiểu thương mở sổ truy xuất nguồn gốc, ghi chép nguồn hàng, số lượng bán hằng ngày để theo dõi. Ban quản lý chợ sẽ được tập huấn về công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và nghiệp vụ kiểm tra ATTP. Đội quản lý ATTP phụ trách địa bàn sẽ phối hợp để thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm.
Quá trình kiểm tra, giám sát, Đội quản lý ATTP phát hiện thực phẩm, hàng hóa tại 2 chợ này có dấu hiệu vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ lấy mẫu giám định. Nếu kết quả có vi phạm sẽ xử lý nghiêm.
Ngọc Thủy (tổng hợp)