Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 12 năm 2016 | 1:26

Khi niềm vui đến với ngư dân Quảng Trị

Niềm vui hiện rõ trên khuôn mặt bà con ngư dân các vùng bãi ngang của xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh - Quảng Trị) khi đến nhận tiền bồi thường kinh phí do sự cố môi trường biển gây ra. Để giúp việc chi trả được thuận tiện, nhanh chóng, ngoài các thành viên của Phòng Kế hoạch Tài chính huyện còn có các giao dịch viên của Agribank huyện Vĩnh Linh.

Agribank hỗ trợ công tác đền bù chi trả thiệt hại do sự cố môi trường biển tại huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị.

Niềm vui lớn

Là người được nhận tiền đền bù sớm, anh Nguyễn Quang Thành ở thôn Thái Lai, xã Vĩnh Thái cho biết, với số tiền hơn 64 triệu đồng nhận được, anh sẽ gửi tiết kiệm 50 triệu đồng, số còn lại mang về trang trải một số khoản nợ nhỏ và tiếp tục sửa lưới để ra khơi.

Theo anh Thành, sau sự cố môi trường biển là khoảng thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời đi biển của anh và người dân Vĩnh Thái. Các hoạt động ở khu vực biển hầu như ngưng trệ, hàng loạt tàu thuyền đánh bắt cỡ lớn, cỡ vừa nằm phơi mình bạc phếch trên bãi biển. Gia đình anh chuyển sang nuôi vài con lợn, con gà để cải thiện bữa ăn, mỗi lúc nhớ biển lại ngậm ngùi nhìn những vuông lưới vất vưởng bên hiên nhà.

Có thể nói, sự cố do Công ty TNHH Gang thép Hưng Nguyên Formosa gây ra đã gây thiệt hại cho hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản, ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân tỉnh Quảng Trị, nhất là người dân thuộc 16 xã, thị trấn với 102 thôn ven biển các huyện Gio Linh, Vĩnh Linh, Triệu Phong, Hải Lăng. Toàn tỉnh có 2.659 tàu thuyền khai thác hải sản bị ảnh hưởng, trong đó tàu có công suất từ 90CV trở lên là 190 chiếc, tàu có công suất dưới 90CV là 2.469 chiếc; tổng số lao động trên biển bị ảnh hưởng là 4.778 người. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại ước khoảng 824,2ha. Số lao động bị mất thu nhập là 15.934 người. Ước tính kinh phí bồi thường thiệt hại cho người dân vùng bị ảnh hưởng trong 6 tháng là 959,6 tỷ đồng, trong đó thiệt hại trực tiếp là 794,8 tỷ đồng, thiệt hại gián tiếp là 164,8 tỷ đồng.

Thực hiện Quyết định số 1880/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp kinh phí chi trả bồi thường đợt 1 số tiền gần 203 tỷ đồng cho 1.979 chủ tàu cá và 1.579 lao động trên tàu bị thiệt hại. Để đảm bảo việc chi trả công bằng, khách quan chính xác cho các đối tượng, chính quyền địa phương đã rà soát, lên danh sách công khai. Lực lượng an ninh được huy động bảo vệ nhằm đảm bảo an toàn cho ngư dân đến nhận tiền, chính quyền đã lập hội đồng giám sát chi trả bồi thường, hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân. Agribank Quảng Trị là ngân hàng được tham gia phục vụ cho công tác chi trả đền bù của các địa phương.

Ông Trương Hữu Toán, Giám đốc Agribank huyện Gio Linh, cho biết, Gio Linh có đến 4 xã và 1 thị trấn với 19 thôn, khu phố bị ảnh hưởng và là địa phương nhận được kinh phí đền bù lớn nhất của tỉnh trong đợt 1 (chiếm 40% kinh phí toàn tỉnh). Do vậy công tác chi trả diễn ra trong nhiều ngày liên tục.

Agribank đã hỗ trợ xe điều chuyển tiền mặt và cán bộ làm công tác thủ quỹ chi trả cho các hộ dân. Tại các điểm chi trả, Agribank đều tổ chức bàn huy động tiết kiệm, niêm yết đầy đủ các sản phẩm, kỳ hạn và lãi suất huy động để người dân có thể chọn lựa gửi tiền tiết kiệm.

Chung tay hỗ trợ ngư dân vượt khó

Việc hỗ trợ công tác chi trả đền bù cho ngư dân các huyện vùng biển chỉ là một khâu trong quá trình đồng hành, hỗ trợ ngư dân sau sự cố biển của Agribank. Là ngân hàng thương mại gắn bó mật thiết với nông nghiệp, nông dân và nông thôn, với trách nhiệm của mình, ngay khi sự cố môi trường biển xảy ra, Agribank Quảng Trị đã chủ động phối hợp cùng chính quyền địa phương nắm bắt tình hình, thống kê thiệt hại nhằm tìm phương án hỗ trợ cả trước mắt và lâu dài cho người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và của Agribank, Agribank Quảng Trị đã rà soát các khoản nợ vay của người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại để có những biện pháp tháo gỡ khó khăn như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, xem xét miễn, giảm lãi vay… Trường hợp các doanh nghiệp, ngư dân bị thiệt hại trực tiếp thì được miễn toàn bộ lãi vay với phần dư nợ bị thiệt hại.

Đối với khách hàng bị ảnh hưởng gián tiếp thì được miễn 1 tháng lãi vay đồng thời dừng thu lãi 3 tháng của dư nợ bị ảnh hưởng. Các hộ gia đình sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp trong vùng bị thiệt hại có nhu cầu vay vốn để ổn định sản xuất, chuyển đổi ngành nghề hoặc có vốn lưu động thực hiện các hoạt động nuôi trồng, đánh bắt và khắc phục hậu quả sau hiện tượng cá chết đều được Agribank Quảng Trị cung ứng vốn đầy đủ với lãi suất ưu đãi ngắn hạn 6%/năm, trung dài hạn 8%/năm. Trên 50 hộ ở vùng bãi ngang đã được vay mới 3 tỷ đồng để chuyển đổi nghề đảm bảo ổn định cuộc sống. 

Từ nguồn đóng góp tiền lương của 42.000 cán bộ viên chức toàn hệ thống, Agribank đã ủng hộ 4 tỉnh bị thiệt hại số tiền 20 tỷ đồng và 200 tấn gạo nhằm chia sẻ khó khăn với người dân 4 tỉnh bị thiệt hại, trong đó ủng hộ tỉnh Quảng Trị 5 tỷ đồng và 50 tấn gạo. Đồng thời, thực hiện lời kêu gọi của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc­­ Việt Nam tỉnh Quảng Trị, cán bộ viên chức Agribank Quảng Trị đã đóng góp ủng hộ 30 triệu đồng cho bà con ngư dân.

Hoàng Văn

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top