Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ bảy, ngày 26 tháng 12 năm 2015 | 1:46

Không có chuyện độc quyền gây khan hiếm vắc xin

Trước tình trạng hỗn loạn vì đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ 5 trong 1 sáng 24/12 tại Phòng tiêm chủng của Công ty Polyvac 182 Lương Thế Vinh (Hà Nội), 10 giờ 40 phút sáng nay, Bộ Y tế tổ chức họp báo để thông tin, trả lời về vấn đề này.

Chủ trì buổi họp báo là ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế.

Người Hà Nội trắng đêm chờ đăng ký tiêm vắc xin dịch vụ Pentaxim 5 trong 1.

Theo TS.Nguyễn Nhật Cảm (Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội): Để tránh tình trạng hỗn loạn như sự việc vừa qua, chúng tôi sẽ đăng ký qua trang web hoặc email để đảm bảo người dân không phải đến xếp hàng. Để công bằng, chiều nay chúng tôi sẽ chốt, ngày giờ nào để tiêm sẽ có thông báo công khai trên website các đơn vị và công khai với báo chí.

TS. Cảm cho biết thêm: Trong năm 2014, Hà Nội tiêm trên 400.000 liều Quinvaxem, từ đầu năm 2015 đến nay là trên 385.000 liều, trong đó trẻ dưới 1 tuổi là 150.000 liều. Như vậy, năm nay nhu cầu tiêm vắc xin dịch vụ là 50.000 - 60.000 liều. Với số liệu như Cục Quản lý Dược thông báo là 15.120 liều hiện tại và 29.000 liều sắp tới thì đã đáp ứng được khoảng 60-70% của Hà Nội. Năm 2016, chúng tôi dự báo cần khoảng 100.000 – 120.000 liều Pentaxim.

Về những lo ngại của người dân về vắc xin Qiunvaxem, PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng: “Vừa rồi nhiều trường hợp tử vong là do tiêm viêm gan B, vitamin K, vắc xin BCG... chứ không phải tất cả đều do Quinvaxem. Những trường hợp tử vong do Quinvaxem thường do trùng lặp ngẫu nhiên hoặc do bản thân cơ thể các cháu mẫn cảm. Chúng tôi đã tăng cường, triển khai các lớp tập huấn tiếp cho hệ thống từ khám sàng lọc và các vấn đề bệnh tật sau tiêm. Nếu tập huấn tốt cho hệ thống này thì cũng giải quyết được tử vong sau tiêm Quinvaxem.

Còn về việc Việt Nam có tiếp tục tiêm Quinvaxem hay không là quyền của Việt Nam. Tôi nói luôn, trong giai đoạn đầu, Việt Nam tiêm Quinvaxem được viện trợ nhiều tiền hơn, còn từ nay đến 2019, vốn đối ứng Việt Nam phải bỏ ra nhiều hơn. Việc thay thế vắc xin là cả chiến lược. Quinvaxem có phản ứng, có tử vong nhưng vắc xin vô bào cũng có. Vừa qua, một số quốc gia tiêm vô bào như ở Mỹ vẫn có dịch ho gà bùng phát. 

Năm ngoái, các nhà sản xuất kiểm tra định kỳ phát hiện một số lô vắc xin không đủ hiệu giá kháng thể phải dừng lại. Trong khi đó để sản xuất một lô vắc xin mất rất lâu, cộng với tình hình nhiều dịch bùng phát trên thế giới nên nhu cầu tăng quá cao, các nhà sản xuất không thể đáp ứng xuể.

"Nguồn cung không đủ, các nước đều thiếu nhưng họ linh hoạt không dùng vắc xin vô bào thì chích loại toàn tế bào. Trong khi đó người Việt Nam lo ngại tai biến vắc xin, lại có tâm lý cho rằng vắc xin miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng không tốt còn vắc xin dịch vụ là tốt nên chỉ muốn chích loại vô bào, càng làm tình trạng khan hiếm hơn", ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế, nhận xét.    

Theo ước tính của Cục Quản lý Dược, thị trường Việt Nam mỗi năm nhập khoảng 200.000-300.000 liều vắc xin dịch vụ 5 trong 1 và 6 trong 1, trong khi nhu cầu khoảng 600.000 đến một triệu liều; chừng 4,5 triệu liều Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Cục Quản lý Dược đàm phán hơn một năm nay với nhà sản xuất Sanofi để đạt được thỏa thuận cuối cùng là cung cấp 160.000 liều Pentaxim trong tháng 12 năm nay thay vì chỉ 40.000-50.000 liều như các năm. Số vắc xin này phía nhà sản xuất cho biết phải điều phối từ các nước khác như Thái, Malaysia... để cung cấp cho Việt Nam.

Văcxin Pentaxim về Việt Nam hiện nay được phân phối chỉ bởi 2 công ty là Hồng Thúy (Hà Nội) và May (Sài Gòn). Ông Cường cho rằng Cục Dược khuyến khích hai đơn vị phân phối này nhập khẩu, thậm chí sẵn sàng cho tăng giá nếu hợp lý, song thực tế là không có nhiều nguồn cung trên thế giới. Trong khi đó ở miền Bắc văcxin được cung ứng theo cơ chế không đấu thầu và tiêm chủng ở trung tâm; còn miền Nam cung ứng theo hình thức bệnh viện đấu thầu. Đợt phân bổ văc xin Pentaxim lần này mặc dù Cục Quản lý Dược thông báo miền Bắc có 160.000 liều song thực tế chỉ mới đưa về 15.000 liều, sau đó mới tăng lên 29.000 liều còn lại phân bổ cho miền Nam.  

Trước nhiều câu hỏi về nguyên nhân khan hiếm vắc xin liệu có phải do độc quyền phân phối, bị làm giá, so sánh với các nước trong khu vực..., người đứng đầu Cục Quản lý Dược khẳng định "những thông tin này không có thực". 

"Khẳng định là hiện nay không có bất cứ nguồn cung nào khác, kể cả chấp nhận gia công", ông Cường nói. Theo ông, tất cả mong chờ đặt vào vắc xin Hexaxim 6 trong 1 hiện thử nghiệm lâm sàng tại Thái Bình. Vắc xin đã tiêm thử nghiệm cho 354 trẻ, xong 3 mũi cơ bản, đến tháng 2/2016 nhóm cuối cùng tiêm xong. Về nguyên tắc, sau 28 ngày sẽ kiểm tra hiệu giá kháng thể vắc xin, nếu hội đồng y đức chấp nhận thì có thể nghiệm thu giữa kỳ vào tháng 6/2016, sau đó cấp phép lưu hành. Một khả năng khác là sau khi tiêm mũi nhắc lại mới tiếp tục kiểm tra hiệu giá kháng thể, đến tháng 6/2017 mới lưu hành vắcxin Hexaxim.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế sẽ tính đến nhiều phương án tổ chức cho người dân đăng ký tiêm ngừa cho con, có thể qua web hoặc đăng ký trực tiếp để tránh tình trạng chen lấn xô đẩy. Trên cơ sở đăng ký đó, các điểm tiêm chủng sẽ hẹn lịch tiêm, để người dân không bị cảnh chờ đợi, xếp hàng. "Bộ Y tế đang cố gắng để có đủ vắc xin tiêm cho các cháu. Có thể ưu tiên tiêm cho trẻ đã chích mũi 1, 2, 3 và tiêm đúng lịch 2, 3, 4 tháng. Tiếp theo, nếu các cháu tiêm mũi 1 mà không đủ chích mũi 2 thì sẽ dùng Quinvaxem thay thế", ông Phu cho biết.

Ông Phu cũng khuyên bà mẹ đi đăng ký tiêm không nên dắt con theo; đưa bé đi chích ngừa cần mang theo sổ tiêm chủng hoặc điền giấy đăng ký tuổi tác; tránh tình trạng "nhảy" từ điểm này sang điểm khác tiêm. 

P.V

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top