Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 1 tháng 11 năm 2019 | 13:44

Làm sao để nâng cao tầm vóc?

Population Review (WPR) vừa công bố dữ liệu về sự gia tăng dân số toàn cầu. Trong đó, nổi bật là thông tin “người Việt Nam lùn thứ 4 thế giới” với chiều cao trung bình của nam giới là 162,1cm và nữ giới là 152,2cm.

Bên cạnh đó, hơn 230.000 trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.

 

tr9.jpg
Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng thì việc tập luyện thể dục thể thao là yếu tố giúp tăng trưởng tầm vóc.

 

Chiều cao trung bình của nam giới Việt Nam là 162,1cm

Theo danh sách này, người Việt Nam còn thấp hơn cả Campuchia khi chiều cao trung bình của nam giới nước này là 162,5cm. Người Hàn Quốc có chiều cao trung bình 170,7 cm với nam và 157,4 cm với nữ. Người Trung Quốc cao trung bình nam và nữ lần lượt là 169 cm và 158 cm. Chỉ số này ở Nhật Bản là 172 cm nam và 158 cm nữ. Người Campuchia cao hơn người Việt Nam, với chiều cao trung bình ở nam giới là 162,5 cm.

Người Việt chỉ cao hơn người Indonesia (158 cm), Philippines (161,9 cm) và Bolivia (160 cm).

Bên cạnh đó, những quốc gia có chiều cao trung bình tốt nhất thế giới hoàn toàn ở Châu Âu. Người Hà Lan dẫn đầu về độ cao lớn trên thế giới với chiều cao trung bình của nam giới trưởng thành là 183,8cm, tiếp đến là Montenegro (183,2cm), Đan Mạch (182,6cm) và Na Uy (182,4cm).

Đặc biệt, một điều đáng lưu ý là, theo báo cáo của UNICEF, Việt Nam cũng có tỷ lệ thấp còi cao nhất Đông Nam Á, với 23,8% ở trẻ em dưới 5 tuổi. Hàng năm, hơn 230.000 trẻ em Việt Nam bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng. Đây là nguyên nhân chính gây ra còi cọc và tử vong.

Trao đổi với phóng viên về vấn đề người Việt Nam thấp thứ 4 thế giới,  TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, trong vòng 100 năm qua, mức tăng chiều cao trung bình lớn nhất là nữ giới Hàn Quốc (tăng 20,2cm) và nam giới Iran (tăng 16,5cm). Mức chênh lệch giữa quần thể cao nhất và thấp nhất thế giới là khoảng 19-20cm, gần như không thay đổi trong vòng 100 năm qua.

Ông Sơn nhìn nhận, Việt Nam đứng ở mức “trung bình thấp” trong số các nước trên thế giới, không phải ở nhóm nước thấp nhất.

Đối với vấn đề trẻ em Việt Nam thấp còi, suy dinh dưỡng.  PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng, trẻ em Việt Nam đang được nuôi dưỡng không hợp lý: Trong khi tuổi học đường toàn quốc chỉ được cung cấp 90% năng lượng cần thiết cho cơ thể phát triển, ở các thành phố lớn trẻ lại được cung cấp đến 125% nhu cầu. Chất canxi cần thiết để cải tạo chiều cao lại bị thiếu hụt trầm trọng chỉ được khoảng 60% nhu cầu. Cùng với đó là thiếu vận động nên tố chất thể lực, đặc biệt là sức bền và sức mạnh của thanh niên Việt Nam được xếp vào mức kém và rất kém so với chuẩn quốc tế.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Có rất nhiều người tin rằng, cha mẹ thấp thì con không thể cao được. Tuy nhiên, cha mẹ nên biết rằng, chiều cao của trẻ phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó di truyền chỉ chiếm 23%, còn lại là dinh dưỡng (32%), sự rèn luyện thân thể (20%), và các yếu tố môi trường, xã hội, bệnh tật, giấc ngủ.

Theo TS Trương Hồng Sơn, có 5 yếu tố ảnh hưởng đến phát triển tầm vóc: Giới tính, gene, dinh dưỡng, hoạt động thể lực/giấc ngủ, môi trường, bệnh tật.

Đối với yếu tố gene, một nghiên cứu về gene trên 700.000 đối tượng, có 83 gene có ảnh hưởng mạnh mẽ đến chiều cao, trong đó có những gene có thể ảnh hưởng đến 2cm chiều cao. TS Trương Hồng Sơn ví dụ, người bố cao 170cm, mẹ cao 160cm thì về nguyên tắc, chiều cao con trai của họ khi trưởng thành sẽ đạt 171 - 176cm, con gái là 158,5 - 164cm. Tuy nhiên, con số có thể xê dịch phụ thuộc vào điều kiện nuôi dưỡng như dinh dưỡng, tập luyện...

 

tr9a.jpg
Môn bóng rổ có thể giúp cải thiện chiều cao hiệu quả.

 

Đối với dinh dưỡng, các yếu tố dinh dưỡng ảnh hưởng đến tầm vóc được các chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra bao gồm: Khoáng chất (canxi, sắt, kẽm), vitamin (A, D, K2), hormone, đạm/collagen.

Về khẩu phần ăn, để tăng 1g thể trọng cần 8kcal, bữa ăn cần protein, lipid, glucid, các khoáng chất, vitamin. Cụ thể, vitamin A tham gia đáp ứng miễn dịch, điều chỉnh sự phát triển của các mô trong hệ cơ – xương. Thiếu vitamin A làm xương mềm và mảnh hơn bình thường, quá trình vôi hóa bị rối loạn. Sắt cần thiết để hình thành tế bào hồng cầu, mang oxy đi nuôi cơ thể. Sắt đặc biệt quan trọng cho tuổi dậy thì vì đây là giai đoạn cơ thể phát triển nhanh, cần lượng máu cung cấp oxi lớn để tăng khối lượng cơ bắp.

Kẽm tương tác với các hormone tăng trưởng, làm tăng hiệu quả của vitamin D lên chuyển hóa xương. Kẽm cũng giúp làm giảm tình trạng nhiễm trùng. Trẻ thiếu kẽm sẽ thiểu năng tuyến sinh dục và chậm tăng trưởng. Canxi giúp cơ thể hình thành hệ xương và răng vững chắc.

Trong bữa chính và bữa phụ, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên hạn chế các loại nước sốt, gia vị; chọn trái cây và rau quả tươi, hạn chế đông lạnh hoặc đóng hộp; nước lọc là lựa chọn tốt nhất được dùng trong bữa ăn, tiếp theo là sữa và nước trái cây; bổ sung sữa, sữa chua và phô mai. Bên cạnh đó, bữa ăn nên có nhiều đạm từ thịt, cá, trứng, sữa, đậu nành…

Để cải thiện chiều cao cho thế hệ trẻ nước nhà, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030, đặt ra mục tiêu dự kiến đến năm 2030, chiều cao trung bình của phụ nữ và nam giới Việt Nam sẽ tăng lên 157,5 cm và 168,5 cm. Chương trình “Sữa học đường” được thực hiện thể hiện sự chung tay của nhà nước, các cơ quan chuyên môn, các doanh nghiệp để cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em và hướng đến nâng cao tầm vóc cho người Việt.

Tập luyện thường xuyên

Bên cạnh việc bổ sung dinh dưỡng để tăng chiều cao thì việc tập luyện thể dục thể thao cũng là yếu tố giúp tăng trưởng tầm vóc bởi nó giúp tăng chất khoáng trong xương và tăng mật độ xương. Ngoài ra, môi trường/bệnh tật, giấc ngủ cũng ảnh hưởng đến chiều cao.

Khi ngủ, cơ thể tiết ra lượng hormone tăng trưởng nhiều gấp 4 lần khi thức. “Lượng hormone sẽ đạt đỉnh, thường là từ 22 giờ đến 1 giờ sáng.

Trên thế giới, Nhật Bản là quốc gia đạt được thành tựu to lớn về cải tạo chiều cao tầm vóc của dân tộc. Do đó, Nhật Bản rất chú trọng phát triển và đầu tư cao cho thể dục thể thao trường học.

Để có tác dụng trực tiếp, góp phần tăng chiều cao thân thể, Nhật đã nghiên cứu và hướng dẫn những loạt bài tập thể dục đặc hiệu tập vừa sức, vận động toàn thân, đặc biệt vận động chi dưới, kéo dãn cơ thể.

Một số môn thể dục thể thao để cải thiện chiều cao con người có thể kể đến như: Bóng rổ, bóng chuyền, bơi lội, điền kinh, xà đơn, xà kép….

Nhiều ý kiến cho rằng, người Việt Nam lùn là hệ quả của việc thiếu vận động, coi nhẹ thể dục thể thao ở độ tuổi thanh thiếu niên. Hiện nay, giáo dục thể chất ở các trường học đều chưa được coi trọng, với các môn học không hấp dẫn được học sinh, cũng chưa được biên soạn giáo trình nhắm vào mục đích giúp các em tăng trưởng chiều cao.

Vì vậy, để chiều cao của người Việt được cải thiện, trước hết, các trường học nên chú trọng việc luyện tập thể dục thể thao tăng cường thể chất cho học sinh. Các môn thể thao như điền kinh, nhảy cao, bật xa, bơi lội được coi là cơ bản trong chương trình học. Bên cạnh đó,  chế độ dinh dưỡng cần cân bằng 4 nhóm chất đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Các loại rau như vừng, mộc nhĩ, rau dền cơm, cần tây... cũng góp phần tăng cường sức khỏe xương.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng,  Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho rằng, tất cả chúng ta đều có thể nhìn thấy câu chuyện về tầm vóc gần đây. Người dân thừa nhận so với thế hệ trước, trẻ con thế hệ sau được nuôi dưỡng chăm sóc tốt hơn khi đời sống kinh tế thay đổi. Dưới góc độ dinh dưỡng, ông Hưng cho hay ,các con số thay đổi rất rõ. Theo đó, suy dinh dưỡng thấp còi giảm từ khoảng 38,7% (năm 1999) xuống còn 23,8% (năm 2017).

“Câu chuyện chiều cao có những yếu tố không can thiệp được là gene, chủng tộc. Yếu tố can thiệp được là dinh dưỡng, dinh dưỡng đúng thời điểm, lối sống, môi trường, hoạt động thể lực. Vì thế, tất cả là cả quá trình và chúng ta nên kiên trì”, ông Hưng nhấn mạnh.

 

 

 

Thanh Xuân
Ý kiến bạn đọc
Top