Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 18 tháng 1 năm 2019 | 13:48

Lần đầu đến “địa đầu” Tổ quốc

Chúng tôi đến Hà Giang, nơi cực Bắc của Tổ quốc, vào một ngày cuối năm. Bánh xe nghiêng nghiêng trườn vách núi, những khúc cua tay áo mờ mờ trong hơi sương, cảm giác hùng vỹ ngút ngàn.

Vẳng trên xe lời ca: Đồng Văn vùng cao ơi/Mê ai người lặn lội/Men Lũng Cú xa xôi/Theo mùi hương thoang thoảng…

 

tr13b.JPG
Từ đèo Mã Pí Lèng, du khách có thể ngắm nhìn dòng sông Nho Quế uốn lượn quanh các triền núi

Những cung đường “Hạnh phúc”

Càng xa Hà Nội, phía trước càng nhiều con đường hun hút. Xuyên qua vùng trung du rồi uốn lượn lên núi cao, những dãy núi liền núi, thấp thoáng rừng cọ, đồi chè vườn xanh hai bên đường ngào ngạt. Đa số trong đoàn là những người trẻ, nhiều người lần đầu lên Hà Giang, đôi mắt ai cũng ngơ ngơ ngác ngác. 

Vào địa phận Hà Giang, con đường đã bắt đầu uốn lượn, càng đi càng cao. Tai đã bắt đầu thấy ù bởi những khúc cua và độ cao chênh lệch so với mặt nước biển lên đến gần cả ngàn mét. Đường trời xa thẳm, cõi mây văn vắt trong xanh, nắng hồng lấp lánh trên lũ ong những đồi cam, đồi quýt... trù phú!

Điểm đầu tiên đoàn dừng chân là cột mốc Km số 0 của con đường Hạnh Phúc, để chụp ảnh, đánh dấu địa điểm quan trọng trong cuộc đời mà mình đã từng đến. Từ cột mốc số 0, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Đồng Văn, Lũng Cú, Mèo Vạc theo con đường Hạnh phúc, cao nguyên đá sừng sững giữa ngút ngàn mây trời, như dáng đứng hiên ngang Việt Nam, mặc thiên nhiên khắc nghiệt qua bao đời trầm mặc và thâm nghiêm.

Mùa này hoa Tam giác mạch đang chính vụ, những đồi hoa chen giữa núi rừng, chèn vào những hốc đá làm cho núi rừng Hà Giang đẹp như bức tranh thủy mặc. Xa xa bóng dáng những cô sơn nữ thấp thoáng với váy áo rực rỡ văn hóa của dân tộc mình vừa lãng mạn, vừa sang trọng nhưng cũng kín đáo và kiêu kỳ. Đường hoa, đường hạnh phúc!

Con đường Hạnh phúc nối 4 huyện Quản Bạ, Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc. Ngày 10/9/1959, Hà Giang khởi công xây dựng con đường này mà trước đó bao năm người Pháp đã không thể làm được. Những thanh niên xung phong (TNXP), dân công hỏa tuyến thời đó, chỉ có cuốc, xẻng, búa tạ, xà beng, xe cút kít ... trong điều kiện vô cùng khó khăn đã làm nên con đường này như một kỳ tích. Thiếu lương thực, thiếu muối giữa thời tiết khắc nghiệt của núi rừng, nắng thì như cháy da cháy thịt, lạnh thì thấu da, thấu xương, có khi chỉ còn 0 độ C, vậy mà vẫn chống chọi để mở đường, làm đường...

Trên cung đường này có đỉnh Mã Pí Lèng, con đèo nổi tiếng với dốc cao dựng đứng khiến những con ngựa cái leo chưa đến đỉnh đã trụy thai mà chết, những con ngựa đực chưa vượt qua đèo đã phải tắt thở. Vì vậy, dân địa phương đã dùng cụm từ “Mã Pí Lèng” trong tiếng Quan Hỏa, nghĩa đen là “sống mũi con ngựa”, đặt tên cho con đèo. Cái tên “Mã Pí Lèng” của con đèo đã nói lên sự hiểm trở của ngọn núi, của con đèo, với những dốc cao dựng đứng như sống mũi con ngựa.

Để hoàn thành con đường qua đèo, trong 11 tháng, hàng trăm TNXP đã thay nhau treo mình trên vách đá đục từng thớ đá, đục từng lỗ mìn, để kéo dài con đường thêm từng xăngtimét. Cũng như ở chiến trường, nhiều người đã được truy điệu sống trước khi cầm choòng (xà beng 8 cạnh), cầm búa leo lên vách đá. 17 người khỏe mạnh, gan dạ nhất đã ra nhập đội cảm tử, Ban chỉ huy công trường gọi là “Đội cơ dũng”, đem sức người nhỏ bé chọi lại sức mạnh của biển đá nghìn năm. Trên đỉnh núi đặt sẵn 10 cỗ quan tài thể hiện ý chí “quyết tử”. Mỗi sáng, các thành viên “Đội Cơ dũng” hô to “quyết thắng” rồi vác choòng, búa, ít thuốc nổ, trèo lên vách núi. Treo mình giữa lưng chừng trời, họ đục khoét đá, khoan phá đá để mở từng xentimet đường, hoàn thành đoạn đường qua dốc cao hiểm trở.

Sau hơn 6 năm xây dựng, con đường hoàn thành ngày 15/6/1965 và được Bác Hồ đặt tên là con đường Hạnh phúc.

Cột cờ trên đỉnh núi Rồng

 

tr13a.JPG
Đoàn Báo Kinh tế nông thôn trong lần thăm Cột cờ Lũng Cú.

 

Lũng Cú được nhắc đến với cột cờ chủ quyền, chóp nón sừng sững đầy kiêu hãnh, tự hào trên đỉnh núi Rồng. Tương truyền:  Khi xưa Rồng tiên xuống trần gian du ngoạn, yêu cảnh cảnh sắc nơi đây nên đã đậu trên ngọn núi trước làng, chính là núi Rồng bây giờ. Yêu mến cảnh vật nơi đây nhưng rồng tiên cũng nhận thấy đời sống nhân dân nơi đây vô cùng khổ cực, thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước cho đồng áng nên khi về trời, rồng tiên động lòng trắc ẩn mà để lại đôi mắt. Hai mắt rồng đã hóa thành hai hồ nước ở hai bên chân núi, một hồ thuộc bên dân tộc người Lô Lô, một hồ bên người dân tộc Mông, và hai hồ nước này dù trong điều kiện thời tiết khô hạn đến mấy cũng không bao giờ cạn.

Di tích Cột cờ Lũng Cú có từ thời Lý, khi Thái úy Lý Thường Kiệt hội quân đã cho cắm một lá cờ trên đỉnh núi Rồng, để khẳng định chủ quyền lãnh thổ của nước ta. Đến thời Tây Sơn, khi vua Quang Trung đánh tan quân xâm lược, đã cho xây dựng một đồn gác nơi đây, mỗi canh gác được đánh lên ba hồi trống để khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Ngày 18/11/2009, Di tích cột cờ Lũng Cú đã được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Cột cờ Lũng Cú cao 1.468m so với mặt nước biển, tổng chiều cao gần 35m, lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống trên lãnh thổ Việt Nam. Dưới chân cột cờ có 8 bức phù điêu bằng đá xanh, trên 8 bức phù điêu là những hình ảnh minh họa quá trình dựng nước và giữ nước của ông cha ta, đan xen vào đó là các nét văn hóa của các dân tộc. Phía trên 8 bức phù điêu có 8 mặt trống đồng, biểu trưng của văn hóa Việt Nam.

Một lần lên đỉnh Lũng Cú, một lần được chạm tay đến lá cờ Tổ quốc bay trong gió nơi địa đầu tổ quốc, người ta cảm nhận sự hùng vĩ, cảm nhận đó thật khó tả, chung chiêng đến nao nao.

Ông Nguyễn Quốc An, du khách đến từ TP. Cần Thơ, năm nay ngoài 60, từng ao ước một lần đến cột cờ Lũng Cú. Ông chia sẻ: Tôi đã đi rất nhiều nơi, cảm nhận mỗi nơi một khác nhưng khi đến cột cờ Lũng Cú, tôi thật sự mãn nguyện. Đã quá nửa đời người, hôm nay mới đứng đây, được ngắm nhìn vùng đất thiêng liêng của tổ quốc là tôi mãn nguyện lắm rồi, cảm giác lúc này thật khó tả...

Gặp bác Đỗ Việt Hoài, cũng từ Cần Thơ đến đây, không giấu được nỗi cảm xúc vì lần đầu được đặt chân đến vùng đất thiêng này: Dù đã già, chân đã yếu, những bước chân dù chậm vẫn leo lên đến đỉnh cột cờ, để chạm tay, để được ngắm nhìn và chiêm nghiệm sự hùng vĩ của đất nước, của dân tộc”.

Cờ Lũng Cú phấp phới, xa dần... dần xa nhưng ai nấy đều cảm thấy rất đỗi tự hào. Không chỉ toại nguyện về một chuyến đi dù đường đi khó khăn với các đoạn cua tay áo, mờ sương giữa trời đất giao hòa ở lưng chừng trời mà vì một lần được chạm, được hôn lên mảnh đất “nơi địa đầu” Tổ quốc... Rưng rưng, khó tả một tình yêu quê hương đất nước, Tổ quốc Việt Nam.

 

 

Văn Thành
Ý kiến bạn đọc
Top