Bất đồng gia tăng với Mỹ đang đẩy châu Âu rời xa liên minh xuyên Đại Tây Dương và hướng về phía Nga, Trung Quốc.
Cách hành xử của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Liên minh Châu Âu thời gian gần đây đã làm xói mòn mối quan hệ liên minh xuyên Đại Tây Dương – vốn là một trong những trụ cột chính của chính sách an ninh quốc gia Mỹ.
“Quả bom nổ chậm”
Những rạn nứt giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu bắt đầu xuất hiện đầu năm 2018 liên quan đến việc Tổng thống Mỹ chỉ trích khối này thiếu công bằng với Mỹ trong vấn đề thương mại song phương. Căng thẳng này ngày càng gia tăng khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới Jerusalem.
Quyết sách ngoại giao khó đoán định của Tổng thống Trump thường được xem là gây phiền toái với các quốc gia như Iran, Triều Tiên và Trung Quốc, nhưng giờ đây chính những quyết sách này lại giống như “quả bom nổ chậm” sẵn sàng “phá hủy” mối quan hệ giữa Mỹ với EU bất cứ lúc nào.
Nhiều nhà lãnh đạo EU như Đức, Pháp, Anh không còn e dè trước Tổng thống Donald Trump như trước kia. Sau một năm rưỡi bất đồng quan điểm, họ bắt đầu quay sang chỉ trích nhà lãnh đạo Mỹ, thậm chí mô tả “vị tổng thống này” là mối lo đối với các lợi ích an ninh của Châu Âu, để ngỏ một cuộc chiến ngoại giao với Mỹ về vấn đề hạt nhân Iran hay các vấn đề chủ chốt khác.
Hồi đầu tháng 5, Thủ tướng Đức Angiela Merkel cho biết, việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã tạo ra một “cuộc khủng hoảng thực sự” đối với trật tự toàn cầu. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh, cách Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt như “một quan chức cảnh sát giám sát kinh tế toàn cầu” là “không thể chấp nhận được”.
Trên trang mạng Twitter tuần trước, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk đưa ra tuyên bố chất đầy sự thất vọng và giận dữ của “lục địa già”: “Nhìn vào những quyết định mới nhất của Tổng thống Trump, ai đó có thể cho rằng, với những người bạn như vậy chẳng khác nào bạn đang có thêm kẻ thù, nhưng có lẽ EU nên cảm ơn ông vì đã gạt bỏ được những ảo tưởng bấy lâu nay”.
Ngay khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân này, nhiều câu hỏi đã được đặt ra chẳng hạn như liệu Mỹ có còn là một đối tác đáng tin cậy sẵn sàng dang tay bảo vệ các đối tác trong EU hay không. Nhà bình luận Edward Luce của tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) nhận định: “Lịch sử đã ghi lại ngày Mỹ từ bỏ niềm tin vào đồng minh. Lần đầu tiên trong lịch sự, Mỹ hành động mà không cần đối tác Châu Âu”. Tờ Le Monde (Pháp) cho rằng, ông Trump luôn bị ám ảnh bởi những thành tựu của người tiền nhiệm và quyết định “vô lý” của ông sẽ gây ra hậu quả “tai hại” đối với Trung Đông.
Cây bút Franco Venturini của tạp chí Corriere della Sera (Italy) nhấn mạnh: “Mỹ đã gây ra một vết thương khó lành”, còn nhà phân tích Markus Kaim của kênh truyền hình Deutsche Welle (Đức) khẳng định, các công ty của Đức, Pháp, Anh chắc chắn sẽ bị tổn hại bởi lệnh trừng phạt.
Cuộc đối đầu giữa Mỹ và EU sẽ ngày càng sâu sắc hơn nếu Mỹ, theo dự kiến, áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những công ty Châu Âu có giao dịch làm ăn với Iran. Trong trường hợp tình huống xấu này xảy ra, Châu Âu có thể đáp trả bằng cách phong tỏa các quy định trừng phạt của Mỹ.
Thật khó tưởng tượng hậu quả sẽ thế nào khi mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương này đổ vỡ bởi người Mỹ đã nhận được sự ủng hộ của EU trong thời gian dài. Tổng thống Donald Trump từng biện minh rằng chính sách “nước Mỹ trên hết” mà ông theo đuổi không phải “nước Mỹ cô đơn”. Nhưng với EU, chính sách này chẳng khác nào thể hiện sự “tôn sùng lợi ích của nước Mỹ”, đặt Mỹ lên hàng đầu trong mọi mối quan hệ.
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, Tổng thống Donald Trump không được nhiều người dân Châu Âu yêu thích bởi quan điểm của ông về các vấn đề như thương mại, biến đổi khí hậu, xung đột Israel-Palestine và chính sách kinh tế toàn cầu đi ngược hoàn toàn với quan điểm của Châu Âu. Theo khảo sát của Trung tâm nghiên cứu Pew hồi cuối năm ngoái, chỉ có 11% người Đức tin tưởng ông Trump đang thực thi các quyết sách đúng đắn, thấp hơn nhiều so với con số 86% dành cho người tiền nhiệm của Barack Obama.
EU ngả về Nga, Trung Quốc
Dự kiến trong ngày 25/5, Châu Âu sẽ có bước đi biểu tượng cho thấy sự chia rẽ với Mỹ khi các đại diện của Đức, Pháp, Anh cùng Nga và Trung Quốc tham gia cuộc họp của Ủy ban giam sát chung về thỏa thuận hạt nhân Iran. Nhiều quan chức EU cho biết họ không cảm thấy thỏai mái khi buộc phải đứng cùng chiến tuyến với Nga, Trung Quốc và Iran đối đầu với Mỹ, nhưng họ không còn lựa chọn nào khác. Bởi từ trước đến nay, Châu Âu luôn xem thỏa thuận này là sự đảm bảo đối với an ninh của khối, vì nguy cơ phát triển vũ khí hạt nhân của Iran hay các quốc gia khác ở Trung Đông sát sườn Châu Âu vẫn luôn thường trực.
Trong một động thái bất ngờ, Thủ tướng Đức Angiela Merkel đã có chuyến thăm Nga ngày 18/5 nhằm làm ấm quan hệ song phương. Bà Merkel có cuộc hội đàm với Tổng thống Putin tại Sochi về nhiều vấn đề, trong đó nổi bật là phản ứng của EU trước việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Nga, Thủ tướng Đức nhấn mạnh: “Đức, Pháp, Anh và tất cả các đối tác tại Liên minh Châu Âu sẽ tiếp tục ủng hộ và duy trì thỏa thuận này. Hơn nữa, người Châu Âu cũng cần đối thoại trực tiếp với Iran. Dù thỏa thuận hạt nhân chưa thực sự hoàn hảo nhưng có vẫn hơn không”.
Còn Tổng thống Pháp Macron cũng dự trù có chuyến thăm Nga trong 2 ngày 24 và 25/5 theo lời mời của Tổng thống Putin. Theo người phát ngôn của chính phủ Pháp, dù trái ngược lập trường về vấn đề Ukraine và Syria, Pháp vẫn mong muốn duy trì đối thoại với Nga, cũng như tạo động lực thúc đẩy quan hệ hai bên. Có thể thấy rằng chưa khi nào Nga lại quan trọng với Châu Âu như thời điểm này. Bất chấp căng thẳng ngoại giao liên quan đến vụ đầu độc cựu điệp viên Nga Sergei Skripal vừa diễn ra, Châu Âu vẫn cần Nga để duy trì thỏa thuận hạt nhân Iran.
Nhà phân tích Adam Garrie, thuộc Viện nghiên cứu Tương lai Á-Âu cho biết: “Giờ là lúc Liên minh Châu Âu (gồm cả Anh) phải làm việc với Nga và Trung Quốc nếu thực lòng muốn bảo tồn thỏa thuận hạt nhân Iran. EU cần phải nới lỏng các biện pháp trừng phạt đối với Nga hoặc mở cửa thị trường cho Trung Quốc, để tạo ra sự đồng lòng nhất trí trong nỗ lực duy trì thỏa thuận mà không có sự tham gia của Mỹ”.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.