Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 30 tháng 12 năm 2021 | 9:47

Mạnh tay xử lý những cơ sở vi phạm ATTP

Càng về cuối năm, nhu cầu mua sắm ngày càng tăng, nhất là đối với nhóm hàng thực phẩm, cùng với đó, không ít đối tượng lợi dụng cơ hội này để tung ra thị trường các sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, do đó rất cần phải mạnh tay xử lý.

Thời điểm cuối năm là dịp các cơ sở sản xuất, chế biến vi phạm ATTP nhiều nhất, với những nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo ATTP được các cơ sở “phù phép” thành thực phẩm thơm ngon đưa ra thị trường tiêu thụ. Nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng là hiện hữu.
 
Nhiều cơ sở sản xuất vi phạm ATTP bị xử lý
 
Nắm bắt được người dân có nhu cầu mua sắm cao vào những dịp cuối năm, nhất là nhóm hàng thực phẩm, lợi dụng cơ hội này các đối tượng sản xuất đã tung ra thị trường những sản phẩm không đảm bảo ATTP. Do đó đây là thời điểm các lực lượng chức năng ở các địa phương đã ra quân kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm.
 
doi16.jpg
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đang kiểm tra sản phẩm nước giải khát dấm táo. (Ảnh: PV/Vietnam+)

 

Gần đây nhất, ngày 27/12, Đội Quản lý thị trường số 16 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã phối hợp cùng Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) tiến hành kiểm tra hàng hóa tại trụ sở Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và sản xuất thực phẩm Ích Khang tại số 28 đường Nguyễn Đức Thuận, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội.
 
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ gần 10.000 sản phẩm nước giải khát dấm táo có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
 
Ngoài ra, cơ sở không đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật trong sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thuộc diện phải đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định của pháp luật đối với sản phẩm "Nước giải khát dấm táo One World - Ích Khang".
 
Trước đó, vào tối ngày 11/11, Cục Nghiệp vụ QLTT phối hợp với Cục QLTT Hà Nội và Cục QLTT Bắc Ninh chia thành hai Tổ đồng loạt ập vào xưởng sản xuất và kho chứa hàng hoá là sản phẩm sa tế có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu “Thuận Phát” tại địa chỉ Thôn Yên Khê, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP.Hà Nội và căn nhà tạm, không có biển hiệu tại ngõ Cổng Dền, phường Phù Lưu, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh.
 
can-trong-voi-thuc-pham-ban-het-date-dip-cuoi-nam_1.jpg
Lực lượng QLTT thu giữ hơn 28.000 sản phẩm sa tế có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ

 

Kiểm tra thực tế tại 2 địa điểm, lực lượng chức năng phát hiện các cơ sở này đang ngổn ngang dây chuyền sản xuất sa tế theo hình thức không khép kín với các trang thiết bị vật tư như: nồi hơi, nồi nấu, nồi xay, nồi san chiết, máy dán nắp, máy hàn nilon và một lượng lớn vỏ hũ cùng hàng vạn tem, nhãn đựng trong các bao tải và các cuộn tròn chưa sử dụng. Qua kiểm tra, lực lượng đã thu giữ tổng hơn 28.000 sản phẩm có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ.
 
Ngày 18/11, Đội 6 - Cục QLTT Lạng Sơn đã tiến hành kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh thực phẩm trên đường Đoàn Thị Điểm, phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn. Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn phát hiện cửa hàng đang bầy bán 14 mặt hàng với gần 400 đơn vị sản phẩm là thực phẩm đông lạnh đóng gói sẵn, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu.
 
Tương tự, ngày 14/11, Cục QLTT Hà Giang đã kiểm tra một cơ sở kinh doanh và phát hiện 1.375 gói bánh bao nhân sữa bên ngoài có in hình và chữ nước ngoài. Qua quá trình làm việc, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn chứng từ hợp pháp liên quan đến số hàng hóa trên.
 
can-trong-voi-thuc-pham-ban-het-date-dip-cuoi-nam.png
Công tác ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng còn khó khăn bởi do nhiều địa phương chưa chú trọng công tác truyền thông
 
Đầu tháng 11/2021, lực lượng QLTT Nghệ An đã kiểm tra, phát hiện lô hàng có trọng lượng 650kg thịt sườn lợn đã bốc mùi hôi thối nồng nặc. Chủ phương tiện không xuất trình được giấy tờ hợp pháp liên quan đến lô hàng và giấy tờ kiểm dịch của cơ quan chức năng.
 
Tăng cường kiểm tra và xử lý mạnh tay
 
Bảo đảm sức khỏe của nhân dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan và lực lượng chức năng. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn có nhiều sự chồng chéo, gây không ít khó khăn trong công tác ngăn chặn thực phẩm bẩn, thực phẩm không đảm bảo ATTP.
 
Theo một lãnh đạo Bộ Y tế từng cho rằng, công tác truyền thông tại địa phương còn hạn chế khiến người tiêu dùng vẫn vô tư tiêu thụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, đây cũng là hành vi tiếp tay cho thực phẩm kém chất lượng.
 
Hình thức tuyên truyền còn chưa đi sâu vào phản ánh những cơ sở sản xuất tiên tiến, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính quyền địa phương còn chưa phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất không đảm bảo quy định.
 
Còn Tổng cục Quản lý Thị trường đã chỉ đạo lực lượng tập trung ngăn chặn, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
 
Theo Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh, dịp cuối năm và dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, toàn lực lượng sẽ tăng cường công tác thông tin tuyên truyền đến tổ chức cá nhân kinh doanh hàng hoá và người tiêu dùng để nâng cao ý thức pháp luật trong hoạt động kinh doanh và văn hoá tiêu dùng.
Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán như bánh kẹo, rượu bia, nước giải khát, thuốc lá, các mặt hàng thực phẩm tươi sống..., các mặt hàng thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19.
 
Toàn lực lượng QLTT quyết tâm, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý; đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu Tết cho nhân dân.
 
Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, quy định rất cụ thể và rõ ràng các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân. Do đó, các lực lượng cần mạnh tay hơn nữa để kiểm tra, kiểm soát và xử lý thật nghiêm minh các hành vi vi phạm.
 
Để đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân và gia đình, lãnh đạo Tổng cục QLTT cũng khuyến cáo, người tiêu dùng nên mua thực phẩm tại những địa chỉ uy tín, đảm bảo chất lượng, đọc và tìm hiểu kỹ thông tin trên bao bì, nhãn mác. Nói không với những sản phẩm có tem nhãn in không rõ ràng, chữ in không sắc nét để tránh mua hàng giả, hàng nhái. Khi mua online cần mua tại những gian hãng chính hãng. Bên cạnh đó không nên ham rẻ, nhất là khi sản phẩm có giá bán quá rẻ so với công bố của nhà sản xuất.
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top