Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 1 tháng 12 năm 2015 | 2:11

Mùa đông xuân, nỗi lo bệnh truyền nhiễm

Theo TS.Trương Đình Bắc, Phó cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), mùa đông xuân là thời điểm dễ bùng phát rất nhiều loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tay chân miệng, cúm, cúm gia cầm…

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 69.441 ca mắc sốt xuất huyết, làm 47 người tử vong, bệnh lưu hành ở 56/63 tỉnh, thành phố. Bệnh tay chân miệng phát hiện 52.617 ca mắc ở 62/63 tỉnh, thành phố. Riêng bệnh sởi, so với cùng kỳ năm ngoái, mức độ mắc giảm rõ rệt nhờ chiến dịch tiêm phòng vắc xin Sởi – Rubella (nếu cùng kỳ năm ngoái có tới 34.000 ca mắc thì năm nay chỉ có chưa đến 1.000 ca, ổ dịch phát hiện rải rác ở quy mô nhỏ). Với bệnh liên cầu lợn, tính đến tháng 11/2015, ghi nhận 82 trường hợp mắc mới, 10 trường hợp tử vong.

Trước diễn biến phức tạp của nhiều loại dịch bệnh, ông Bắc khuyến cáo, cộng đồng cần thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh như: Rửa tay bằng xà phòng trước khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn/chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh; ăn chín, uống sôi; giữ ấm cơ thể, tăng cường chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng; đưa trẻ đi tiêm phòng vắc – xin đầy đủ...

Giáo viên Trường Tiểu học Thành Long (Hàm Yên - Tuyên Quang) hướng dẫn học sinh rửa tay bằng xà phòng đúng quy cách để phòng chống các loại dịch bệnh truyền nhiễm. Ảnh: ththanhlong.hamyen.edu.vn.

Dưới đây là một số khuyến cáo phòng chống các bệnh thường gặp theo mùa:

Bệnh tay chân miệng

Là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm (nhóm B) do virus đường ruột gây ra, dễ lây truyền từ người sang người theo đường tiêu hóa và tiếp xúc, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi.

Dấu hiệu đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, tổn thương niêm mạc miệng và da, chủ yếu ở dạng phỏng nước thường thấy ở trong lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên, có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm (viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp) dẫn đến tử vong. Các trường hợp có biến chứng nặng thường do EV71.

Bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi, nhiều hơn ở trẻ dưới 5 tuổi. Tỷ lệ người lành mang trùng cao, 71%.

Đường truyền bệnh: Đường tiêu hóa, tiếp xúc trực tiếp qua dịch từ nốt phỏng. Ngoài ra, có một số yếu tố làm gia tăng sự lây truyền và bùng phát như: Mật độ dân số cao, sống chật chội; điều kiện vệ sinh kém, thiếu nhà vệ sinh, thiếu nước sạch phục vụ cho sinh hoạt.

Khuyến cáo: Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày, đặc biệt trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Thức ăn cho trẻ cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng: ăn chín, uống chín, vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay,…

Làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt; thu gom và xử lý chất thải của trẻ; theo dõi phát hiện bệnh sớm và cách ly điều trị kịp thời khi phát bệnh.

Bệnh cúm

Là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Có thể kèm theo các triệu chứng đường tiêu hóa (buồn nôn, nôn, ỉa chảy), đặc biệt ở trẻ em. Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và phục hồi trong vòng 2 – 7 ngày. Ở trẻ em và người lớn tuổi, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có thể xảy ra ở nhiều mức độ khác nhau: đại dịch, dịch, dịch nhỏ địa phương và các trường hợp tản phát.

Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của bệnh nhân có chứa virus cúm qua ho, hắt hơi. Tỷ lệ lây lan càng mạnh khi tiếp xúc trực tiếp và mật thiết, đặc biệt ở nơi tập trung đông người. Trong điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, làm tăng tính cảm nhiễm với bệnh.

Khuyến cáo: Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối. Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng. Tiêm vắc xin cúm mùa phòng bệnh. Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Bệnh cúm gia cầm

Là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do virus cúm tuýp A, với các triệu chứng thường gặp: Sốt cao trên 30 độ C; ho, khó thở; suy hô hấp, có thể dẫn đến tử vong. Bệnh có khả năng truyền trực tiếp từ chim, gia cầm sang người.

Phương thức lây truyền: Tiếp xúc trực tiếp với gia cầm hoặc đồ dùng, vật dụng bị nhiễm bởi phân gia cầm là đường lây truyền chính. Virus có thể lây truyền qua không khí hay qua ăn uống, tiếp xúc với dụng cụ và đồ vật nhiễm virus. Người có thể bị lây bệnh do tiếp xúc trực tiếp với gia cầm bị bệnh qua chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn gia cầm và các sản phẩm của gia cầm chưa được nấu chín hoặc chế biến không hợp vệ sinh.

Khuyến cáo: Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn. Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và dịch vụ thú y trên địa bàn. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Bệnh liên cầu lợn ở người

Là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn liên cầu lợn có tên khoa học là Streptococcus Suis lây truyền từ động vật sang người, chủ yếu là từ lợn mắc bệnh. Bệnh có các biểu hiện lâm sàng đa dạng, hay gặp nhất là thể viêm màng não (sốt cao, đau đầu, buồn nôn, nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể) và sốc nhiễm khuẩn (sốc nhiễm độc, trụy mạch, cơ thể lạnh, tụt huyết áp, nhiễm khuẩn huyết cấp tính, rối loạn đông máu nặng, suy hô hấp, suy đa phủ tạng,… dẫn đến hôn mê và tử vong).

Khuyến cáo: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Không ăn tiết canh, nội tạng lợn và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín (lòng, tim, gan, thận chần tái, thịt tái, nem chua, nem chạo…).

Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết khác khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.

Không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, lợn chết. Tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.

Khi có các biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh như sốt cao đột ngột và có các tiền sử chăn nuôi, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Khánh Nguyên

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top