Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 13 tháng 9 năm 2018 | 9:18

Mỹ “cân não” trong ván bài tay ba với Hàn Quốc và Triều Tiên

Mỹ buộc phải ủng hộ chính sách ngoại giao của Hàn Quốc với Triều Tiên, song điều khó khăn với Mỹ là sẽ phải cân bằng chính sách của mình.

Kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử Mỹ - Triều đến nay các cuộc đàm phán hay tiếp xúc giữa 2 bên đều đang bị chững lại. Washington cho rằng, Bình Nhưỡng thiếu những hành động cụ thể để thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên. Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 8 còn hủy bỏ chuyến thăm Bình Nhưỡng của Ngoại trưởng Mike Pompeo và đặc phái viên mới được bổ nhiệm Stephen Biegun vì lý do này, dù vậy mối quan hệ giữa 2 bên không bị đẩy đi quá xa lên đến mức căng thẳng hay khẩu chiến gay gắt như từng diễn ra trước đây.

 

my can nao trong van bai tay ba voi han quoc va trieu tien hinh 1
Mỹ “cân não” trong ván bài tay ba với Hàn Quốc và Triều Tiên. Ảnh: Getty

 

Ván bài tay ba Mỹ-Hàn-Triều

Ngược lại với diễn biến đình trệ Mỹ-Triều, các cuộc đối thoại liên Triều lại tiếp tục diễn ra suôn sẻ khi Seoul và Bình Nhưỡng đang chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ 3 từ ngày 18-20/9 này. Cuộc gặp dự kiến diễn ra tại thủ đô Bình Nhưỡng của Triều Tiên. Giữa bối cảnh này đã có những bài viết nhận định rằng, Hàn Quốc thể hiện rõ ràng rằng nước này không cần đến sự cho phép của Mỹ để tiến tới cải thiện quan hệ với nước láng giềng của mình, mà thay vào đó, Mỹ cần phải ủng hộ nỗ lực Hàn Quốc để kiềm chế căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Đây cũng là điều quan trọng để tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ ngoại giao Mỹ-Triều.

Quan hệ Mỹ-Triều rơi vào tình trạng đình trệ hoàn toàn bởi hai bên cơ bản không nhất trí được những bước đi tiếp theo trong tiến trình phi hạt nhân hóa như đã cam kết. Phía Mỹ muốn Triều Tiên tuyên bố chi tiết chương trình hạt nhân của mình, trong khi, Triều Tiên muốn một tuyên bố chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh từ cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Mắc kẹt giữa Mỹ và Triều Tiên, Hà Quốc không hề muốn những nỗ lực của mình “đổ sông đổ bể”, nhất là sau diễn biến tích cực chưa từng có trên Bán đảo Triều Tiên từ đầu năm 2018 tới nay. Từ cuộc Thượng đỉnh liên Triều thành công đến Thượng đỉnh Mỹ-Triều lịch sử, hứa hẹn mở ra một chương mới về hòa bình và thịnh vượng trên Bán đảo Triều Tiên. Seoul đã cử phái đoàn, do Giám đốc An ninh quốc gia Chung Eui-yong dẫn đầu, tới Bình Nhưỡng hôm 5/9, nhằm xác định thời gian tiến hành cuộc Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, cũng như kế hoạch mở văn phòng liên lạc giữa 2 nước tại Khu công nghiệp chung Keasong trước thềm cuộc Thượng đỉnh sắp tới.

Việc mở văn phòng liên lạc liên Triều là điểm đáng chú ý trong hành động của Hàn Quốc. Kế hoạch này được đưa ra trong Tuyên bố Bàn Môn Điếm, đạt được tại cuộc gặp Thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 4. Hàn Quốc đã tham vấn với Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt với Triều Tiên trước khi mở văn phòng liên lạc tại Keasong. Tuy nhiên, Seoul hiện đã có quyết định và cho thấy họ không cần sự cho phép để hiện thực hóa kế hoạch này. Hàn Quốc đang thể hiện với cộng đồng quốc tế rằng họ sẽ theo đuổi các kế hoạch và dự án cải thiện quan hệ liên Triều dù có được ủng hộ hay không.

Ở giữa một bên là đồng minh chiến lược Mỹ và một bên là nước láng giềng quan trọng Triều Tiên, Hàn Quốc hiểu rõ mình phải làm gì hơn bất cứ ai. Việc Mỹ-Triều cải thiện quan hệ là điều có lợi phần nhiều cho cả Hàn Quốc.

Trong khi đàm phán Mỹ-Triều đình trệ, chuyến thăm Bình Nhưỡng vừa qua của Giám đốc An ninh quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-yong đã mang về tin tốt khi một lần nữa có được cam kết từ Nhà lãnh đạo Triều Tiên về tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên. Theo báo cáo của ông Chung Eui-yong sau chuyến công tác, Nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đồng ý với Hàn Quốc rằng tuyên bố chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên sẽ thúc đẩy sự tin tưởng giữa các bên. Hàn Quốc và Triều Tiên cũng cho rằng, việc chính thức chấm dứt tình trạng chiến tranh sẽ không ảnh hưởng gì đến quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn hay là việc yêu cầu Mỹ rút quân đội khỏi Bán đảo Triều Tiên.

Đây là nỗ lực rõ ràng của Hàn Quốc nhằm mở ra một “vị trí ngoại giao” cho Mỹ tham gia vào tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến của các nhà quan sát lo ngại Hiệp ước Hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên sẽ dẫn đến những “va chạm” trong quan hệ đồng minh Mỹ-Hàn, cũng như hình thành sức ép buộc Mỹ giảm quân đội triển khai trên Bán đảo Triều Tiên. Thực tế, trong khi Hàn Quốc cố trấn an đồng minh Mỹ rằng những lo ngại này là “vô căn cứ”, thì truyền thông nhà nước Triều Tiên vẫn tiếp tục phát đi lời kêu gọi Mỹ chấm dứt hiện diện quân sự trên Bán đảo Triều Tiên.

Mỹ buộc phải cân bằng chiến lược

Theo các nhà quan sát, những động thái công khai mới đây của Hàn Quốc đã thể hiện rõ quyết tâm theo đuổi tiến trình hòa bình Hàn Quốc-Triều Tiên, với bước tiếp theo là một tuyên bố hòa bình chứ không phải là một tuyên bố về chương trình hạt nhân trong trình tự hòa bình Mỹ-Triều. Đây là lý do khiến các nhà quan sát lo ngại về điều gì sẽ xảy tới với mối quan hệ đồng minh chiến lược Mỹ-Hàn khi Seoul hành động độc lập và liên kết cùng Bình Nhưỡng trong giải quyết các vấn đề trên Bán đảo Triều Tiên. Nếu Hàn Quốc và Triều Tiên tiếp tục thắt chặt quan hệ, các mục tiêu và ưu tiên của Mỹ và Hàn Quốc có thể tiếp tục bị suy giảm, theo đó dẫn đến mối quan hệ đồng minh bị lung lay.

Các nhà quan sát khẳng định, đây là mối quan ngại thực sự và Hàn Quốc đang nỗ lực trấn an Mỹ. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng khẳng định, ông mong muốn thúc đẩy “tiến trình phi hạt nhân hóa không thể đảo ngược” vào cuối năm nay.

Về phần Washington, việc “chia rẽ” quan hệ liên Triều cũng sẽ không phải là lựa chọn tối ưu. Mỹ cũng hiểu rõ rằng, gây căng thẳng hay sức ép cũng sẽ đẩy Hàn Quốc tới gần Triều Tiên hơn. Nhiều nhà quan sát vẽ ra chiến lược khôn ngoan cho Washington là đứng sau Hàn Quốc trong cải thiện quan hệ với Triều Tiên, đồng thời Hàn Quốc phải đảm bảo giữ bầu không khí tích cực để tạo đà thúc đẩy Triều Tiên thực hiện những cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Đây là một kịch bản hoàn hảo cho tất cả các bên. Với Mỹ sẽ là sự cân bằng chiến lược cần thiết với cả Hàn Quốc và Triều Tiên.

Cho đến nay, Washingtin có thể đang lãng phí thời gian của mình trong khi Bình Nhưỡng đã khẳng định sẽ không làm gì cho đến khi có được tuyên bố hòa bình.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top